Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Chùa Khmer - "đạo và đời": Trường học đặc biệt (Bài 3)

N. Tâm - H. Diễm - 09:09, 23/08/2022

Trong đời sống của đồng bào Khmer, chùa không chỉ là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo, văn hóa của đồng bào, chùa còn là nơi rèn luyện đạo đức, phẩm hạnh cho lớp trẻ. Từ việc tu tập trong chùa, đã tạo ra những thế hệ thanh niên Khmer có tri thức, làm hành trang vào đời, cống hiến cho xã hội…


Dưới mái chùa những nhân cách tốt đẹp sẽ được hình thành và lan tỏa trong cộng đồng từ hiện tại đến tương lai
Dưới mái chùa những nhân cách tốt đẹp sẽ được hình thành và lan tỏa trong cộng đồng

Giáo dục lớp trẻ làm người

Có thể nói, tu báo hiếu đã trở thành nét đẹp truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer. Đây không chỉ là cách để thanh niên đáp đền công ơn của đấng sinh thành, mà còn là dịp được rèn luyện trong môi trường văn hóa lành mạnh, có tính giáo dục cao để chuẩn bị hành trang bước vào đời.

Theo phong tục của đồng bào dân tộc Khmer, thanh niên từ 12 tuổi trở lên sẽ vào chùa tu báo hiếu. Với họ, chùa Khmer là nơi linh thiêng, hướng con người đến cái thiện, tránh xa điều xấu, rèn luyện đức tài cho con cái nên nhiều gia đình đều muốn gửi gắm con em mình. Thời gian đầu, thanh niên đi tu sẽ được học cách viết, đọc chữ của dân tộc. Tiếp đến là giai đoạn truyền dạy những giáo lý từ kinh Phật, kiến thức văn hóa, xã hội của dân tộc.

Đây là một việc làm hết sức quan trọng, để thế hệ thanh niên gìn giữ tiếng mẹ đẻ và hiểu hơn về bản sắc văn hóa được cha ông dày công vun đắp. Thời gian vào chùa tu có thể vài ba tuần, vài ba tháng, hoặc vài ba năm, có cơ duyên Phật pháp thì tu suốt đời, do vậy lực lượng tu sĩ Phật giáo Nam tông Khmer luôn hùng hậu. Hình ảnh của tu sĩ là một hình ảnh không thể thiếu trong đời sống của đồng bào Khmer.

Chùa là cánh cổng mà mỗi thanh niên Khmer cần bước qua trước khi vào đời
Chùa là cánh cổng mà mỗi thanh niên Khmer cần bước qua trước khi vào đời

Nhà giáo Nhân dân Lâm Es - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Sóc Trăng từng nói: "Tôi được như hôm nay một phần chủ yếu là từ chùa. Lúc nhỏ được mẹ gửi lên chùa Cần Ðước (huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) để đi học, ăn cơm chùa, áo quần bà con phum, sóc cho. Suốt 9 năm tu ở chùa để trả hiếu, cầu kinh niệm Phật, mua sách vở tiếng Việt, tiếng Pháp về tự học và tìm kiếm sách tiếng Khmer trong các chùa về để tìm hiểu nghiên cứu, dạy chữ Pali cho trẻ nhỏ tại các phum, sóc lân cận. Ðó là những kỷ niệm đẹp nhất trong đời".

Thượng tọa Lý Hùng Phó hội trưởng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước TP. Cần Thơ, Trụ trì chùa Pitu Khôsa Răngsây, cho biết: Mỗi năm tại các chùa theo hệ Phật giáo Nam tông Khmer trên địa bàn TP. Cần Thơ đều có gia đình gửi con đến tu báo hiếu. Việc tu báo hiếu tại chùa là để giáo dục nhân cách, định hướng tư tưởng cho thanh niên. Tại đây, thanh niên vừa được mở mang kiến thức, đồng thời rèn luyện trong môi trường học tập, lao động rất tốt. Từ đó, góp phần nâng cao trình độ dân trí, hướng thanh niên đến những điều thiện, điều lành.

Được biết, để thanh niên có cơ hội học tập tốt hơn, nhiều năm qua chùa Pitu Khôsa Răngsây còn trang bị tủ sách, báo với nhiều nội dung phong phú trên các lĩnh vực: kinh tế, văn hóa - xã hội, pháp luật, đời sống..., góp phần nâng cao hiểu biết cho các sư. Quá trình rèn luyện tại chùa sẽ là hành trang giúp thanh niên các phum, sóc tự tin và trưởng thành hơn khi bước ra cuộc sống bên ngoài.

