Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Gương sáng

Chuyện về nữ Anh hùng người Gia Rai ở làng Bạc

Ngọc Thu - 05:38, 19/07/2024

Đi qua chiến tranh với bao gian khổ, mất mát, bà Kpă Ó - nữ Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân thời chống Mỹ ở làng Bạc (xã Ia Phìn, huyện Chư Prông, Gia Lai) hôm nay, vẫn đang tiếp tục chung tay góp sức cùng chính quyền, dân làng xây dựng cuộc sống nơi bản làng ngày càng phát triển, là tấm gương sáng về phẩm chất cách mạng, phẩm chất người phụ nữ Việt Nam để người dân, con cháu noi theo.

Nữ anh hùng Kpă Ó (bên trái ảnh) kể lại những tháng ngày khói lửa chiến tranh không bao giờ quên
Nữ anh hùng Kpă Ó (bên trái ảnh) kể lại những tháng ngày khói lửa chiến tranh không bao giờ quên

Ký ức về một thời khói lửa

Trong ngôi nhà bình dị ở làng Bạc, nữ Anh hùng Kpă Ó kể cho tôi nghe về những tháng ngày khói lửa chiến tranh không bao giờ quên. Những hồi ức như những thước phim quay chậm, lần lượt trở về trong từng câu chuyện.

Đó là vào một buổi sáng năm 1962, lấy lý do bộ đội, du kích ta phá ấp chiến lược nên giặc Mỹ hứa hẹn đưa dân từ ấp về làng cũ sinh sống, tuy nhiên về đến làng, chúng đã xả súng giết hại hơn 150 người dân làng Bạc, gây nên cuộc tàn sát đẫm máu. Lúc đó, già Kpă Ó chỉ là một đứa trẻ khoảng 8 tuổi và phải tận mắt chứng kiến cảnh gia đình, dân làng mình bị sát hại.

Dù trong thời chiến hay thời bình, anh hùng Kpă Ó luôn sáng ngời phẩm chất phụ nữ tốt đẹp, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ hôm nay noi theo
Dù trong thời chiến hay thời bình, Anh hùng Kpă Ó luôn sáng ngời phẩm chất phụ nữ tốt đẹp, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ hôm nay noi theo

May mắn thoát chết và nỗi đau mất người thân đã ám ảnh và căm ghét quân thù của cô bé Kpă Ó. Nỗi căm thù giặc lớn dần theo cô bé, đồng thời cũng nuôi dưỡng lòng quyết tâm cầm súng trả thù cho những người thân yêu đã mất.

Năm 16 tuổi, cô gái nhỏ tuổi nhất đội du kích, làng Bạc, Kpă Ó đã biết vót chông, biết gài mìn để dụ địch sập bẫy, biết sử dụng súng và lựu đạn một cách thành thạo; cùng với các nữ du kích của làng Bạc trực tiếp tham gia chiến đấu trong hàng chục trận chống càn, cùng chị em trong đội phá vỡ âm mưu lập ấp, xây đồn của địch trên chính quê hương mình.

Trưởng thành lên cùng năm tháng, cô gái bé nhỏ Kpă Ó đã được cấp trên tin tưởng trao nhiệm vụ Tiểu đội trưởng đội du kích xã. Năm 21 tuổi,  Kpă Ó  tình nguyện xin nhập ngũ thuộc Đại đội 17, Tiểu đoàn 2, Quân khu 5. Những năm chiến tranh, bà Kpă Ó đã cùng các đồng đội xông pha trận mạc, tiêu diệt nhiều xe tăng và bắn rơi máy bay trực thăng của địch, lập nên nhiều chiến công hiển hách, chiến thắng quân thù.

Đó là những việc làm của nữ Anh hùng người Gia Rai của làng Bạc Kpă Ó thời khói lửa được bà chia sẻ lại. Bà còn bảo, những tháng ngày gian khổ nhưng cũng rất đỗi oanh liệt của một thời khói lửa này đã góp phần làm nên chiến thắng Pleime vang dội khắp chiến trường Bắc Tây Nguyên ngày ấy. 

