Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Giáo viên cắm bản và những câu chuyện ngày Tết

Hà Minh Hưng - 13:39, 29/01/2022

Dù ở bất cứ nơi đâu, làm gì, mỗi khi Tết đến Xuân về trong lòng mỗi người lại trộn rộn, mong ngóng phút giây sum họp, đoàn viên. Nhưng ở vùng đất nơi biên giới trong những dãy nhà tập thể trường học, Tết đến lại trở nên vắng vẻ… ở đó rất nhiều thầy cô giáo cắm bản đã xem nơi đây là quê hương thứ hai, bám làng, bám bản để vui Xuân, đón Tết cùng học trò và người dân…

Giáo dục Làng Mô được như hôm nay là công lớn của biết bao thế hệ giáo viên cắm bản.
Giáo dục Làng Mô được như hôm nay là công lớn của biết bao thế hệ giáo viên cắm bản.

Nồi bánh chưng giữa sân trường

Về bản Tà Ghênh, xã Phìn Hồ, huyện Sìn Hồ (Lai Châu), ai cũng biết cặp vợ chồng giáo viên cùng quê Chiêm Hóa (Tuyên Quang) Ma Văn Biển và cô Trần Thu Hương. Được biết, đây là năm thứ 20, anh chị gắn bó với sự nghiệp giáo dục Sìn Hồ. Bên căn nhà cấp 4 gọn gàng có ao cá, vườn rau xanh mướt, nhấp ngụm trà rừng ngọt chát ngày giáp Xuân, chúng tôi được thầy Biển chia sẻ câu chuyện năm đầu tiên anh chị ở lại ăn Tết cùng bà con bản Tà Ghênh.

Năm 2003, gia đình thầy Biển ở lại, cũng là năm chị nhà mang bầu. Hai vợ chồng anh ở trong căn phòng tập thể, gọi là phòng cho sang, chứ thực ra là căn phòng tạm được bản và nhà trường dựng lên cho những giáo viên cắm bản. Giáp Tết, hoa đào, hoa mận bung nở khắp bản, ngó trước nhìn sau, khu tập thể vắng hoe, không có một bóng đồng nghiệp, không tiếng trẻ đọc bài, tự dưng anh chị ôm nhau rưng rức khóc, sao mà trống trải nhớ quê đến vậy.

Rồi thấy ngoài sân tiếng Trưởng bản, cùng bà con và học sinh rôm rả, người cành đào, cặp bánh giầy, xâu thịt lợn, mỗi người một thứ trên tay mang đến biếu thầy cô ăn Tết. Bà con ai cũng muốn được thầy cô về nhà mình ăn Tết, vợ chồng anh vui lắm, đi chơi bản, xem mổ lợn, giã bánh giầy… và thế là bao nỗi buồn tự dưng tan biến, Xuân cứ về ăm ắp như thế.

Thấy bà con bản không gói bánh chưng, để nhớ quê, anh cùng học sinh vào rừng lấy lá dong về gói bánh chưng. Bà con người Mông ở Tà Ghênh thấy thầy giáo gói thứ bánh lạ, cả bản xúm đến xem, vợ chồng anh vừa chỉ mọi người cách gói bánh, vừa kể về về truyền thuyết “bánh chưng, bánh giầy” và giải thích vì sao ngày Tết người Việt ta lại gói bánh chưng là như thế. Nồi bánh chưng được bắc lên nấu giữa sân trường, lửa bập bùng, cả bản tập trung vây quanh hồi hộp chờ thời khắc bánh chín. Và từ Tết năm ấy, ngoài bánh giầy truyền thống, bà con bản Mông ở Tà Ghênh có thêm bánh chưng xanh, cũng từ Xuân năm ấy bà con biết gói bánh chưng là như thế.

Tết đến Xuân về quà của học sinh xã Làng Mô, huyện Sìn Hồ (Lai Châu) với các thầy cô giáo đơn giản là cành đào rừng mang đầy sắc Xuân.
Tết đến Xuân về quà của học sinh xã Làng Mô, huyện Sìn Hồ (Lai Châu) với các thầy cô giáo đơn giản là cành đào rừng mang đầy sắc Xuân.