Tu báo hiếu là nét đẹp truyền thống của đồng bào DTTS Khmer
Tu báo hiếu là nét đẹp truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer

Vun đắp hành trang vào đời

Bên cạnh việc truyền dạy kiến thức, các chùa Khmer còn quan tâm đến tương lai của các sư sau khi hoàn tục. Theo đó, nhà chùa đã đào tạo, hướng dẫn các sư theo học nghề. Tùy vào sở thích, năng khiếu của mỗi người mà việc định hướng nghề nghiệp cũng khác nhau.

17 tuổi, sư Sơn Oành Đết bắt đầu tu học tại chùa Monivongsa Bopharam (phường 1, TP. Cà Mau) sau thời gian sư Sơn Oành Đết đến học giáo lý và chương trình phổ thông tại chùa Ghositaram ở tỉnh Bạc Liêu.

Trong thời gian này, ngoài việc học văn hóa, giáo lý, sư Sơn Oành Đết đã tự tìm hiểu và học được các nghệ nhân vẽ điêu khắc hoa văn, pho tượng tại chùa. Từ những nỗ lực, kiên trì học hỏi, sư Sơn Oành Đết đã có thể vẽ được những bức tranh thể hiện họa tiết, hoa văn của các công trình kiến trúc Khmer. Rồi từng bước tiến bộ và thành công trong nghề điêu khắc hoa văn Khmer, được rất nhiều đồng bào phật tử Khmer đón nhận. Do vậy, sư Đết được nhiều chùa trong và ngoài tình mời về làm việc tại chùa.

“Cũng nhờ chùa mà tôi có điều kiện để thực hiện ước mơ, sở thích từ nhỏ là, có thể tự tay tạo ra những tác phẩm đẹp, độc đáo, mang đậm nét văn hóa dân tộc Khmer. Làm được điều này cũng là cách để tôi gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và có một nghề nghiệp ổn định”, sư Sơn Oành Đết chia sẻ.

Trong quan niệm của người Khmer, thanh niên vào chùa tu báo hiếu là những người rất được cộng đồng tôn trọng sau khi hoàn tục. Bởi họ là những người biết chữ, có hiểu biết và nhân cách tốt. Nhiều cụ còn lấy họ làm gương để răn dạy con cháu trong nhà. Đặc biệt, thanh niên từng đi tu cũng rất được xã hội ưu ái trong việc bố trí công việc. Đã không ít người sau khi tu hành tại các chùa Khmer nay đã trở thành cán bộ, công chức Nhà nước hoặc có cuộc sống ổn định.

Sư Sơn Oành Đết – một nghệ nhân nổi tiếng có nhiều cống hiến về bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc. Để được như ngày hôm nay Nghệ nhân chọn ngôi chùa làm trường học đầu đời
Sư Sơn Oành Đết – một nghệ nhân nổi tiếng có nhiều cống hiến về bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc. Để được như ngày hôm nay Nghệ nhân chọn ngôi chùa làm trường học đầu đời

Nhiều người có thời gian tu báo hiếu rồi sau đó được các sư gởi đến trường tiếp tục học chữ và thành đạt như anh Lý Hoàng Nguyên, hiện là bác sĩ, tham gia công tác Bệnh xá Quân y tỉnh Bạc Liêu. Anh Nguyên là người dân tộc Khmer, có thời gian tu báo hiếu tại chùa Khmer Hoà Bình (Bạc Liêu)...

Hay anh Danh Tư, quê ở tỉnh Hậu Giang, sau thời gian học xong cấp I, anh vào chùa tu và được các sư giúp đỡ vào trường Dân tộc nội trú học tiếp tục. “ hiện tại tôi làm giãng viên trường Đại học Võ Trường Toản, đồng thời tham gia vào Ban chấp hành Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Hậu Giang để có điều kiện cống hiến và đền đáp công ơn thầy cô và các vị sư sãi đã vận dụng chính sách và Chủ trương của Đảng, Nhà nước ươn mầm cho con em đồng bào dân tộc Khmer được sánh vai cùng các dân tộc anh em trong trong cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc” - Anh Danh Tư chia sẻ.

Còn ông Trần Liêu Người có uy tín huyện Trần Đề, Sóc Trăng, cho biết: “Nhờ những kiến thức tu học tại chùa lúc trẻ, nên tôi được mọi người tôn trọng, quý mến, từ đó tôi ra sức làm nhiều việc vì cộng đồng vì sự phát triển của phum sóc”.

Tin cùng chuyên mục
Tu Mơ Rông (Kon Tum): Khai mạc Hội thi ẩm thực quốc tế

Tu Mơ Rông (Kon Tum): Khai mạc Hội thi ẩm thực quốc tế

Tối 25/4, tại Làng tái định cư Tu Thó (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum), UBND huyện Tu Mơ Rông tổ chức Khai mạc Hội thi ẩm thực quốc tế dược liệu - Tinh hoa núi rừng Ngọc Linh Kon Tum và công bố xác lập kỷ lục Việt Nam về 120 món ăn chế biến từ sâm dây.