Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Có một ban nhạc cổ truyền mang tên Tam Sóc

PV - 11:06, 03/10/2018

Âm thanh hòa quyện từ tiếng kèn pây-o réo rắt, nhộn nhịp của trống kô đay… rồi lắng đọng, suy tư với giọng đàn khưm, cha pây chòm riêng, là loại hình âm nhạc gắn liền với các cuộc vui, lễ cưới của người Khmer- Nam bộ. Để gìn giữ bản sắc của dân tộc, nhiều năm qua, một số người dân yêu âm nhạc ở ấp Tam Sóc C1, xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng), đã hình thành một ban nhạc, lặng thầm tập luyện để những âm điệu, tiết tấu của dòng nhạc lễ cổ truyền này luôn vang lên.

Âm nhạc vẫn tràn đầy trong nghi lễ “Cắt hoa cau” của đồng bào Khmer. Âm nhạc vẫn tràn đầy trong nghi lễ “Cắt hoa cau” của đồng bào Khmer.

Đặc sắc nhạc lễ cổ truyền

Nhạc sĩ Dương Trí Dũng, giáo viên khoa Âm nhạc, Trường Trung cấp Văn hóa-Nghệ thuật Sóc Trăng cho biết, hệ thống âm nhạc trong lễ cưới của người Khmer được quy định rất bài bản bằng những bài dân ca. Trước khi lễ cưới diễn ra, ông Maha (người dẫn chương trình lễ cưới) và ban nhạc đều bàn bạc, thống nhất âm nhạc trình tự cho lễ cưới, từ lễ rước lễ vật qua nhà gái, lễ mở rào, lễ cắt hoa cau, lễ cắt tóc... cho đến khi kết thúc. Những bài được dàn nhạc trình tấu trong lễ cưới, ngoài tính chất giải trí, những nội dung ca từ còn có ý nghĩa giáo huấn cho đôi vợ chồng trẻ cả về cuộc sống, hành vi ứng xử và nét văn hóa truyền thống cần giữ gìn và thực hành trong cuộc sống.

Trong các bài nhạc này, có lẽ phần âm nhạc trong lễ “múa mở rào” là hấp dẫn hơn cả. Theo phong tục của người Khmer, khi nhà trai đến trước cổng nhà gái (cổng vào lúc này đã bị rào lại), ông Mô-Ha phải thực hành đúng lễ tục “múa mở rào”.

Điệu múa này tái hiện dựa theo câu chuyện cổ tích về duyên nợ của đôi trai gái trong Trường ca nàng Sê đa. Cổng rào được xem như là cánh cổng của kinh thành, nếu đôi trai gái có duyên nợ thì sau ba lần chạm vào cổng rào, cổng sẽ tự mở ra để nhà trai vào nhà hành lễ.

Để luôn nhuần nhuyễn những bài bản nhạc cổ truyền, dàn nhạc lễ cổ truyền ở Tam Sóc C1 thường xuyên phải tập dượt. Mới đây, chúng tôi được tham dự một buổi tập tại nhà anh Danh Huyền ở ấp Tam Sóc C1. Chẳng cần sàn tập hay phòng tập, chỉ cần những chiếc chiếu trải bên hiên nhà là đã có chỗ tập mát mẻ, thoáng đãng. Từ sáng sớm, các nghệ nhân đã tụ họp đông đủ, ngoài ra còn có nhiều người dân trong xóm cũng kéo sang để được nghe đàn, nghe hát.

Chú Danh Nang bập bùng tiếng trống vỗ giữ nhịp, đôi bàn tay chú thuần thục đùa vui với kô đay. Anh Danh Huyền vốn là một tay dầm chắc khỏe của đội ghe ngo Tam Sóc nhưng rất nhẹ nhàng, thanh thoát cùng những dây khươm. Anh Thạch Yên nắn nót nhả từng âm thanh trầm lắng từ cây đàn cha pây, rồi ngân nga nhả chữ, nhấn nhá luyện giọng để câu hát trong lễ cắt hoa cau thêm ngọt ngào, trầm lắng…, tất cả quyện chặt vào nhau trong không gian làng quê yên bình, mộc mạc.