Bản làng thành quê hương thứ hai

Vốn cùng quê vợ chồng thầy Biển và lên công tác, cắm bản từ ngày đó đến nay cũng gần 20 năm là cô giáo Hà Thị Hiếm, giáo viên lớp 4A2, bản Séo Lèng, Trường Tiểu học Phìn Hồ (Sìn Hồ - Lai Châu). Năm 2004, khi chia tay quê hương lên Lai Châu công tác, chị đã hứa với người yêu rằng, 3 năm nữa hoàn thành xong nghĩa vụ giáo viên vùng khó, chị mới về quê và đánh dấu sự chờ đợi với anh là một đám cưới. Cũng như bao thế hệ các giáo viên miền xuôi lên công tác.

Ngày đó, thường các giáo viên lên cắm bản, vì chưa có nhà công vụ nên phần lớn các thầy cô phải ở nhờ nhà bà con tại bản, khoảng 1 tháng mới cuốc bộ ra bản trung tâm họp. Ngoài thời gian lên lớp, mỗi khi rảnh, cô dẫn trẻ con bản ra tắm, gội đầu, cắt móng tay, vệ sinh cá nhân, dạy tụi nhỏ kỹ năng sống… Cả bản ai cũng quý mến cô giáo trẻ lặn lội lên đây mang cái chữ về cho con em bản mình. Thế nên mỗi phiên chợ về, bà con phấn khởi lắm, ai cũng tìm mua một vài thứ quà tặng cô giáo.

Và thế là lời hứa với người yêu 3 năm về quê đã tắt lịm trong cô, “anh có yêu em thì lên đây với em” là thông điệp cô nhắn gửi người yêu, “trời chẳng chịu đất, thì đất phải chịu trời”, vì tình yêu, anh đã quyết định theo cô lên lập nghiệp. Và giờ họ đã có một ngôi nhà nhỏ tại bản, cùng với đó, anh chị mở một sạp hàng tạp hóa gần Ủy ban xã Phìn Hồ để trao đổi, cung cấp hàng hóa cho bà con.

Cách đây 2 năm, cả xã Làng Mô, huyện Sìn Hồ vui như ngày hội vì bản kén được chàng rể miền xuôi lại là thầy giáo bản. Anh là Bùi Văn Hào, giáo viên Trường PTDTBT THCS xã Làng Mô nên duyên với cô giáo mầm Non Tẩn Quan Mẩy, bản Nhiều Sáng, xã Làng Mô.

Thầy Hào quê Nhân Mỹ, huyện Tân Lạc (Hòa Bình), năm 2011, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình, trong một chuyến anh lên Tây Bắc thăm chị họ, chính cảnh sắc và con người vùng cao có nhiều nét tương đồng với đồng bào Mường quê anh. Anh quyết định nộp hồ sơ tuyển dụng và câu chuyện làm rể người Dao xã Làng Mô như một duyên tiền định.

Đồng bào Dao, Mông ở Làng Mô có tục ăn Tết sớm, khoảng 25 tháng Chạp, sau khi mời thầy cúng về nhà làm lễ trình báo với tổ tiên được ngày mổ lợn, gói bánh chưng đen. Hôm đó, Hào được học sinh mời về nhà ăn Tết sớm, bên bếp lửa bập bùng anh đã phải lòng đôi mắt như biết nói khi cứ “liếc trộm” mình, cô là Tẩn Quan Mẩy, sinh viên năm cuối ngành Mầm non của Trường Cao đẳng Cộng đồng Lai Châu và là chị gái của học trò anh.

Và mùa Xuân năm ấy anh quyết ở lại “trồng cây si” tại bản người Dao. Nay thì hai bạn đã về một nhà, họ được gia đình vợ tạo điều kiện cất cho nếp nhà gần trường học để anh chị thuận tiện hơn công việc dạy học.

…Còn rất nhiều câu chuyện đẹp về những thầy cô giáo cắm bản. Họ mang theo trái tim, sự nhiệt huyết tuổi trẻ, bám làng, bám bản vì một lý tưởng và mục đích cao cả, đó là sự nghiệp trồng người, là những “chuyến đò gieo chữ” trên miền đất khó./.