Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Cô gái Chăm ở làng Mỹ Nghiệp được khắc Bảng vàng lưu danh tại trường Đại học Hàn Quốc

Lê Vũ - Đồng Chuông Tử - 11:18, 14/09/2021

Lộ Nữ Hoàng Tiên sinh năm 1991, quê ở làng Mỹ Nghiệp- một làng nghề dệt thổ cẩm nổi tiếng của người Chăm, vừa bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ chuyên ngành về Hóa Lý đạt điểm xuất sắc hạng nhất; được khắc Bảng vàng lưu danh tại trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc. Thành quả này đang mang lại niềm tự hào cho cộng đồng người Chăm.

Lộ Nữ Hoàng Tiên tại buổi bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Lộ Nữ Hoàng Tiên tại buổi bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Từ làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp

Sinh ra trong gia đình có 8 anh chị em, ở làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận). Từ nhỏ, như bao đứa trẻ nơi làng quê, Lộ Nữ Hoàng Tiên vừa đi học vừa phải tranh thủ làm lụng phụ giúp gia đình. Khi thì cùng mẹ, cùng chị cặm cụi bên khung dệt thổ cẩm để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Có hôm lại theo các anh đi bắt cua, bắt ốc, thả nhá bắt cá lòng tong về cho gia đình làm mắm đặc sản. 

Dù kinh tế gia đình khá khó khăn, cái ăn, cái mặc phải gói ghém từng bữa, nhưng Hoàng Tiên vẫn quyết tâm theo đuổi con đường học vấn. Suốt 12 năm học từ Tiểu học đến THPT, Tiên luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi .

Nếu có ai đó hỏi rằng: “Ước mơ đáng giá bao nhiêu?”, thì có lẽ đối với Hoàng Tiên, câu trả lời sẽ là: “Vô giá!”. Bởi để hình thành, nuôi dưỡng và theo đuổi ước mơ đối với người bình thường đã khó, huống gì đối với một cô gái Chăm nhỏ bé nơi làng quê nghèo, chưa kể là còn nhiều rào cản về phong tục, tập quán, thì ước mơ về học hàm, học vị là điều gì đó rất mơ hồ.

Hoàng Tiên chia sẻ: “Ý thức được cuộc sống thiếu thốn từ nhỏ, tôi luôn muốn trở thành người giỏi và kiếm được nhiều tiền để lo cho gia đình. Tôi đã thấy rất nhiều bạn đồng trang lứa có định hướng rõ ràng cho tương lai, nhưng… tôi thì không. Tôi không dám có ước mơ nào rõ ràng cho sự nghiệp phía trước, nhưng tôi biết rằng, cần phải cố gắng học thật giỏi, chỉ cần có tri thức, tôi và gia đình sẽ không nghèo. Cái khó khăn từ ám ảnh đã trở thành động lực mạnh mẽ nhất cho việc cố gắng không ngừng nghỉ của tôi.”

Và Hoàng Tiên chưa bao giờ nản chí. Ước mơ về sự phát triển của bản thân để có thể giúp gia đình thoát nghèo cứ như thế hình thành trong cô và lớn dần theo năm tháng. Đến một ngày, ước mơ ấy đã vượt ra khỏi bầu trời quê hương Mỹ Nghiệp, rồi tiếp tục được chắp cánh để bay cao, bay xa hơn…

Lộ Nữ Hoàng Tiên luôn vui vẻ, yêu đời khi đang là nghiên cứu sinh tại Hàn Quốc. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Lộ Nữ Hoàng Tiên luôn vui vẻ, yêu đời khi đang là nghiên cứu sinh tại Hàn Quốc. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Đến Đại học Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc

