Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Trang địa phương

Chương trình phát thanh tiếng địa phương: Kênh truyền thông hiệu quả

PV - 11:44, 07/07/2021

Chương trình phát thanh bằng tiếng Gia Rai, Ba Na do Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao (VHTT&TT) một số địa phương trong tỉnh Gia Lai duy trì thời gian qua đã phát huy tác dụng nhất định trong công tác thông tin, tuyên truyền vùng đồng bào DTTS.

Phát thanh viên Trung tâm VHTT&TT huyện Krông Pa thu âm Chương trình phát thanh tiếng Gia Rai hằng ngày
Phát thanh viên Trung tâm VHTT&TT huyện Krông Pa thu âm Chương trình phát thanh tiếng Gia Rai hằng ngày

Huyện Krông Pa có tỷ lệ người DTTS chiếm đến 69%. Do đó, việc cung cấp thông tin mọi mặt đến đối tượng này được Trung tâm VHTT&TT huyện xem là nhiệm vụ quan trọng. Giám đốc Trung tâm Ngô Đức Mạo cho hay: “Hiện tại, hầu hết các thôn, buôn trên địa bàn huyện đều có 2 - 3 cụm loa truyền thanh không dây. Đây là phương tiện truyền tải thông tin về mọi lĩnh vực đến với bà con. Vì vậy, mỗi ngày, sau khi tiếp sóng Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, đơn vị đều đặn phát chương trình cập nhật các thông tin của huyện trong ngày, đồng thời dịch sang tiếng Gia Rai”.

Theo ông Mạo, Chương trình phát thanh tiếng Gia Rai có thời lượng 5 - 7 phút. Đều đặn từ thứ Hai đến thứ Sáu hằng tuần, Chương trình cung cấp thông tin kịp thời trên tất cả các lĩnh vực của đời sống, sự kiện thời sự chính trị quan trọng đến người dân.

Tại huyện biên giới Đức Cơ, Chương trình phát thanh song ngữ Việt - Gia Rai được triển khai thực hiện 6 năm nay. Nội dung Chương trình gắn liền với diễn biến đời sống xã hội của địa phương và chính sách dân tộc, bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc, chống vượt biên, giới thiệu gương điển hình tiên tiến trong đồng bào DTTS…

Ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Trung tâm VHTT&TT huyện Đức Cơ chia sẻ: “Mỗi tháng, chúng tôi thực hiện một chuyên đề tiếng Gia Rai phát trên hệ thống loa truyền thanh không dây đến tận thôn, làng. Các chương trình được biên tập nội dung kỹ càng và nhờ ông Rơ Châm Jơt - giáo viên dạy tiếng Gia Rai ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện dịch sang tiếng Gia Rai và thu âm giúp. Việc duy trì các chương trình phát thanh tiếng Gia Rai đã tạo thuận lợi cho bà con hạn chế tiếng phổ thông tiếp cận đầy đủ thông tin cần thiết”.

Hai năm nay, huyện Mang Yang luôn chú trọng xây dựng nội dung chương trình phát thanh tiếng Ba Na. Bà Lê Thị Thanh Thủy, Giám đốc Trung tâm VHTT&TT huyện cho hay: “Nhằm cung cấp thông tin, đẩy mạnh tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho bà con DTTS, chúng tôi duy trì chương trình phát thanh 2 số/tháng với thời lượng 15 phút/số”. Theo bà Thủy, hiện tại, Trung tâm chưa có biên tập viên và phát thanh viên tiếng Ba Na. Do đó, mỗi số phát thanh, Trung tâm nhờ các trí thức người Ba Na dịch và thu âm.

Nhận xét về Chương trình phát thanh tiếng địa phương hằng ngày trên loa truyền thanh, ông La O Khởi, buôn Ma Giai, xã Đất Bằng, huyện Krông Pa cho biết: “Khi được nghe các chương trình phát thanh qua cụm loa FM bằng chính ngôn ngữ của mình, bà con hiểu, tiếp nhận được nhiều thông tin bổ ích một cách thuận lợi, dễ dàng, đầy đủ. Thông tin về Đại hội Đảng các cấp hay cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, công tác phòng, chống đại dịch Covid-19, sản xuất vụ mùa... được tuyên truyền bằng tiếng Gia Rai nên bà con hiểu nhanh, hiểu rõ, thấy được trách nhiệm và tích cực tham gia góp phần vào thành công chung của sự kiện”.

Phát huy kết quả đạt được, các Trung tâm VHTT&TT nhận thức tiếp tục cải tiến, nâng cao hơn nữa chất lượng của chương trình phát thanh song ngữ. Giám đốc Trung tâm VHTT&TT huyện Krông Pa cho hay: “Trên cơ sở tiếp nhận phản hồi, góp ý của cán bộ, người dân về Chương trình, chúng tôi đúc rút kinh nghiệm và xây dựng nội dung phù hợp hơn. Về phần mình, chúng tôi có kế hoạch cử biên tập viên, phát thanh viên tiếng Gia Rai tham gia các lớp bồi dưỡng tiếng Gia Rai ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện nhằm trang bị vốn ngôn ngữ địa phương cũng như trau dồi cách phát âm chuẩn hơn để tăng hiệu quả, chất lượng Chương trình”./.