Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Nâng cao chất lượng dạy tiếng dân tộc thiểu số ở Gia Lai

PV - 10:05, 28/04/2021

Là một tỉnh có đến gần 50% số dân là đồng bào Gia Rai và Ba Na, hơn 10 năm qua, ngành giáo dục và đào tạo (GD và ÐT) tỉnh Gia Lai luôn quan tâm việc dạy và học tiếng Gia Rai và Ba Na trong trường tiểu học với mục tiêu nâng cao dân trí, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị ngôn ngữ, bản sắc văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên. Nhờ đó chất lượng giáo dục tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của tỉnh đã có những bước tiến rõ rệt.

Tiết học tiếng Gia Rai tại Trường tiểu học Lý Thường Kiệt, xã Ia Vê, huyện Chư Prông.
Tiết học tiếng Gia Rai tại Trường tiểu học Lý Thường Kiệt, xã Ia Vê, huyện Chư Prông.

Thực hiện Nghị định số 82/2010/NÐ-CP của Chính phủ, từ năm học 2010 - 2011, Sở GD và ÐT tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo đưa việc dạy tiếng DTTS vào kế hoạch dạy học chung của cấp học. Các trường triển khai dạy học theo đúng chương trình, được thực hiện hai buổi/tuần/lớp, có giáo viên bản địa trực tiếp giảng dạy. Theo đó, chương trình dạy học tiếng dân tộc được các trường sắp xếp thời gian học phù hợp và thực hiện đủ số tiết quy định, cơ bản đáp ứng nhu cầu của học sinh cũng như phụ huynh trên địa bàn. Ngành GD và ÐT tỉnh Gia Lai cũng ưu tiên nguồn kinh phí để bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ việc dạy học, có phòng học riêng cho học sinh, sách vở và thiết bị học tập được trang bị khá đầy đủ.

Cứ vào sáng thứ bảy hằng tuần, các học sinh người Gia Rai của lớp 5A, Trường tiểu học Lý Thường Kiệt lại tập trung về điểm trường làng Hlang Ngol, xã Ia Vê, huyện Chư Prông để học tiếng mẹ đẻ. Lớp học do cô giáo Siu Hyát chịu trách nhiệm giảng dạy và được duy trì từ nhiều năm nay. Em Kpă Thảo hào hứng kể: "Em là người Gia Rai, lại được học tiếng mẹ đẻ từ năm lớp 3 cho nên việc đọc và viết chữ Gia Rai không còn khó nữa. Các bạn trong lớp cũng rất thích học bộ môn này vì nó giúp chúng em tự tin, mạnh dạn hơn trong học tập và cuộc sống". 

Là giáo viên bản địa và có chứng chỉ hoàn thành lớp bồi dưỡng dạy học tiếng Gia Rai, cô Hyát có nhiều thuận lợi khi đồng hành cùng học trò ở môn học này. Tuy nhiên, làm thế nào để lôi cuốn các em cùng hòa mình vào bài học, tạo sự yêu thích thật sự đối với môn học là điều mà cô luôn trăn trở. "Một bài học tiếng Gia Rai thường bao gồm: tập đọc, kể chuyện, chính tả, luyện từ và câu, tập làm văn. Nếu chỉ dạy đơn thuần thì rất khô khan, dễ gây nhàm chán cho học sinh. Thế nên trong quá trình giảng dạy bài mới, tôi thường kết hợp kể chuyện, dạy hát những bài dân ca Gia Rai liên quan đến nội dung được học, nhờ vậy tạo được sự thu hút, phấn khởi trong các em" - cô Hyát chia sẻ.

Tại Trường tiểu học Ia Phí, xã Ia Phí, huyện Chư Păh, công tác dạy học tiếng mẹ đẻ cũng được duy trì tốt trong suốt 10 năm qua, hiện trường có 25 lớp với 423 học sinh. Khi được đi học tiếng nói, chữ viết của chính dân tộc mình, phần lớn học sinh DTTS không những chuyên cần mà còn tỏ ra rất thích thú và hứng khởi trong học tập. 