Năm 2010, Hoàng Tiên thi đậu Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), chuyên ngành Hóa lý thuyết và Hóa Lý. Tuy nhiên, đây cũng chính là khoảng thời gian khó khăn nhất trong những chặng đường mà cô đã đi qua. Cô chia sẻ, không biết bao nhiêu lần bản thân muốn bỏ cuộc, muốn nghỉ học để đi làm, vì thương cho những gánh nặng mà ba mẹ đang mang; đồng thời cũng cảm nhận sự chênh lệch năng lực rất lớn giữa mình-một cô bé nông thôn, với xuất phát điểm kém hơn rất nhiều so với những bạn khác. Nhưng Hoàng Tiên đã sớm lấy lại cân bằng và tiếp tục cố gắng. Sau những giờ học trên lớp, cô đi làm thêm, dạy thêm để có tiền trang trải sinh hoạt. Bên cạnh đó, bằng nỗ lực học tập, cô nhận được khá nhiều học bổng nên cũng đỡ vất vả hơn.

Tốt nghiệp đại học với thành tích khá cao, Hoàng Tiên có cơ hội được làm việc ở Trung tâm nghiên cứu vật liệu cấu trúc nano và phân tử (INOMAR) thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Đây cũng là lúc cô nhận ra mình có tình yêu với con đường nghiên cứu khoa học. Năm 26 tuổi, cô bảo vệ thành công Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Hóa lý thuyết và Hóa Lý. Và cũng trong thời gian này, cô cũng tìm thấy tình yêu của đời mình - một chàng trai dân tộc Chăm khác làng. Để rồi 1 năm sau đó là đám cưới thật đẹp, thật ấm cúng trong tiếng nhạc Chăm rộn rã.

Năm 2018, niềm vui tiếp tục đến, khi cô thi đậu học bổng Nghiên cứu sinh tại trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc. Nhưng điều băn khoăn, khúc mắc lớn nhất lúc bấy giờ, là cần trao đổi thẳng thắn với chồng, ông bà cha mẹ hai họ về quyết định du học. Bởi lẽ, từ trước đến nay, phụ nữ Chăm khi đã lập gia đình hầu hết phải toàn tâm toàn sức chăm lo gia đình nhỏ, phải sinh con đẻ cái để hai bên nội ngoại có cháu ẵm bồng.

Điều bất ngờ là khi cô đem việc thi đậu Nghiên cứu sinh trao đổi với chồng, không những anh không phản đối, mà ngược lại còn ủng hộ hết mình. Chính anh đã đi thuyết phục, vận động cha mẹ hai họ để Hoàng Tiên được sang Hàn Quốc học tập, nghiên cứu.

Lộ Nữ Hoàng Tiên được đại diện Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc trao Bảng vàng danh dự. (Ảnh nhân vật cung cấp))
Lộ Nữ Hoàng Tiên được đại diện Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc trao Bảng vàng danh dự. (Ảnh nhân vật cung cấp))

Tâm sự về quãng thời gian nghiên cứu học tập nơi xứ người, Hoàng Tiên nói: “4 năm làm nghiên cứu sinh là khoảng thời gian có lẽ khó quên nhất trong cuộc đời tôi, góp phần làm sâu sắc hơn cảm nhận tôi về cuộc sống. Có lẽ không riêng gì tôi, mà những bạn du học sinh khác, cũng đã trải qua muôn vàn sóng gió trong suốt khoảng thời gian này (sự khác biệt về ngôn ngữ văn hóa, lo lắng, căng thẳng, mệt mỏi, đôi khi là bế tắc, sự mất cân bằng giữa công việc và các mối quan hệ xã hội...). Cũng nhờ những thử thách ấy, chúng ta được tôi luyện để trưởng thành hơn”.

Và thành quả sau bao gian nan thử thách, ngày 25/8/2021, Hoàng Tiên đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ, đạt điểm hạng nhất tuyệt đối, được nhà trường khắc Bảng vàng lưu danh. Chưa dừng lại ở đó, hiện cô đang làm nghiên cứu sau Tiến sĩ (Post-doc) để tiếp tục học hỏi và phát triển thêm về lĩnh vực nghiên cứu của mình.


Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.