Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Cơ hội mới cho nghề dệt truyền thống của đồng bào Ba Na

Ngọc Thu - 12:10, 01/04/2023

Nghề dệt thủ công truyền thống của dân tộc Ba Na (tỉnh Kon Tum) vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là động lực để tỉnh Kon Tum tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống nói chung, nghề dệt thủ công truyền thống của dân tộc Ba Na nói riêng trên địa bàn.

Tiếng khung cửi dệt thổ cẩm truyền thống vẫn vang đều trong nếp nhà của đồng bào Ba Na ở Kon Tum
Tiếng khung cửi dệt thổ cẩm truyền thống vẫn vang đều trong nếp nhà của đồng bào Ba Na ở Kon Tum

Buôn làng vang tiếng khung cửi

Giữa cái nắng vàng như rót mật của tiết trời tháng 3, tiếng lạch cạch của khung cửi trong từng nếp nhà của người Ba Na ở Tp. Kon Tum vang lên từng hồi nhịp nhàng. Bên hiên nhà sàn, bà Y Trech miệt mài dệt từng sợi vải. Là một trong những người có thâm niên dệt lâu năm ở làng Kon Klor, Tp. Kon Tum, bà Y Trech chia sẻ: “Mỗi lúc rảnh rỗi, tôi rủ mấy chị em tập trung cùng dệt vải. Nghề này thu nhập không cao, đòi hỏi nhiều kỹ năng, nhưng hầu hết chúng tôi làm quen cái tay rồi, không làm thì nhớ nên hằng ngày dù bận hay mệt đến đâu vẫn phải dành chút thời gian để đệt vải”.

Theo bà Y Treng, trang phục của người Ba Na không chỉ thể hiện sự tinh tế, khéo léo của người làm ra sản phẩm, mà còn mang những ý nghĩa riêng. Trang phục để mặc khi tham gia những nghi lễ thường được dệt tỉ mỉ, màu đỏ được sử dụng nhiều hơn và hoa văn cũng sặc sỡ hơn trang phục mặc thường ngày. Màu sắc trên trang phục cũng thể hiện địa vị giữa các tầng lớp trong xã hội. Người giàu có, quyền thế thường mặc những trang phục có nhiều màu đỏ, tầng lớp bình dân thường mặc những trang phục có màu đỏ, đen, vàng pha trộn, còn người yếu thế hơn thường mặc trang phục màu đen nhiều hơn.

Trang phục thổ cẩm Ba Na để mặc khi tham gia những nghi lễ được dệt tỉ mỉ, hoa văn sặc sỡ hơn trang phục mặc hằng ngày
Trang phục thổ cẩm Ba Na để mặc khi tham gia những nghi lễ được dệt tỉ mỉ, hoa văn sặc sỡ hơn trang phục mặc hằng ngày

Ở làng Kon Trang Long Loi (thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà), ai cũng biết đến Nghệ nhân Y Hướt đã 75 tuổi nhưng đã có hơn 60 năm dệt vải thổ cẩm. Với bà Y Hướt, dệt thổ cẩm là niềm đam mê cháy bỏng từ khi bà hơn 10 tuổi. Ngay từ nhỏ, bà Y Hướt đã không ngại nắng mưa theo chân chị em phụ nữ trong làng vào rẫy, lên rừng để tìm cây bông về kéo sợi; tìm các loại củ, rễ cây để chế biến, nhuộm màu. Rồi tối đến, bà lại say mê bên những khung cửi, chăm chú học cách dệt vải của mọi người. 

Bà Y Hướt cho hay: “Để làm ra những sản phẩm đẹp, thì mình phải đi lấy bông phơi khô, xe thành sợi. Sau đó, nhuộm bông từ các loại củ, cây trong tự nhiên. Khi chuẩn bị dệt, cần giăng sợi trên khung giăng sợi theo số lượng chỉ nhất định, tương đương với khổ vải rồi đưa thảm sợi vào khung dệt đều tay. Các tấm vải thổ cẩm có những hoa văn trang trí với màu sắc và ý nghĩa văn hóa riêng. Với các gam màu chủ đạo như đỏ, vàng, đen phối cùng nhiều màu sắc khác nhau. Mỗi sản phẩm dệt truyền thống của người Ba Na thể hiện mong ước của con người được hòa quyện với thần linh, đất trời để được bao bọc, chở che”.

"Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nghề dệt thủ công truyền thống đồng thời cũng là góp phần gìn giữ biểu tượng văn hóa của người Ba Na. Vì vậy cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chức năng và cộng đồng người Ba Na cần luôn trân trọng, lưu giữ để nghề dệt thủ công truyền thống của dân tộc không bị mai một theo thời gian".

Ông Phan Văn HoàngPhó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum

Niềm đam mê và cái tài ấy của bà đã truyền lại cho con cháu. Các thế hệ trẻ trong làng vẫn luôn ý thức được giữ nghề cũng chính là giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc mình. Bởi theo quan niệm của người Ba Na, nghề dệt thủ công truyền thống còn là một chuẩn mực về vẻ đẹp để đánh giá giá trị của người phụ nữ, thể hiện sự tinh tế, tài hoa, khéo léo và tính thẩm mỹ của người dệt và là điểm cộng để các chàng trai lựa chọn làm bạn đời.

