Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Chương trình nghệ thuật "Muôn vàn tình yêu thương"

PV - 08:44, 22/08/2019

Tối 21/8/2019, Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với tỉnh Nghệ An và TP. Hồ Chí Minh tổ chức phát thanh-truyền hình trực tiếp Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Muôn vàn tình thương yêu” tại ba điểm cầu: Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam (Hà Nội), Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Liên (Nghệ An) và Bến Nhà Rồng (TP. Hồ Chí Minh). Đây là hoạt động thiết thực Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019).

Một tiết mục nghệ thuật biểu diễn tại Chương trình. Một tiết mục nghệ thuật biểu diễn tại Chương trình.

Dự Chương trình nghệ thuật tại điểm cầu Hà Nội có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư; Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Văn Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch nước; Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội.

Các đại biểu dự Chương trình. Các đại biểu dự Chương trình.

“Muôn vàn tình thương yêu” là Chương trình chính luận-nghệ thuật đặc sắc, có ý nghĩa chính trị quan trọng nhằm tôn vinh giá trị trường tồn bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và chỉnh đốn Đảng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội. Chương trình đã mang đến khán giả những ca khúc đi cùng năm tháng viết về Bác, khẳng định tình cảm, lòng biết ơn sâu sắc của dân tộc đối với vị Cha già kính yêu, như: “Lãnh tụ ca”, “Từ làng Sen”, “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”, “Miền Nam nhớ mãi ơn Người”...

Hình ảnh sân khấu vở kịch “Đêm giao thừa” tại điểm cầu Hà Nội. Vở kịch xây dựng dưới dạng hồi tưởng của bác Vũ Kỳ, thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một lần Bác đến chúc Tết gia đình chị gánh nước thuê vào đêm 30 Tết (Ảnh: Vũ Toàn) Hình ảnh sân khấu vở kịch “Đêm giao thừa” tại điểm cầu Hà Nội. Vở kịch xây dựng dưới dạng hồi tưởng của bác Vũ Kỳ, thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một lần Bác đến chúc Tết gia đình chị gánh nước thuê vào đêm 30 Tết 

Xen kẽ trong Chương trình nghệ thuật là ba tiểu phẩm kịch nói: “Đêm Giao thừa”, “Nỗi đau”, “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Các tiểu phẩm tái hiện những câu chuyện có thật trong lịch sử, qua đó làm nổi bật chân dung bình dị mà cao quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần làm sáng tỏ tư tưởng mang tính thời đại của Người về công tác cán bộ, đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, xây dựng tình đồng chí, đồng đội…

Chương trình giới thiệu đến với khán giả những thước phim tư liệu quý, phóng sự về thân thế, sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng những dấu mốc, thành tựu to lớn mà đất nước ta đã đạt được trong 50 năm thực hiện Di chúc của Người.

MINH THU