Nghệ sĩ nông dân

Những bài bản âm nhạc truyền thống vốn không có ký âm mà được truyền đạt theo cung cách truyền khẩu, thị phạm. Mỗi ban nhạc đều có một người có vai trò như một nhạc trưởng, đó là người có kiến thức rộng về âm nhạc dân tộc, biết sử dụng nhiều loại nhạc cụ khác nhau và có vai trò dẫn dắt cả ban nhạc trình tấu. Với ban nhạc cổ truyền Tam Sóc, anh Danh Yên đang giữ vai trò trưởng nhóm. Anh là người rất đa năng, nên tùy theo từng thời điểm trong lễ cưới, hoặc lúc ban nhạc không đủ người, anh Danh Yên đáp ứng ngay được công đoạn âm nhạc, lúc thì tham gia kéo đàn truo nguk… chuyển sang chơi truô sô…; lúc lại vỗ trống kô đay giữ nhịp. Đặc biệt, anh thuộc rất nhiều bài bản dân ca và có chất giọng tốt để hát những bài ca này.

Trong dàn nhạc, chuyện một người có thể chơi nhiều nhạc cụ không hiếm, nhưng không phải ai cũng có được chất trầm ấm và giọng ngân khỏe khoắn để lĩnh xướng.

Điều đáng quý ở những nghệ sĩ này là, sau mỗi sự kiện, hay mùa cưới, họ lại trở lại với cuộc sống đời thường là những nông dân. Chú Danh Nang ngoài chuyện chăm sóc 5 công lúa, rẫy cỏ để nuôi bò, còn chăm hai cháu nội để các con an tâm công việc.

Anh Danh Huyền, ngoài việc ruộng nương còn là một tay dầm của đội ghe ngo Tam Sóc; có thành viên khác lúc rảnh còn chạy hon da ôm kiếm thêm thu nhập cho gia đình... Cuộc sống lao động tuy còn nhiều khó khăn, nhưng khi gặp gỡ các thành viên trong dàn nhạc này, cảm nhận ai cũng vui vẻ.

Có lẽ tiếng đàn, lời ca đã giúp họ giải tỏa đi những muộn phiền sau những buổi lao động nặng nhọc, giúp họ vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Và cũng chính vì những lý do như vậy, các “nghệ sĩ nông dân” này đã luôn trân quý, tự bảo ban nhau tập luyện, truyền dạy lại cho con cháu giữ gìn bản sắc văn hóa đặc sắc.

Được biết, tháng 10/2018 này, Đài Phát thanh-Truyền hình Sóc Trăng sẽ tổ chức Liên hoan Dân ca Khmer khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long năm 2018, Ban nhạc cổ truyền Tam Sóc đã đăng ký tham dự 3 tiết mục trình tấu là: Lễ buộc chỉ tay; Đếm lễ vật; Giã thuốc dấu (Bốc leck).

NHƯ TÂM - CAO LONG

Tin cùng chuyên mục
Tour du lịch độc đáo thăm làng "cá gỗ"

Tour du lịch độc đáo thăm làng "cá gỗ"

Dù ra mắt vào cuối năm 2023, song tính đến thời điểm hiện tại, sức hút của tour du lịch "Làng cá gỗ - sau ánh hào quang" vẫn chưa hề suy giảm. Về làng Quỳnh Đôi, du khách không chỉ có dịp ghé thăm vùng đất khoa bảng nức tiếng của xứ Nghệ mà còn được lắng nghe giai thoại về con cá gỗ, thấm thía câu chuyện của những người khai ấp lập làng, gian nan đưa thầy về dạy học để duy trì nghiệp đèn sách nơi đây.