Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chuyện dùng “nội ngữ” trong cấp thẻ CCCD ở Pác Nặm

PV - 18:53, 02/04/2021

Với đặc thù trình độ dân trí của một bộ phận đồng bào dân tộc còn hạn chế, cán bộ Công an huyện Pác Nặm (Bắc Kạn) đã phát huy khả năng sử dụng tiếng dân tộc góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác chuyên môn...

Chị Thào Thị Sía (người đội khăn) được cán bộ Công an huyện Pác Nặm tiến hành các thủ tục cấp thẻ CCCD.
Chị Thào Thị Sía (người đội khăn) được cán bộ Công an huyện Pác Nặm tiến hành các thủ tục cấp thẻ CCCD.

Pác Nặm là huyện vùng cao của tỉnh Bắc Kạn, có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống hơn 98 %. Do đặc điểm về trình độ dân trí của một bộ phận đồng bào dân tộc còn hạn chế thậm chí nhiều người dân không biết chữ, không có khả năng giao tiếp bằng tiếng phổ thông. Những trường hợp đặc biệt này cũng gặp phải những khó khăn trong quá trình thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước công dân (CCCD).

Tuy nhiên đội ngũ cán bộ tại các tổ lưu động cấp thẻ căn cước đã phát huy khả năng sử dụng tiếng dân tộc mà chúng ta vẫn thường gọi là “nội ngữ” trong quá trình giao tiếp, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác chuyên môn.

Theo chân tổ lưu động thu thập thông tin CCCD - Công an huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn, chúng tôi đến xã Cổ Linh, đây là xã có tỷ lệ đồng bào dân tộc Mông đủ độ tuổi cấp thẻ căn cước công dân cao nhất xã với 2.183 nhân khẩu, chiếm 69,9%, tiếp đó là các dân tộc Tày, Nùng, Dao … Với phương châm, thu nhận hồ sơ đầy đủ, chính xác, nhanh chóng, tạo sự thuận tiện, thoải mái cho Nhân dân, Tổ lưu động đã vận dụng những kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng xử lý các tình huống xảy ra trong quá trình thu nhận hồ sơ.

Chị Thào Thị Sía, 39 tuổi, dân tộc Mông, trú tại thôn Phia Bây, xã Cổ Linh đến làm CCCD theo đúng lịch hẹn, sau khi được gia đình đăng ký số thứ tự, chị được tiến hành tiếp nhận hồ sơ; kiểm tra, đối chiếu thông tin trong tờ khai với thông tin trong Sổ hộ khẩu và trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nhưng vì từ nhỏ, điều kiện gia đình khó khăn nên chị không theo học, cùng với tập quán sinh hoạt nơi chị sinh sống ít sử dụng tiếng phổ thông nên việc thu thập và đối chiếu các trường thông tin CCCD với chị gặp khó khăn. Tuy nhiên, thông qua việc hướng dẫn bằng tiếng dân tộc Mông và sự hỗ trợ của chồng, thông tin của chị nhanh chóng được cập nhật để tiến hành các bước tiếp theo.

Thiếu tá Dương Mạnh Hùng, Đội trưởng Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an huyện Pác Nặm cho biết: “Qua triển khai chiến dịch cấp thẻ CCCD trên địa bàn huyện những ngày qua, tỷ lệ người dân trong độ tuổi được cấp thẻ CCCD không biết chữ, không giao tiếp được bằng tiếng phổ thông còn cao, chủ yếu là người già, đồng bào dân tộc thiểu số ở các thôn, bản vùng cao…”

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân, Công an huyện Pác Nặm đã tập trung chỉ đạo và thống nhất trong việc phân công cán bộ chiến sĩ tham gia tại các tổ lưu động cấp thẻ CCCD. Hiện nay, tại các tổ lưu động có 18 đồng chí giao tiếp được bằng tiếng dân tộc Tày; tiếng Dân tộc Mông có 5 đồng chí, tiếng dân tộc Dao có 4 đồng chí và tiếng dân tộc Sán Chỉ có 1 đồng chí.

Công an huyện cũng chỉ đạo các tổ lưu động phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an xã và người thân để kịp thời hỗ trợ những trường hợp người dân không biết chữ, không có khả năng giao tiếp bằng tiếng phổ thông, để sử dụng song song cả tiếng phổ thông và tiếng dân tộc của họ kịp thời đối chiếu chính xác các trường thông tin và tiến hành các bước thu nhận hồ sơ một cách nhanh chóng.

Chính sự vận dụng linh hoạt này đã góp phần đẩy nhanh tiến độ thu thập hồ sơ CCCD. Tính đến ngày 1/4, tổng số hồ sơ huyện Pác Nặm đã hoàn thành là 18.247 hồ sơ, đạt 82% chỉ tiêu Công an tỉnh giao, là đơn vị dẫn đầu công an các huyện thành phố về số hồ sơ hoàn thành trên 1 máy trong 1 ngày là 636 hồ sơ, dự kiến sẽ về đích sớm hơn mốc thời gian về chỉ tiêu mà Công an tỉnh giao.

Được biết thời gian qua, với phương châm “Học tiếng đồng bào để giúp đồng bào”, nhiều cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Pác Nặm đã tham gia học tại các lớp dạy tiếng dân tộc được mở tại địa phương. Cùng với đó, thông qua việc thực hiện "4 cùng" với Nhân dân “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc”, vừa góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ, vừa trau dồi kỹ năng giao tiếp ở mỗi cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị.

Hiện nay, việc thực hiện chiến dịch thu nhận hồ sơ cấp thẻ CCCD gắn chíp điện tử đang trong thời gian cao điểm. Việc phát huy khả năng sử dụng “nội ngữ” trong chiến dịch cấp thẻ CCCD đã góp phần nâng cao hiệu quả, rút ngắn thời gian đẩy nhanh tiến độ thu thập thông tin công dân.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.