Với nhiều chiến công, thành tích đánh giặc năm 1973, già Kpă Ó được cử đi dự Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Đến năm 1978, già Kpă Ó vinh dự là phụ nữ Gia Rai duy nhất của tỉnh Gia Lai được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân thời kỳ chống Mỹ.

Sáng mãi bản anh hùng ca về phụ nữ Việt Nam

Bước ra từ khói lửa chiến tranh, trở về cuộc sống đời thường, năm 1976, bà Kpă Ó trở về làng Bạc để xây dựng gia đình và kiến thiết quê hương. Năm 1979, theo chủ trương của Đảng bộ huyện, để thuận tiện cho việc sinh hoạt và phát triển kinh tế, bà Kpă Ó đã vận động dân làng rời làng Bạc cũ ra lập làng mới ở gần tỉnh lộ 663, xây dựng làng Bạc 1 ngày nay. 

Trong công cuộc xây dựng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, bà luôn luôn gương mẫu, kêu gọi dân làng tích cực tăng gia sản xuất. Nhờ đó, diện mạo làng Bạc 1 không ngừng đổi thay, đời sống người dân ngày càng no ấm. Làng Bạc từ chỉ vỏn vẹn hơn 40 hộ dân, đến nay đã có 129 hộ dân, mức thu nhập ngày càng nâng cao với gần 35 triệu đồng/người/năm.

Bà Siu H’Noanh ngươi dân ở làng Bạc 1, xã Ia Phìn cho biết: Nhờ bà Kpă Ó cùng chính quyền địa phương vận động, chúng tôi cùng nhau rời làng Bạc cũ ra lập làng mới để thuận tiện cho cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình. Tôi cùng các con chăm chỉ làm nương rẫy, gắn với cây lúa và cây cà phê, dần dần thoát nghèo. Bây giờ, 2 ha cà phê cùng vài sào lúa bà để lại cho các con làm, mỗi năm cũng đem về nguồn thu khoảng 200 triệu đồng.

Chiến tranh đã đi qua, dù trong thời chiến hay thời bình, Anh hùng lực lượng vũ trang Kpă Ó vẫn giữ được phẩm chất phụ nữ tốt đẹp, luôn là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ hôm nay noi theo, ra sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Đỗ Văn Dũng Bí thư Đảng ủy xã Ia Phìn

Chị Kpă Hly (con gái bà Kpă Ó) tự hào: Noi gương mẹ, mình đã cố gắng học tập và lao động sản xuất trên 1 ha cà phê mẹ để lại. Nhờ có mẹ động viên, mình tích cực tham gia công tác ở địa phương. 

"HIện nay, mình là Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã Ia Phìn nên càng thấy mình phải có trách nhiệm, góp sức giúp đỡ dân làng, chung tay xây dựng quê hương nhiều hơn”, chị Kpă Hly cho biết

Nói về ngôi làng nơi bà gắn bó, bà Kpă Ó phấn khởi nói: Bây giờ dù chưa hẳn giàu có nhưng ai trong làng cũng đủ ăn đủ mặc, nhà nào cũng có ruộng, có rẫy, biết chăn nuôi. Có nhiều nhà biết tiết kiệm sắm sửa ti vi, tủ lạnh, xe máy, xe công nông… 

"Bà cũng luôn răn dạy con cháu trong nhà, vận động bà con trong làng phải chăm chỉ làm ăn, lười biếng thì không bao giờ thoát nghèo được, đặc biệt cũng phải luôn giữ vững tinh thần cách mạng của người dân làng Bạc", bà Kpă Ó nói.

Tin cùng chuyên mục
Thầy giáo người Tày với sáng kiến “gieo chữ” nơi vùng cao Lục Ngạn

Thầy giáo người Tày với sáng kiến “gieo chữ” nơi vùng cao Lục Ngạn

Là người con dân tộc Tày, đến nay thầy giáo Vi Văn Hà đã có 16 năm cống hiến cho giáo dục vùng cao, vùng đồng bào DTTS huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Thầy Hà chia sẻ, nhìn những học trò nghèo vượt khó bám trường, bám lớp, mình càng cảm thấy cần phải trách nhiệm học hỏi, trau rồi kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng để truyền dạy, lan tỏa sự ham học cho những em nhỏ nơi đây...