Theo thầy Nguyễn Trọng Cường, Hiệu trưởng nhà trường, trước đây nhà trường tổ chức cho học sinh học chương trình giáo dục song ngữ vừa tiếng phổ thông, vừa tiếng mẹ đẻ. Từ năm học 2014 - 2015 đến nay, thực hiện Nghị định 82/2010/NÐ-CP của Chính phủ, nhà trường triển khai chương trình dạy tiếng Gia Rai như một bộ môn. Qua khảo sát thực tế, các em đều ham thích học tiếng của dân tộc mình và cơ bản các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết đều thành thạo. Em Rơ Châm Mai, học sinh lớp 5D Trường tiểu học Ia Phí cho biết: "Lúc đầu em đọc và viết chữ Gia Rai khó lắm nhưng giờ em đã tiếp thu tốt hơn, chỉ còn một số từ chưa hiểu, về nhà em vẫn cố gắng luyện tập thêm để sớm thành thạo tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình".

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai dạy và học tiếng DTTS trong trường tiểu học ở nhiều địa phương của Gia Lai vẫn còn những khó khăn, vướng mắc. Trong đó, nổi lên là vấn đề thiếu giáo viên giảng dạy tiếng DTTS đạt chuẩn theo quy định, dẫn tới việc một số trường học phải ngừng tổ chức thực hiện công tác này. 

Số liệu thống kê của Sở GD và ÐT Gia Lai cho thấy, 5 năm trở lại đây, số lượng trường, lớp, học sinh học tiếng DTTS giảm khá mạnh. Năm học 2014 - 2015, toàn tỉnh có 85 trường tiểu học tổ chức dạy tiếng DTTS với 324 lớp và 8.218 học sinh thì đến năm học 2019 - 2020 chỉ còn 10 trường, 29 lớp với 1.183 học sinh. Toàn tỉnh có 34 giáo viên dạy tiếng DTTS như một môn học, trong đó có 18 giáo viên dạy tiếng Gia Rai và 16 giáo viên dạy tiếng Ba Na nhưng tất cả chưa được đào tạo chính quy chuyên ngành giảng dạy tiếng DTTS mà chỉ được bồi dưỡng qua các lớp tập huấn của Sở GD và ÐT.

Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Sở GD và ÐT Gia Lai Lê Duy Ðịnh nhấn mạnh một số hạn chế, vướng mắc khác còn tồn tại như: Việc dự giờ, góp ý trao đổi chuyên môn về tiếng DTTS ở một số trường còn chưa thường xuyên và gặp khó khăn do giáo viên dạy tiếng DTTS, còn ít một số giáo viên chưa am hiểu phương ngữ, do đó phương pháp truyền đạt cho học sinh còn máy móc, khô cứng, chưa linh hoạt; việc phân bố giờ dạy kết hợp với chương trình chính khóa ở một số trường còn gặp khó khăn; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu dạy và học; sách giáo khoa sử dụng qua nhiều năm đã cũ, chủ yếu là sách in sao lại nên mầu sắc không đẹp, dẫn đến hiệu quả giáo dục không cao. 

"Học tiếng dân tộc là để duy trì, bảo tồn và phát triển tiếng nói, chữ viết các DTTS. Trong chương trình giáo dục phổ thông mới sắp đến, tiếng DTTS cũng sẽ được đưa vào là môn học tự chọn từ lớp 1 đến lớp 12. Vì thế, để duy trì hiệu quả, mở rộng quy mô dạy học tiếng DTTS tại các trường đủ điều kiện thì phải có chính sách tuyển dụng biên chế giáo viên chuyên ngành. Qua đây, chúng tôi đề nghị Bộ GD và ÐT cần có chủ trương cho các trường sư phạm mở lớp đào tạo chuyên ngành giảng dạy tiếng DTTS; ưu tiên xây dựng phòng học, đầu tư trang thiết bị dạy học và cấp sách giáo khoa cho học sinh chọn học môn học này" - ông Lê Duy Ðịnh, Giám đốc Sở GD và ÐT tỉnh Gia Lai cho biết thêm.

Tin cùng chuyên mục
Cần quan tâm đến đời sống, thu nhập của nhà giáo, đặc biệt là giáo viên vùng đồng bào DTTS

Cần quan tâm đến đời sống, thu nhập của nhà giáo, đặc biệt là giáo viên vùng đồng bào DTTS

Vấn đề phụ cấp ưu đãi nghề chưa đủ hấp dẫn, đặc biệt đối với nhà giáo công tác ở vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được nhiều đại biểu Quốc hội đưa ra trong phiên thảo luận về Luật Nhà giáo tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Các đại biểu cho rằng, cần quan tâm đến đời sống, thu nhập của nhà giáo để tháo gỡ những khó khăn trong công tác giáo dục đang tồn tại ở khu vực này.