Nhiều diện tích đất đang bị bỏ hoang
Ông Hồ Thủy, dân tộc Vân Kiều ở xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa cho biết: Gia đình ông có 5 sào diện tích trồng lúa thế nhưng mấy năm gần đây luôn thiếu nước tưới cho nên hơn 2 sào phải bỏ hoang, chính quyền xã nói chuyển sang trồng cây khác nhưng gia đình vẫn chưa thể thực hiện.
Cách nhà ông Thủy không xa, bà Hồ Thị Hường 68 tuổi ở xã Hướng Lập chia sẻ: Gia đình bà có 4 sào đất trồng lúa nhưng mấy năm gần đây luôn thiếu nước nên năng suất chỉ được vài tạ/sào. Muốn chuyển sang trồng cây khác nhưng trong xóm không thấy ai làm cả nên sợ đành để đất bỏ hoang vậy.
Được biết, chuyển đổi cây trồng để ứng phó với hạn hán được chính quyền Hướng Hóa chỉ đạo sát sao. Các cây trồng được lựa chọn để chuyển đổi gồm cây ngô trong vụ đông-xuân; cây ngô và đậu xanh, sắn trong vụ hè-thu.
Thế nhưng điều đáng nói là người dân không mặn mà với cây ngô hay cây đậu. Diện tích trồng các loại cây này còn rất hạn chế, toàn huyện chỉ chuyển đổi được hơn 500ha, nhưng bà con lại tự ý chuyển sang trồng sắn.
Hiện nay, toàn huyện có hơn 4.500ha sắn, trong khi đó gần nửa diện tích trong số này đang thiếu nước trầm trọng và có nguy cơ bị chết. Bên cạnh đó, cây sắn là loại cây trồng nhanh làm nghèo đất và giá trị thấp hơn cây trồng như đậu xanh, hay ngô.
“Nghẽn” đầu ra
Lý giải về việc người dân không mặn mà sự chuyển đổi này, ông Nguyễn Ngọc Khả, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Hướng Hóa chia sẻ: Nguyên nhân chính là do tư duy sản xuất truyền thống đã ăn sâu bám rễ trong đời sống của người dân. Nếu như người dân Hướng Hóa chỉ đơn thuần trồng lúa thì may lắm chỉ đủ lương thực. Còn nếu muốn cuộc sống khá và giàu thì cần phải trồng cây khác. Bên cạnh đó, theo khảo sát, việc chuyển đổi này đang bị tắc nghẽn ở đầu ra cũng khiến người dân không hưởng ứng.
Trao đổi về vấn đề này, ông Đặng Trọng Vân, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa cho biết: Mục tiêu của chính quyền huyện là phải tích cực triển khai chuyển đổi cây trồng phù hợp để đối phó với sự biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân mà huyện chưa thực hiện tốt kế hoạch. Thời gian tới, huyện sẽ chỉ đạo các địa phương thực hiện việc chuyển đổi cây trồng một cách quyết liệt…
Ông Vân cũng cho hay, nếu chuyển đổi cây trồng thì vấn đề đầu ra (bao tiêu sản phẩm) là vấn đề lớn. Để tìm đầu ra cho sản phẩm của bà con, huyện cũng thường xuyên quan tâm thế nhưng chưa đạt kết quả như mong muốn.
Thiết nghĩ chuyển đổi cây trồng chống hạn là chủ trương đúng. Tuy nhiên, để người dân hiểu và thực hiện theo kế hoạch và chủ trương đó là trách nhiệm của chính quyền và ban ngành các cấp. Vì vậy, đề nghị ngành Nông nghiệp nói riêng, UBND tỉnh Quảng Trị nói chung, cần có trách nhiệm hơn trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với tìm đầu ra cho sản phẩm nhằm tăng thu nhập và nâng cao đời sống của Nhân dân...
MINH THỨ