Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Chuẩn hóa đội ngũ cán bộ người DTTS ở cơ sở: Ghi nhận ở Quảng Bình (Bài 1)

Phạm Tiến - 20:17, 05/07/2022

Chuẩn hóa cán bộ người DTTS ở cơ sở, là khâu then chốt góp phần thực hiện thành công các chương trình, chính sách dân tộc, phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS. Những năm gần đây, nhiều địa phương đã có cách làm hay để không ngừng nâng cao chất lượng cán bộ người DTTS. Tuy nhiên, nhìn từ thực tế, chất lượng cán bộ người DTTS ở cơ sở, đặc biệt là cấp xã vẫn nhiều hạn chế.

Chất lượng cán bộ chưa đảm bảo được xác định là một trong những nguyên nhân khiến đời sống đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn (ảnh một góc bản ở xã Tân Trạch)
Chất lượng cán bộ chưa đảm bảo được xác định là một trong những nguyên nhân khiến đời sống đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn (ảnh một góc bản ở xã Tân Trạch)

Hiện nay  “cán bộ xã có trình độ văn hóa 5/12” vẫn không phải là chuyện hiếm ở một số xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS ở tỉnh Quảng Bình. Điều đáng nói, trong số những cán bộ nói trên, có những người phụ trách chuyên môn ở một lĩnh vực, có người còn đứng đầu chính quyền cơ sở.

Cán bộ chuyên trách yếu về chất lượng

Thượng Trạch và Tân Trạch là hai xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Phần đông cư dân ở hai xã Tân Trạch và Thượng Trạch là người Chứt và người Bru Vân Kiều sinh sống. Đây cũng là hai địa phương chưa có điện lưới quốc gia, đời sống đồng bào còn nhiều khó khăn. Trong rất nhiều nguyên nhân dẫn đến đời sống của đồng bào phát triển chậm, có một nguyên nhân được xác định là do đội ngũ cán bộ yếu về năng lực chuyên môn, năng lực quản lý, chỉ đạo và triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển của địa phương.

Theo thống kê từ Văn phòng UBND xã Thượng Trạch, toàn xã có 14 cán bộ không chuyên trách cấp xã. Trong đó, chỉ có 4 người có trình độ trung cấp, số còn lại chỉ dừng lại ở phổ thông. Điều đáng nói, trong số những cán bộ chuyên trách chỉ dừng lại ở bậc học phổ thông có người phụ trách ở một lĩnh vực chuyên môn. Cụ thể, trường hợp Y Hít, người Bru Vân Kiều phụ trách Đài truyền thanh xã; Đinh Xúc, phụ trách Khuyến nông. Hay như trường hợp của Y Thân, người Bru Vân Kiều, là Phó Bí thư Đoàn xã nhưng cũng chưa hề học qua một trường lớp chuyên môn, nghiệp vụ nào!

Tân Trạch hiện có 95 hộ dân, với 389 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Chứt. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã là hơn 80%. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này được cho là, do đội ngũ cán bộ nơi đây vừa yếu, thiếu dẫn đến thực trạng Tân Trạch chậm phát triển về kinh tế - xã hội.

Chung tình trạng này, xã Tân Trạch có 7 cán bộ chuyên trách cấp xã, thì có đến 4 cán bộ có trình độ văn hóa 5/12. Số còn lại cũng chỉ có 1 người có trình độ văn hóa 12/12, còn lại là 9/12. Đơn cử, trường hợp của ông Đinh Linh, dân tộc Chứt - Phó Chủ tịch Hội Nông dân có trình độ văn hóa 5/12; Đinh Khin dân tộc Chứt, trình độ văn hóa 5/12 chuyên trách công tác Đảng….

Từ trình độ văn hóa thấp, dẫn đến hiệu quả công việc của cán bộ không chuyên trách ở Thượng Trạch và Tân Trạch chưa cao. Việc ứng dụng, phổ biến khoa học - kỹ thuật cho đồng bào để cải thiện năng suất trồng trọt và chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Điều này ảnh hưởng lớn đến công cuộc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Đặc biệt, khi thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi sẽ gặp nhiều trở ngại!

Thượng Trạch (Bố Trạch) là xã vùng biên, đến thời điểm này địa phương vẫn chưa có điện lưới quốc gia
Xã biên giới Thượng Trạch (Bố Trạch) đến thời điểm này vẫn chưa có điện lưới quốc gia

Nhiều cán bộ công chức chưa học hết phổ thông

Không chỉ là cán bộ không chuyên trách, đội ngũ cán bộ, công chức ở hai xã Thượng Trạch và Tân Trạch huyện Bố Trạch (Quảng Bình) cũng còn nhiều bất cập. Chuyện “thật như đùa” - cán bộ xã học chưa hết phổ thông vẫn còn hiện hữu!

Từ thực tế đời sống kinh tế, xã hội của đồng bào Chứt và Bru Vân Kiều ở hai xã Tân Trạch, Thượng Trạch còn nhiều khó khăn, số hộ nghèo còn rất cao. Điều kiện cách xa về địa lý, lại chưa có điện lưới quốc gia, nên điều kiện học hành của các cháu đặc biệt là trong thời kỳ trước chưa được chú trọng. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ, trong đó có đội ngũ cán bộ từ thôn bản đến cấp xã.

Hệ lụy để lại là cho đến ngày nay, nhiều cán bộ trưởng thành từ cơ sở trở thành cán bộ chủ chốt cấp xã, nhưng trình độ văn hóa vẫn chưa hết bậc phổ thông. Đặc biệt có người đã trưởng thành và đảm nhiệm là người đứng đầu chính quyền địa phương cấp xã, nhưng trình độ văn hóa cũng chỉ mới ở mức 5/12. Trường hợp ông Đinh Hoe, dân tộc Bru Vân Kiều, Chủ tịch UBND xã Tân Trạch là một ví dụ.

Xã Tân Trạch có 10 cán bộ, thì có đến 5 cán bộ có trình độ văn hóa chưa học hết phổ thông, 1 người có trình độ văn hóa 12/12 (hiện đang học đại học). Đặc biệt, trong 5 cán bộ có trình độ chưa học hết phổ thông lại có đến 4 người có trình độ văn hóa 5/12, trong đó có Chủ tịch UBND xã, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã; còn Chủ tịch HĐND xã cũng chỉ là 8/12…..

Nguồn nhân lực, cán bộ, công chức ở xã Thượng Trạch cũng có nét tương đồng xã Tân Trạch. Theo thống kê danh sách cán bộ năm 2022, ở xã Thượng Trạch có 11 cán bộ, thì  7 cán bộ có trình độ văn hóa dừng lại ở bậc phổ thông. Trong đó, có những cán bộ có vai trò chủ chốt ở cấp xã như Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam xã; Bí thư Đoàn Thanh niên xã …

Thực trạng nhiều cán bộ không chuyên trách, cán bộ chủ chốt, công chức xã có trình độ văn hóa chưa hết 12/12, là vấn đề cấp bách mà lãnh đạo các cấp ủy, chính quyền tỉnh, huyện cần có kế hoạch, giải pháp cụ thể về công tác cán bộ, sớm “chuẩn hóa” đội ngũ cán bộ cấp xã ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào DTTS. 

Đồng thời, thấy rõ được tính cấp thiết cần tập trung kế hoạch, giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là người DTTS ở cơ sở hiện tại để đáp ứng với nhiệm vụ triển khai thực hiện hiệu quả công tác dân tộc, chính sách dân tộc trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS giai đoạn 2021 - 2030.