Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Khởi nghiệp

Có một Hợp tác xã của những trí thức trẻ người Dao

Hoàng Hà Thế - 10:25, 08/06/2021

Tôi gặp chị Triệu Thị Châu (1987) tại Hội thảo "Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội, thách thức trong sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu nông sản tại Tây Nguyên", do Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật tỉnh Đắk Lắk tổ chức. Qua nghe tham luận và trò chuyện với chị, tôi nhận thấy tư duy năng động, sáng tạo và nhiệt huyết của cô gái trẻ người Dao, một con người dám nghĩ, dám làm và bước đầu đã thành công!

Chị Triệu Thị Châu tại Hội thảo đầu bờ mô hình lúa cạn ở xã xã Cư Suê, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Chị Triệu Thị Châu tại Hội thảo đầu bờ mô hình lúa cạn ở xã xã Cư Suê, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Khởi nghiệp từ mô hình liên kết sản xuất cà phê

Chị Triệu Thị Châu nhà ở thôn 3, xã Cư Suê, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk. Năm 2010, chị tốt nghiệp cử nhân Sinh học loại khá của Trường Đại học Tây Nguyên và quyết định về địa phương cùng gia đình phát triển kinh tế. Chị đã kết nối những hộ gia đình cùng thôn để thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp & Dịch vụ Bình Minh (HTX Bình Minh).

Chị Triệu Thị Châu trải lòng: “Sau khi được địa phương cử tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật về sản xuất nông nghiệp bền vững, tôi và nhiều trí thức trẻ người Dao ở địa phương bàn bạc, đề xuất với các cơ quan chức năng thành lập một mô hình để liên kết sản xuất cà phê, hồ tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu tại địa phương. Tháng 8/2016, Hợp tác xã Nông nghiệp & Dịch vụ Bình Minh (HTX Bình Minh) ra đời, do tôi làm Giám đốc. Đến nay, HTX đã có 27 thành viên là người Dao trong đó có 17 người có trình độ đại học, cao đẳng với các chuyên ngành khác nhau”.

Với quyết tâm xây dựng một mô hình HTX kiểu mới, vì vậy các thành viên tham gia HTX được Ban Giám đốc cử đi tập huấn các lớp khuyến nông, tham quan kinh nghiệm làm nông nghiệp tại Viện Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên và các tỉnh lân cận. Ngoài ra, các trí thức trẻ trong HTX còn hướng dẫn người dân lắp đặt hệ thống ống tưới nước tiết kiệm, bón phân hữu cơ, vận động người dân tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong vườn cây.

Chị Triệu Thị Châu, báo cáo tham luận tại Hội thảo " Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội thách thức trong sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu nông sản tại Tây Nguyên (Ảnh: Hoàng Thế Hà)
Chị Triệu Thị Châu, báo cáo tham luận tại Hội thảo " Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội thách thức trong sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu nông sản tại Tây Nguyên (Ảnh: Hoàng Thế Hà)

Triệu Thị Châu chia sẻ: “Trước thực tế nhiều hộ dân làm lò sấy đốt bằng than củi gây ô nhiễm môi trường, cuối năm 2016, các thành viên HTX Bình Minh đã đóng góp 660 triệu đồng đầu tư hệ thống lò sấy - đốt biochar (Lò đốt tận dụng phế phẩm vỏ cà phê làm nguyên liệu chất đốt). Vụ mùa cà phê vừa qua, lò sấy - đốt của HTX đã sấy được 33 mẻ cà phê (mỗi mẻ 3,9 tấn cà phê tươi). Nguồn phế thải từ lò sấy (vỏ cà phê) được tận dụng làm phân bón cho cây trồng.

Thành công từ sản xuất nông sản sạch

Hiện nay, HTX Bình Minh có hơn 100 ha cà phê có trồng xen canh hồ tiêu, bơ, sầu riêng…Vụ thu hoạch năm 2020, HTX Bình Minh đã thu về sản lượng cà phê xấp xỉ 165 tấn; bơ 35 tấn; sầu riêng gần 100 tấn; tiêu 155 tấn… Nhiều vườn tiêu trước đây sản xuất theo kiểu “nhờ trời”, năng suất chỉ đạt từ 1,5 - 2 tấn/ha, đến nay đã nâng cao lên 2,5-3 tấn/ha.

Toàn bộ sản phẩm cà phê của nông dân trong HTX sau khi thu hoạch được phơi sấy theo quy trình khoa học nên được nhiều khách hàng tin cậy đặt mua. Hiện nay, HTX Bình Minh đang mở rộng thêm dịch vụ sấy cà phê, mở đại lý kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thu mua sản phẩm nông nghiệp, tổ chức dịch vụ du lịch sinh thái… Hiện, thu nhập bình quân của mỗi hộ gia đình đạt từ 200 đến 400 triệu đồng/năm. Nhiều hộ đã sắm được ô tô và các trang thiết bị phục vụ sinh hoạt và sản xuất.

Triệu Thị Châu (thứ hai bên trái) và thành viên HTX Bình Minh chụp ảnh lưu niệm với đại biểu của Tập đoàn cà phê Newman vào thăm Nhà máy sấy - đốt biochar của HTX Bình Minh (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Triệu Thị Châu (thứ hai bên trái) và thành viên HTX Bình Minh chụp ảnh lưu niệm với đại biểu của Tập đoàn cà phê Newman vào thăm Nhà máy sấy - đốt biochar của HTX Bình Minh (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Suê, huyện Cư M’gar nhận xét: "Tuy mới thành lập gần 5 năm, HTX Bình Minh với nòng cốt là các tri thức trẻ, con em dân tộc địa phương đã tiên phong trong sản xuất nông nghiệp bền vững, góp phần thay đổi tập quán, canh tác của đồng bào. Điều đáng mừng là người dân đã tạo ra được sản phẩm nông nghiệp sạch, quá trình sản xuất, sơ chế sản phẩm không gây ô nhiễm môi trường. Đây cũng là định hướng phát triển sản xuất của địa phương trong tương lai.

Tin cùng chuyên mục
Diễn đàn Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long: Hướng tới thành lập mạng lưới chuyển đổi xanh Mekong

Diễn đàn Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long: Hướng tới thành lập mạng lưới chuyển đổi xanh Mekong

Ngày 15/11, UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức khai mạc Diễn đàn Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long lần II, năm 2024, với chủ đề “Kinh tế xanh - Động lực mới cho phát triển”.