Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Khoa học - Công nghệ

Chuyển giao khoa học và công nghệ trồng gấc hàng hóa

PV - 15:19, 19/10/2018

Nhằm khai thác tiềm năng dồi dào của địa phương, Trung tâm Thông tin Ứng dụng Khoa học Công nghệ (TTƯDKHCN) Đăk Nông đã đề xuất và được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đồng ý cho triển khai Dự án “Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình sản xuất giống, trồng thương phẩm và tiêu thụ gấc lai bền vững tại tỉnh Đăk Nông”. Dự án hứa hẹn sẽ mang đến cho bà con tỉnh Đăk Nông loại cây trồng mới có giá trị kinh tế cao.

trồng gấc Mô hình từ Dự án trồng gấc được nhân rộng là tiền đề phát triển một sản phẩm chủ lực của tỉnh Đăk Nông. (Ảnh: VĐP)

Khai thác tiềm năng tại chỗ

Đăk Nông được coi là địa phương thích hợp cho việc trồng và phát triển diện tích cây gấc. Không chỉ điều kiện tự nhiên phù hợp với việc trồng gấc mà còn phù hợp với trình độ canh tác của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Cây gấc trồng không yêu cầu kỹ thuật nhiều, sử dụng ít hóa chất, lại cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao.

Tuy nhiên tại tỉnh Đăk Nông, việc trồng và phát triển cây gấc lai chủ yếu còn nhỏ lẻ, tự phát ở quy mô hộ gia đình. Phương thức sản xuất gấc truyền thống, lạc hậu, sử dụng hạt gấc làm giống, ảnh hưởng đến năng suất.

Từ hạn chế này, cùng với yêu cầu, chủ trương của địa phương trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển kinh tế-xã hội, tăng thu nhập cho người dân, TTƯDKHCN Đăk Nông đã đề xuất và được Bộ KH&CN đồng ý cho triển khai Dự án “Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình sản xuất giống, trồng thương phẩm và tiêu thụ gấc lai bền vững tại tỉnh Đăk Nông”. Dự án do kỹ sư Nguyễn Thị Huyền Trang, cán bộ TTƯDKHCN Đăk Nông làm Chủ nhiệm.

Kỹ sư Nguyễn Thị Huyền Trang cho biết, từ cơ sở điều kiện tự nhiên, Dự án đề xuất triển khai mô hình sản xuất gấc thương phẩm tại 2 huyện Cư Jút và Krông Nô.

Dự án triển khai tập trung vào phát triển và nâng cao hiệu quả về chuỗi giá trị cây gấc ở Đăk Nông; đồng thời, có sự tham gia phối hợp chặt chẽ của 4 nhà: nhà nông-nhà nước-nhà doanh nghiệp và nhà khoa học.

Thị trường rộng lớn

Để đảm bảo có được sản phẩm gấc tốt, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn Trường Đại học Nông-Lâm Thái Nguyên là đơn vị chuyển giao giống gấc. Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên là đơn vị đã có nhiều dự án, đề tài nghiên cứu về giống gấc và giải pháp canh tác, chăm sóc gấc cho hiệu quả tốt.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Hưng, đại diện cơ quan chuyển giao cho biết: Hiện, cơ quan đã chuyển giao phát triển 2 phương pháp nhân giống gấc lai mới và đã chuyển giao cho nhóm triển khai dự án áp dụng trong sản xuất và phát triển vùng nguyên liệu, là phương pháp giâm cành non và phương pháp ghép cành lên gốc gieo từ hạt trong nhà lưới. Đây là những phương pháp vừa phát triển công nghệ truyền thống, vừa ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất tạo cây giống, đảm bảo chất lượng và sạch bệnh, quy mô công nghiệp.

Cây giống được tạo ra có đặc điểm là cây giống khỏe nên có thể trồng được ở các địa hình canh tác, hoàn toàn chủ động tỷ lệ cây đực và cây cái, năng suất và chất lượng thịt quả cao. Bên cạnh đó, việc làm giàn bằng cột bê tông kiên cố và đan lưới làm giàn gấc leo bằng dây nilon vi sinh, tạo điều kiện cho cây gấc sinh trưởng phát triển tốt, cho thu hoạch trong nhiều năm.

Hiện đã có nhiều doanh nghiệp trong nước đang kinh doanh các sản phẩm từ gấc như, Công ty CP Đông Dương, Công ty CP Gấc Việt, Công ty TNHH Đồng Xanh… nên thị trường của sản phẩm gấc khá rộng lớn.

Kỹ sư Nguyễn Thị Huyền Trang cho biết, sau khi kết thúc Dự án, với sự đầu tư xây dựng cơ bản sẽ là tiền đề quan trọng để TTƯDKHCN hình thành một bộ phận có đủ năng lực sản xuất cây giống tại khu vực nhà lưới, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất của người dân trong tỉnh và ở các vùng phụ cận; hỗ trợ khâu kết nối giữa người sản xuất gấc và doanh nghiệp kinh doanh gấc.

Mô hình từ Dự án được nhân rộng sẽ là tiền đề phát triển một sản phẩm chủ lực của địa phương. Thông qua sự hỗ trợ từ Sở KH&CN tỉnh Đăk Nông, UBND tỉnh sẽ đẩy mạnh mô hình trồng gấc hàng hóa theo diện rộng từ 30ha lên đến 300ha, hướng tới xuất khẩu ra thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản…

Triển khai thành công Dự án còn góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường và bảo vệ môi sinh do hạn chế được các tập quán canh tác lạc hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào địa phương.

THÁI BÌNH

Tin cùng chuyên mục
Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển hợp đồng điện tử an toàn

Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển hợp đồng điện tử an toàn

Diễn đàn hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và phát triển thương mại điện tử, với chủ đề “Phát triển hợp đồng điện tử an toàn” do Bộ Công Thương đã tổ chức ngày 15/10, tại Hà Nội, đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng về ứng dụng hợp đồng điện tử và tạo không gian trao đổi giữa các cơ quan quản lý và doanh nghiệp, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ việc triển khai hợp đồng điện tử an toàn trên toàn quốc, trong giai đoạn 2024 - 2025.