Phát huy giá trị di sản văn hóa

Bên cạnh những hoa văn mang tính truyền thống, các sản phẩm dệt của người Ba Na hiện nay đã có nhiều sự sáng tạo với những hoa văn, màu sắc mới được kết hợp khéo léo. Vì vậy nó không những không làm mất đi những giá trị truyền thống mà còn tạo ra sự phù hợp thị trường, thị hiếu khách hàng, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm.

Hiện nay, nghề dệt thủ công truyền thống của dân tộc Ba Na tỉnh Kon Tum còn duy trì và thực hành trong các thôn làng tại các huyện: Sa Thầy, Kon Rẫy, Đăk Hà và Tp. Kon Tum. Đặc biệt nghề dệt thủ công truyền thống phát triển mạnh, tạo thành những tổ hợp dệt để phát triển kinh tế gia đình, như Tổ hợp tác dệt thổ cẩm ở xã Ia Chim (Tp. Kon Tum) với 30 thành viên tham gia; Tổ liên kết nhà dệt thổ cẩm ở làng Plei Tơ Nghia, phường Quang Trung (Tp. Kon Tum) có 16 thành viên…

Những sản phẩm của nghề dệt truyền thống không chỉ phục vụ đời sống sinh hoạt của dân làng mà còn đem đến lợi ích kinh tế khi được du khách gần xa đón nhận
Những sản phẩm của nghề dệt truyền thống không chỉ phục vụ đời sống sinh hoạt của dân làng mà còn đem đến lợi ích kinh tế khi được du khách gần xa đón nhận

Những sản phẩm của nghề dệt truyền thống không chỉ phục vụ đời sống sinh hoạt của dân làng mà còn đem đến lợi ích kinh tế khi là sản phẩm hàng hóa được định hướng gắn với việc phát triển du lịch của địa phương. Qua đó, tạo động lực cho nghề dệt thủ công truyền thống, góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào DTTS tại địa phương.

Đặc biệt, cơ hội càng nhân lên khi nghề dệt thủ công truyền thống dân tộc Ba Na của tỉnh tại các huyện: Đăk Hà, Sa Thầy, Kon Rẫy và Tp. Kon Tum được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 238/QĐ-BVHTTDL ngày 14/02/2023.

Ông Phan Văn Hoàng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Thời gian tới, tỉnh Kon Tum khuyến khích người dân trồng bông, sử dụng nguồn nguyên liệu truyền thống; có chính sách hỗ trợ để cải tiến khung dệt, giúp người sản xuất tiếp cận kỹ thuật mới để nâng cao năng xuất và chất lượng của sản phẩm dệt, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng. Triển khai các chương trình, dự án nhằm bảo tồn nghề dệt như: Mở lớp dạy nghề dệt thủ công tại địa phương; dự án bảo tồn làng văn hóa truyền thống, trong đó có nhà trưng bày sản phẩm văn hóa dân tộc của địa phương, giới thiệu, quảng bá sản phẩm dệt gắn với phát triển du lịch tại địa phương...; khuyến khích các nghệ nhân trong việc truyền dạy lại kỹ thuật nghề cho thế hệ trẻ; xây dựng cơ chế, chính sách và tôn vinh, khen thưởng các nghệ nhân, nhất là các nghệ nhân cao tuổi có nhiều đóng góp trong việc giữ gìn, truyền dạy nghề dệt.

Khi tổ chức các nghi lễ truyền thống hay trong các lễ hội lớn của địa phương, các nghệ nhân đều tự hào khoác lên mình trang phục thổ cẩm truyền thống
Khi tổ chức các nghi lễ truyền thống hay trong các lễ hội lớn của địa phương, các nghệ nhân đều tự hào khoác lên mình trang phục thổ cẩm truyền thống

Cùng với đó, tổ chức các nghi lễ truyền thống, thành lập các đội văn nghệ trong đó sử dụng trang phục dân tộc khi biểu diễn các tiết mục văn hóa, văn nghệ; tổ chức các cuộc thi về nghề dệt, tôn vinh sản phẩm dệt sáng tạo tại địa phương. Phối hợp với ngành Giáo dục thực hiện tổ chức các hoạt động ngoại khóa giới thiệu về thổ cẩm cho các em học sinh các cấp và khuyến khích các em học sinh các trường dân tộc nội trú mặc trang phục truyền thống .

"Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nghề dệt thủ công truyền thống đồng thời cũng là góp phần gìn giữ biểu tượng văn hóa của người Ba Na. Vì vậy cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chức năng và cộng đồng người Ba Na cần luôn trân trọng, lưu giữ để nghề dệt thủ công truyền thống của dân tộc không bị mai một theo thời gian", ông Phan Văn Hoàng nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục
Đặt tên âm và lên đèn – Nghi thức quan trọng trong lễ Cấp sắc của người Dao

Đặt tên âm và lên đèn – Nghi thức quan trọng trong lễ Cấp sắc của người Dao

Lễ Cấp sắc là nghi lễ thể hiện nhân sinh quan, tín ngưỡng, văn hóa của người Dao. Trong đó, “đặt tên âm và lên đèn” là một trong những nghi thức rất quan trọng, khi đó người thụ lễ được đặt pháp danh (tên âm). Sau khi trải qua nghi lễ này, người đàn ông Dao được công nhận là con cháu Bàn Vương, được trao quyền làm thầy, được cấp âm binh và được thờ cúng tổ tiên.