Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Những người Anh hùng lớn lên từ bản làng

PV - 10:22, 03/05/2018

Dù sinh ra ở những nơi nghèo khó, nhưng nhiều người DTTS vẫn vươn lên trở thành những người Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Những đóng góp của họ đã góp phần không nhỏ xây dựng các bản làng vùng gian khó ngày càng tươi đẹp...

Bài 1: Từ trạm trưởng trạm y tế đến Anh hùng Lao động

Mặc dù đã nhiều lần được mời về làm việc ở các bệnh viện lớn, song vì ân tình sâu nặng với đồng bào, y sĩ Đặng Đăng Lý đã từ chối. Cả tuổi thanh xuân của mình, ông đã lặn lội qua các bản làng, miệt mài chữa bệnh cho đồng bào các DTTS khắp các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Lạng Sơn.

Đi qua cuộc chiến

Theo chân cán bộ xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, chúng tôi tới nhà Anh hùng Lao động dân tộc Dao, Đặng Đăng Lý. Đường vào nhà ông quanh co qua những chân đèo. Giữa nơi thanh vắng và êm đềm này, căn nhà nhỏ bé của ông luôn tấp nập người ra người vào. Trong sân, nhiều loại xe từ xe đạp, xe máy đến ô tô với đủ các loại biển số từ các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Lạng Sơn, Hà Nội… đang xếp hàng chờ được vào khám.

Anh hùng Lao động Đặng Đăng Lý đang ghi chép sổ theo dõi bệnh nhân. Anh hùng Lao động Đặng Đăng Lý đang ghi chép sổ theo dõi bệnh nhân.

Bản thân chúng tôi cũng phải đợi 2 tiếng đồng hồ mới gặp được y sĩ Đặng Đăng Lý. Trong bộ quần áo xanh giản dị, vầng trán cao và đôi mắt sáng, ngay từ vẻ ngoài, Anh hùng Lao động Đặng Đăng Lý đã thu hút người đối diện bằng sự nhiệt huyết và chân thành.

Ngồi trò chuyện với ông, chúng tôi như được cùng sống trong bầu không khí sôi nổi của một thời đạn bom. Lần hồi những ký ức của tuổi trẻ, Đặng Đăng Lý nhớ lại vào cuối những năm 60 của thế kỷ trước, quê ông vẫn còn hoang vu với rừng già, thú dữ. Cả huyện không có một bác sĩ nào. Đến năm 1965, mẹ của ông bị ốm nặng, cả họ cúng đuổi con ma rừng mãi mà không khỏi. Trong tình thế đó, Đặng Đăng Lý đã cõng mẹ vượt gần nửa ngày đường ra tận huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên chữa chạy. Sau khi mẹ ông được cứu sống, Đặng Đăng Lý thấy những viên thuốc, mũi tiêm “thần kỳ” hơn hẳn tàn hương, nước thánh. Ngay từ đó, ông đã nuôi dưỡng ước mơ trở thành y bác sĩ để cứu chữa cho những người dân trong bản.

Năm 1971, ông được cử đi học tại Trường Trung cấp Y Bắc Thái. Ông Lý nhớ lại, khóa học của ông thường xuyên bị gián đoạn vì bom bạn của đế quốc Mỹ. Nói đến đây, ông phải ngừng lại một lúc vì quá xúc động, rồi mở trong kho lấy ra một chiếc chăn đã sờn rách ố vàng. Ông bảo đây là kỷ vật chiến tranh mà ông không thể nào quên. Vì hôm đó, lớp học đang diễn ra thì nghe thấy tiếng gầm rú của máy bay, ông cùng một người bạn vội vàng lấy chiếc chăn gần đó rồi chui xuống hầm chữ A. Được vài phút, ông nghe thấy tiếng cô giáo cùng các học viên lớp bên cạnh thét lên; sau đó đất đá văng khắp nơi. Giơ chiếc chăn lên chắn đất đá ông và người bạn thoát chết trong gang tấc.

Khi lên mặt đất, ông bàng hoàng chứng kiến lớp học đã đổ sập, xác người, máu và đất trộn lẫn với nhau. Đó là lần đầu tiên, ông tham gia cứu người. Ông Lý thú thật, mặc dù là cứu thương nhưng suốt những năm tháng chiến tranh, ông gần như chỉ đi thu dọn chiến trường vì nạn nhân đều đã chết trước khi được tìm thấy.

Vị trạm trưởng đầu tiên

Đến tháng 5/1975, hòa bình vừa lập lại, Đặng Đăng Lý cũng kết thúc khóa học y của mình. Mặc dù, học hành vất vả nhưng ông là người có tố chất thông minh, được các thầy cô giữ lại và khuyến khích học lên cao. Nhưng “sốt ruột” lo lắng cho đồng bào nơi quê nhà, ông Lý đã tình nguyện xin về công tác với nhiệm vụ là Trạm trưởng Trạm y tế xã Hợp Tiến.

