Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Cô giáo dân tộc Tày giàu nghị lực

PV - 10:10, 12/07/2022

Nhiều thế hệ học sinh, giáo viên huyện Lục Yên ( Yên Bái) đều biết đến một giáo viên giàu nghị lực, vượt qua các khó khăn về thể chất, được ghi nhận là Nhà giáo Ưu tú. Đó là cô giáo Nông Thị Việt Nhung, giáo viên người dân tộc Tày, tận tụy cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp trồng người ở miền núi.


Nhà giáo Ưu tú Nông Thị Việt Nhung (đứng giữa) trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp
Nhà giáo Ưu tú Nông Thị Việt Nhung (đứng giữa) trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp

Năm 1992 khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Nông Thị Việt Nhung theo học hệ 9+ 3 tại Trường bồi dưỡng giáo dục thường xuyên huyện Lục Yên. Năm 1995 ra trường, cô giáo trẻ dân tộc Tày mang bao hoài bão, nhiệt huyết về giảng dạy ở Tân Lĩnh, một xã ven dòng sông Chảy của huyện Lục Yên. Hai năm sau, cô chuyển về Trường tiểu học Trần Phú, thị trấn Yên Thế (Lục Yên). Năm 1999, cô tiếp tục học nâng chuẩn 12+2. Trong thời gian này, cô giáo Nhung bị thoát bao hạch dịch của khớp gối, do mổ ghép xương không thành công, nên chân trái bị tháo vĩnh viễn.

Không thể đi lại bình thường, nhưng chưa khi nào cô Nhung mất đi niềm tin và sự lạc quan vào cuộc sống. Vượt qua những cơn đau mỗi khi trái gió trở trời, cô lại miệt mài nghiên cứu sách vở, giáo án, cộng với sự giúp đỡ, động viên của gia đình, đồng nghiệp…, cô đã nhanh chóng chứng minh được khả năng của mình trên lớp. Cô Nhung cho biết: “Năm đầu tiên trở lại đứng lớp, tôi đã tham gia cuộc thi giáo viên dạy giỏi. Khi tôi bước chân lên bục giảng, các thầy, cô giáo trong ban giám hiệu cũng lo lắng. Kết thúc giờ dạy các thầy, cô ban giám khảo đều đánh giá tiết giảng quá tốt”.

Với ý chí và quyết tâm vượt mọi gian khó, cô giáo Nông Thị Việt Nhung đã có gần 25 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”. Để khẳng định mình, cô hoàn thành chương trình đại học tại Trường đại học Sư phạm Hà Nội 2, vận dụng phương pháp giảng dạy mới, cách truyền đạt dễ hiểu để học sinh tiếp thu kiến thức một cách tốt nhất, được lãnh đạo trong ngành ghi nhận.

Cô có sáng kiến “Một số biện pháp nâng cao chất lượng giảng dạy phân môn Luyện từ và câu lớp 4” được áp dụng tại Trường tiểu học Trần Phú và nhiều trường tiểu học khác trong tỉnh Yên Bái từ năm 2009; sáng kiến “Một số biện pháp dạy Toán có lời văn cho học sinh lớp 5” được áp dụng tại Trường tiểu học Trần Phú và nhiều trường tiểu học khác trong tỉnh Yên Bái từ năm 2011. Nhờ vậy, mỗi tiết lên lớp của cô Nhung, học trò đều rất hứng thú, phụ huynh tin tưởng trao gửi con.

Là tổ trưởng chuyên môn lớp 4-5, cô thường xuyên đổi mới công tác chuyên môn, tận tụy với nghề, chịu khó học hỏi, vững về chuyên môn. Nhờ vậy, tỷ lệ học sinh hoàn thành xuất sắc nội dung các môn học của lớp và Tổ chuyên môn cô phụ trách hằng năm đều đạt đến 80%. Tổ chuyên môn lớp 4-5 luôn dẫn đầu phong trào thi đua của nhà trường. Luôn nhiệt tình giúp đỡ, hỗ trợ đồng nghiệp về chuyên môn, cô đã giúp đỡ được 7 giáo viên trong tổ thành giáo viên dạy giỏi các cấp.

Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Phú Nguyễn Thị Kim Thanh cho biết: Cô Nhung có năng lực chuyên môn vững, là giáo viên cốt cán của trường cũng như của ngành. Đối với đồng nghiệp, cô luôn hòa nhã, nhiệt tình. Đặc biệt, cô luôn sẵn lòng giúp đỡ đồng nghiệp về chuyên môn nghiệp vụ, giải quyết các vướng mắc; luôn được phụ huynh tin tưởng giao đảm nhiệm giảng dạy con em của họ.

Đi chân giả đứng lớp, nhưng nghị lực cống hiến cho sự nghiệp giáo dục tại quê hương là vô bờ bến, đến nay cô Nhung đã có 6 lần đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, nhiều năm liền là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Năm 2017, cô giáo Nông Thị Việt Nhung được xét tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú và là một trong những Nhà giáo Ưu tú trẻ nhất tỉnh Yên Bái. Năm 2019, cô được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lục Yên Nguyễn Xuân Quang cho biết: Cô giáo Nông Thị Việt Nhung là người có đóng góp quan trọng thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của ngành giáo dục Lục Yên và tỉnh Yên Bái. Những năm qua, cô giáo Nhung đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, là một giáo viên có nhiều sáng kiến, kinh nghiệm đối với cấp tiểu học, nhất là trong triển khai chương trình phổ thông mới với lớp 1./.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.