Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Chuộc lỗi với rừng

Quỳnh Chi - 11:20, 20/09/2019

Đã từng là một địa bàn “tai tiếng” với các làng lâm tặc, rừng của huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình chỉ còn trơ trọi những đồi núi không cây cối. Thế rồi, những người “bức tử” rừng đã nhận ra lỗi lầm và chính họ lại tự tay trồng cây gây rừng để nơi đây trở thành vùng có tỷ lệ che phủ cao nhất tỉnh Quảng Bình.

Chuộc lỗi với rừng

Rừng ở Minh Hóa đã hồi sinh do người dân ý thức được lợi ích của việc trồng rừng và bảo vệ.

Trả nợ rừng xanh

Hơn 20 năm về trước, những địa danh như Hóa Sơn, Trung Hóa, Tân Hóa, Thượng Hóa, Dân Hóa, Trọng Hóa từng khét tiếng vì chuyện phá rừng. Theo đó, nhiều cánh rừng của huyện Minh Hóa đã bị tàn phá, kiệt quệ suốt thời gian dài, chỉ còn lại những ngọn đồi trơ trụi.

Những năm gần đây, nhờ sự nỗ lực của cơ quan chức năng trong việc bảo vệ, tuyên truyền giáo dục, người dân đã dần ý thức được lợi ích của việc bảo vệ và trồng rừng.

Nhiều người đã thức tỉnh, nhận ra giá trị của những cánh rừng tự nhiên, có người từ giã nghề lâm tặc, trở thành những người đi đầu trong phong trào trồng cây gây rừng ở Minh Hóa.

Ông Đinh Thanh Loan, xã Hóa Sơn còn nhớ, nhiều năm trước ông từng cùng với đám đàn ông trong làng vác cưa vào rừng đốn gỗ.

Hình ảnh những cánh rừng già cứ bị phá trụi dần khiến ông ám ảnh và nuối tiếc. Vì rừng bị phá, muông thú không còn chỗ trú chân, người không còn nơi che chở, thiên tai hạn hán, lũ lụt liên tiếp xảy đến với quê hương khiến lương tâm ông cắn dứt, dằn vặt rồi cuối cùng quyết định bỏ nghề lâm tặc.

Kể từ ngày “rửa tay gác kiếm”, ông Loan quyết tâm trả nợ rừng bằng việc bỏ hết công sức và tâm huyết vào việc gây dựng lại cánh rừng. Ông trồng một cánh rừng trầm gió rộng hơn 6ha. Sau gần 20 năm trồng và chăm sóc, hàng nghìn cây trầm gió của ông Loan bây giờ đều đã có thể tạo được trầm và khiến ông trở nên giàu có. Mặc dù đã có người đến hỏi mua rừng trầm, nhưng ông Loan đều từ chối, bởi đó là tâm huyết cả đời ông muốn để lại cho con cháu.

Tương tự như ông Loan, anh Cao Xuân Lành cũng từng là một “lâm tặc” cộm cán ở bản Ón, xã Thượng Hóa. Sau khi mãn hạn tù 1 năm vì chống người thi hành công vụ, anh Lành nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng. Được sự quan tâm, động viên của chính quyền địa phương và bà con dân bản, anh chuộc lỗi với rừng bằng việc phủ xanh gần 10ha đất trống, đồi trọc, trở thành một trong những người có diện tích rừng lớn nhất trong cộng đồng người Rục ở xã Thượng Hóa.

Những cánh rừng hồi sinh

Ngay từ năm 2010, Đảng bộ huyện Minh Hóa đã ban hành nghị quyết về trồng rừng kinh tế, được người dân nhiệt tình hưởng ứng. Nhờ trồng rừng, các tiềm năng đất đai được khai thác và phát huy hiệu quả, thu nhập người trồng rừng cũng tăng lên.

Nhiều ngọn đồi từng bị tàn phá nay đã được phủ xanh hoàn toàn. Tính đến nay độ che phủ của rừng Minh Hóa đạt 78%, là địa phương đứng thứ nhất trong tỉnh về độ che phủ của rừng.

Cơn bão số 10 năm 2017 đã làm 4.500ha rừng trồng và một số diện tích rừng tự nhiên của huyện bị tàn phá, thiệt hại nặng nề. Sau thiên tai, nhiều hộ dân trở nên trắng tay.

Để khắc phục hậu quả, Ban Thường vụ Huyện ủy Minh Hóa đã nhanh chóng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn hướng dẫn và hỗ trợ Nhân dân khẩn trương tập trung khắc phục hậu quả, thiệt hại về rừng.

Đồng thời, có chủ trương ưu tiên, khuyến khích người dân chuyển từ trồng rừng với cây keo giâm hom thông thường sang trồng rừng với cây bản địa, cây keo lai nuôi cấy mô, cây có chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, có khả năng chống chọi tốt với bão và đem lại hiệu quả kinh tế và năng suất cao.

Thực hiện chủ trương trên, UBND huyện Minh Hóa đã lồng ghép, trích các nguồn kinh phí để hỗ trợ mua giống cây keo lai nuôi cấy mô cho Nhân dân trồng lại rừng với định mức 2.100 đồng/cây.

Đặc biệt, huyện khuyến khích và hỗ trợ các mô hình trồng cây hỗn loài với các giống cây bản địa có giá trị kinh tế cao, như: dổi, lim, huê, keo lai nuôi cấy mô, triển khai thí điểm tại một số địa phương trong huyện.

Đến thời điểm này toàn huyện Minh Hóa đã trồng mới lại được hơn 3.000ha rừng và thực hiện 16 mô hình trồng cây hỗn loài, là những giống cây rừng bản địa quý hiếm.

Ông Bùi Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho biết, công tác trồng rừng và bảo vệ rừng được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Ngoài lực lượng chức năng, huyện chú trọng công tác tuyên truyền đến từng người dân, chủ rừng về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; lợi ích to lớn của rừng. Nhờ đó, người dân Minh Hóa đã không ngừng nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ rừng.

Theo ông Tuấn, ngoài việc chăm sóc diện tích rừng đã trồng, năm 2019, huyện Minh Hóa sẽ tiếp tục mở rộng diện tích, phấn đấu trồng mới thêm gần 1.000ha rừng.

Để hoàn thành kế hoạch trồng rừng, UBND huyện Minh Hoá đã tích cực chỉ đạo người dân các xã, thị trấn trên địa bàn tranh thủ thời tiết thuận lợi đẩy nhanh tiến độ trồng rừng trong khung thời vụ tốt nhất, liên kết với các công ty nông-lâm nghiệp, các vườn ươm, cung cấp đủ cây giống đảm bảo chất lượng cho Nhân dân trồng rừng.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Yêu cầu các địa phương xử lý dứt điểm cơ sở thu mua, chế biễn gỗ keo trái phép

Thanh Hóa: Yêu cầu các địa phương xử lý dứt điểm cơ sở thu mua, chế biễn gỗ keo trái phép

Tỉnh ủy Thanh Hóa vừa có văn bản yêu cầu các địa phương khẩn trương làm rõ và xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, để các cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo tự phát hoạt động trái phép, vi phạm các quy định của pháp luật mà không có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả.