Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn của nhà nông

“Chuyên gia” trồng sắn Pả Dỏ

PV - 21:12, 29/01/2018

Trong danh sách hội viên Câu lạc bộ 100 triệu đồng của những người trồng sắn ở hai huyện Hướng Hóa và Đakrông (Quảng Trị), ông là người đầu tiên có tên và luôn đứng ở tốp đầu. Đặc biệt hơn, ông là người Vân Kiều duy nhất dạy kỹ thuật thâm canh cây sắn cho người ngước ngoài. Ông là Pả Dỏ, tên thật là Hồ Văn Cươi, 57 tuổi, ở bản Thanh 4, xã Thanh, huyện Hướng Hóa.

Làm giàu từ trồng sắn

Từ trung tâm xã Thanh, huyện Hướng Hóa, chúng tôi đến bản Thanh 4 tìm gặp Pả Dỏ. Pả Dỏ có đôi mắt sáng trong, nụ cười thân thiện, thân hình rắn chắc như đang trong thời trai trẻ.

Kể về thời thơ ấu, Pả Dỏ nói: “Tôi mồ côi bố từ khi còn nhỏ, mẹ già thường xuyên đau ốm, gia cảnh lại nghèo túng. Tôi phải đi làm thuê, đốn củi, phát rẫy, ai thuê gì làm nấy để lấy bắp, đổi gạo nuôi mẹ”.

Pả Dỏ đang kiểm tra một rẫy sắn trước khi thu hoạch. Pả Dỏ đang kiểm tra một rẫy sắn trước khi thu hoạch.

 

Có lẽ vì thế mà Pả Dỏ lập gia đình khi tuổi chưa tròn đôi mươi để mong nhà có thêm người, vợ chồng thay nhau chăm sóc mẹ già. Tài sản có được khi lập gia đình của anh không gì ngoài hai bàn tay trắng và ý chí sắt đá, khát vọng cháy bỏng làm giàu để thoát cái nghèo, cái đói. Từng trải qua cuộc sống cơ cực, Pả Dỏ luôn cùng vợ chung lưng đấu cật, khai hoang mở rộng nương rẫy trồng trọt và chăn nuôi.

Khi những rẫy đất được Pả Dỏ khai hoang đã định hình đúng lúc chủ trương trồng sắn làm vùng nguyên liệu cho Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa ra đời. Năm 2006, Pả Dỏ bắt đầu trồng sắn, ban đầu chỉ trồng với diện tích khoảng 2ha trong số 10ha đất rẫy mà gia đình đang có. Vụ mùa đầu tiên Pả Dỏ bán sắn được gần 50 triệu đồng.

“Cầm tiền mà tôi nghĩ như đang mơ. Đây là số tiền mà những người Vân Kiều chúng tôi làm nông nghiệp không bao giờ nghĩ tới”, Pả Dỏ nhớ lại mùa bán sắn đầu tiên.

Thấy hiệu quả từ cây sắn mang lại, Pả Dỏ dần mở rộng diện tích canh tác lên 7ha với mỗi năm thu hoạch khoảng 140 tấn sắn củ. Khác với những hộ dân khác trong vùng, vườn sắn của Pả Dỏ bao giờ cũng cho năng suất cao hơn.

Chia sẻ kinh nghiệm, Pả Dỏ cho biết, không bao giờ làm một vụ mùa hết diện tích mà làm luân canh để đất có thời gian tái tạo. Bên cạnh đó, anh chỉ làm cỏ theo phương pháp thủ công, không sử dụng biện pháp phun thuốc. Hiện tại Pả Dỏ thu hẹp diện tích canh tác 5ha để mỗi vụ mùa đều ăn chắc với số tiền thu về từ 150-200 triệu đồng, tùy theo thời giá.

Ngoài trồng sắn, Pả Dỏ còn trồng thêm lúa rẫy, ngô, chăn nuôi đàn bò 8 con, nuôi thêm đàn lợn, đàn gà để tăng thu nhập. Từ đó, gia đình Pả Dỏ ngày thêm khấm khá, trở thành người giàu nhất trong vùng và là điển hình để dân bản học tập.

Đưa kỹ thuật trồng sắn ra nước ngoài

Một điểm đặc biệt hơn, Pả Dỏ còn là người truyền kinh nghiệm trồng sắn cho người dân Đông Timor. Kể về câu chuyện dạy cách trồng sắn cho người dân Đông Timor, Pả Dỏ khiêm tốn nói: “Mình biết cái gì thì mình bày lại thôi, họ cũng khó khăn như mình mà”.

Kể thêm về việc này, ông Lê Văn Thể, Giám đốc Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa cho biết, năm 2012, thông qua một tổ chức phi chính phủ hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp phối hợp với Nhà máy tổ chức cho đoàn công tác gồm những chuyên gia nông nghiệp và những nông dân trực tiếp sản xuất của Đông Timor sang học tập kinh nghiệm, kỹ thuật trồng sắn tại Hướng Hóa. Yêu cầu của phía đối tác, ngoài thăm quan Nhà máy, học tập kinh nghiệm từ các kỹ sư Việt Nam cần phải có “người thật, việc thật” để có tính thuyết phục cao và Pả Dỏ được chọn để giới thiệu mô hình trồng sắn, đồng thời trực tiếp dạy kỹ thuật trồng sắn cho người dân Đông Timor theo kiểu “cầm tay chỉ việc”.

Pả Dỏ chia sẻ: “Họ kỹ tính lắm, trước tiên họ thăm quan mô hình, cơ nghiệp của mình và họ muốn ra tận vườn, yêu cầu mình nhổ sắn để xem chất lượng củ rồi mới đồng ý để mình hướng dẫn, không thì họ không tin”.

Trong một ngày, Pả Dỏ đã hướng dẫn một cách tỉ mỉ cho một số người dân Đông Timor đi theo đoàn từ kỹ thuật làm đất; chọn, chặt cây giống; kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch. Đồng thời, đưa những người dân Đông Timor ra rẫy sắn cho họ thực hành các công đoạn như chặt, chọn cây giống; trồng cây giống; kỹ thuật nhổ sắn… Nhiều người trong đoàn công tác của Đông Timor tỏ ra kinh ngạc với những động tác thuần thục đến điêu luyện của Pả Dỏ, đồng thời trầm trồ khen ngợi cơ ngơi mà Pả Dỏ tạo dựng được trong điều kiện tự nhiên không mấy thuận lợi.

Chia tay Pả Dỏ, trên đường về chúng tôi gặp nhiều người dân trong xã, hỏi thăm thì ai cũng đều lấy gương phát triển kinh tế Pả Dỏ ra để học tập và làm theo, mong thoát được nghèo và làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

LÊ MINH

Tin cùng chuyên mục
Hướng dẫn phòng bệnh cho gà trong thời điểm giao mùa

Hướng dẫn phòng bệnh cho gà trong thời điểm giao mùa

Vào thời điểm giao mùa, sức đề kháng của gà giảm nên dễ mắc phải các bệnh phổ biến do sự thay đổi về thời tiết và môi trường. Bà con cần chủ động thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống bệnh để đảm bảo đàn vật nuôi luôn khỏe mạnh. Để việc nuôi đạt được hiệu quả tối ưu trong chăn nuôi mời bà con tham khảo hướng dẫn phòng bệnh cho gà trong thời điểm giao mùa sau đây.