Là Trạm trưởng đầu tiên của xã miền núi, Đặng Đăng Lý phải đóng nhiều vai. Không chỉ là y sĩ, ông còn phải làm tuyên truyền viên, thợ xây, người vận chuyển… Ông kể lại, khi ấy chiến tranh mới qua đi, nhà ai cũng nghèo thế nhưng khi ông vận động, họ vẫn sẵn sàng góp tre nứa, phên, ngày công… để cùng dựng lên trạm y tế xã. Dụng cụ y tế lúc đó cũng vô cùng đơn sơ với: bông, băng, panh, kẹp và vài viên thuốc phổ thông. Thế nhưng, điều khó khăn nhất, không phải là thiếu thốn vật chất mà lại xuất phát từ chính suy nghĩ lạc hậu của người dân. Lúc đó, khi đau ốm, người dân vẫn tin mình bị con ma rừng chọc phá nên mời thầy cúng đến đuổi. Y sĩ khi đó chưa được tin tưởng bằng thầy cúng.

Thế rồi, năm 1977, tại xã Hợp Tiến, người dân cả bản đến cúng “bắt ma” cho anh Triệu Tiến Bằng. Đã nhiều ngày, tại nhà anh Bằng, trâu đã ngả, gà đã thịt nhưng “con ma rừng” vẫn không chịu đi. Bất chấp sự ngăn cản của người dân, y sĩ Đặng Đăng Lý đã thăm khám cho anh Triệu Tiến Bằng và kết luận, anh Bằng bị sốt rét rừng. Sau khi sơ cứu tại chỗ, y sĩ Đặng Đăng Lý đã vận động và trực tiếp cùng người nhà dùng võng khiêng anh Bằng ra bệnh viện huyện chữa trị. Nhờ vậy, anh Bằng được cứu sống. Cũng từ đó, người dân bắt đầu tin vào y học. Bất kế khi nào, người dân đau bụng, nhức đầu hay sinh đẻ đều gọi y sĩ Lý.

Cho đến giờ đây, ông Lý không thể nào nhớ hết mình đã bao nhiêu đêm men rừng, đạp núi đến từng nhà bệnh nhân chữa chạy. Bởi dù chỉ là trạm trưởng y tế xã Hợp Tiến nhưng tiếng tăm của ông đã vươn xa khắp vùng núi rừng. Nhiều người dân ở huyện Phú Bình, Võ Nhai (Thái Nguyên); huyện Yên Thế (Bắc Giang), thậm chí ở tận tỉnh Lạng Sơn vẫn tìm ông “cầu cứu”. Dù có xa xôi đến đâu, vất vả thế nào, mưa hay nắng, đêm hay ngày, ông cũng chưa bao giờ từ chối bệnh nhân. Với túi y tế nghèo nàn đơn sơ nhưng ông Lý đã cứu sống biết bao nhiêu mạng người. Cho đến tận bây giờ, nhiều người được ông cứu chữa trong những ca sinh khó như mẹ con chị Triệu Thị Thức, chị Đặng Thị Bùi hằng năm vẫn đến thăm hỏi ông.

Luôn xứng danh Anh hùng

Khi được hỏi về suy tính trong công việc, ông Đặng Đăng Lý thật thà cho biết, khi còn trẻ, ông cũng nhiều lần được cất nhắc đi học lên cao và mời về làm việc ở các bệnh viện. Nhưng có lẽ, tình cảm và hoàn cảnh của đồng bào các dân tộc khắp các vùng núi rừng, khiến ông không dứt ra được. Vậy là, ông đã từ chối nhiều cơ hội “đổi đời”.

Đặng Văn Tiến (con trai ông Đặng Đăng Lý) tiếp nối truyền thống của cha. Đặng Văn Tiến (con trai ông Đặng Đăng Lý) tiếp nối truyền thống của cha.

Về hưu với một vị trí công tác khiêm tốn, bằng cấp không nhiều. Nhưng những đóng góp của ông Đặng Đăng Lý luôn được xã hội ghi nhận một cách trân trọng nhất. Năm 2000, ông được Nhà nước phong tặng Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Ông hai lần được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Mới đây, ông được Ủy ban Dân tộc mời về Hà Nội dự Lễ tuyên dương Người có uy tín, nhân sĩ trí thức và doanh nhân tiêu biểu DTTS toàn quốc năm 2017.

Hiện nay, ông Đặng Đăng Lý vẫn luôn xứng danh là anh hùng trong lòng gia đình và nhân dân. Được Nhà nước cho nghỉ hưu, nhưng người dân khắp nơi vẫn đến nhờ ông chữa bệnh. Bầu nhiệt huyết của ông tiếp tục được “truyền lửa” cho các con, cháu. Gia đình ông đã có 3 thế hệ cùng đóng góp cho ngành Y. Con trai cả là Đặng Văn Tiến theo học đông y cùng ông hành nghề tại nhà, con gái là Đặng Thị Khánh, công tác tại Bệnh viện huyện Đồng Hỷ. Các cháu ruột là Đặng Thị Huyền, Đặng Thị Trang công tác tại Bệnh viện Đa khoa Tỉnh Thái Nguyên và cháu Đặng Thị Bích đang theo học tại Đại học Y cũng tiếp nối và phát huy truyền thống gia đình.

HIẾU ANH

Tin cùng chuyên mục
Những biện pháp chăm sóc cây trồng bị ngập lụt sau mưa bão

Những biện pháp chăm sóc cây trồng bị ngập lụt sau mưa bão

Vào mùa mưa lũ, nhiều diện tích lúa và màu thường bị ngập lụt. Nếu bị ngập úng lâu ngày hoặc không có biện pháp chăm sóc kịp thời sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của cây. Sau đây là một số biện pháp chăm sóc cây trồng bị thiệt hại và ảnh hưởng do ngập lụt sau mưa bão mời bà con tham khảo.