Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Đến với người Dao nơi Cổng Đá

Lê Na - 12:01, 12/04/2021

35 năm định cư ở vùng đất mới, bà con người Dao ở xóm Cổng Đá, xã Thái Sơn, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) đã đoàn kết một lòng, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Cổng Đá hôm nay đã có điện, đường, trường học khang trang. Cuộc sống đang khởi sắc từng ngày trên vùng quê yên bình này.

Một nét sinh hoạt truyền thống của người Dao ở Cổng Đá
Sinh hoạt thường ngày của người Dao ở Cổng Đá

Chúng tôi theo sau Trưởng thôn Triệu Đức Liêm (30 tuổi) ngược dốc núi lên xóm Cổng Đá thuộc xã Thái Sơn, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang vào một ngày mưa, sương giăng mù mịt. Xe máy cài số một, rì rì bò ngược con đường bê tông lên núi. Tưởng như mình đang cưỡi ngựa sắt leo lên cổng trời. Từ trung tâm huyện vào tới Cổng Đá mất khoảng một tiếng đi xe máy. Nơi đây có đồng bào Dao từ biên giới phía Bắc về định cư giữa những năm tám mươi của thế kỷ trước. Thôn nằm trên một dãy núi cao, đã hơn một phần ba thế kỷ sinh sống ở đây, người Dao đã "đi xuyên qua" một vùng đá núi, mở mang xây dựng cuộc sống của mình ngày càng no ấm.

May cho chúng tôi, đường vào nhà ông Đặng Văn Tỉn và bà Đặng Thị Khé trong thôn là đường bê tông nên trời mưa cũng đỡ vất vả hơn. Nhà ông Tỉn xây kiên cố, theo kiểu hiện đại, nhiều phòng riêng biệt, diện tích sử dụng tới 146 mét vuông. 

Ngoài trời vẫn mưa rào rào. Trong tiếng mưa, chủ nhà lơ đãng qua khói thuốc lào, nhớ về ngày xưa. Hồi đó, ông bà định cư ở Cao Mã Pờ - một xã biên giới, đặc biệt khó khăn thuộc huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, gia đình ông Tỉn cùng mười hai hộ người Dao của thôn Thèn Ván, xã Cao Mã Pờ chuyển về định cư tại huyện Hàm Yên (tỉnh Tuyên Quang) để cùng bắt tay xây dựng cuộc sống mới. Biết bao gian khó, nhọc nhằn khi lập nghiệp nơi quê hương mới. Nhưng rồi những vụ ngô, lúa bội thu, quả ngọt đầu tay đã níu giữ họ. Cuộc sống lại sinh sôi, nảy nở, vợ chồng ông sinh thêm hai con nữa.

Nay, cả bốn con, hai trai, hai gái của ông đều đã trưởng thành, xây dựng gia đình riêng. Ông Tỉn đã có tám cháu, nội, ngoại. Cháu lớn nhất đang học lớp 12. Từ phát triển sản xuất, làm dịch vụ vận tải vật liệu xây dựng, năm 2018, ông đã xây ngôi nhà này trị giá hơn 500 triệu đồng.

Người Dao ở Cổng Đá vẫn bảo tồn tốt trang phục truyền thống của dân tộc mình.
Người Dao ở Cổng Đá luôn có ý thức bảo tồn trang phục truyền thống của dân tộc mình.

Mưa ngớt hẳn, bầu trời cao xanh hơn, tôi bước ra đường bê tông để nhìn bao quát hơn nơi núi non này. Xóm Cổng Đá tụm lại hai mươi sáu ngôi nhà xen giữa màu xanh cây ăn quả. Ba mươi lăm năm định cư, số hộ đã tăng gấp đôi so với ban đầu, hiện Cổng Đá có 133 nhân khẩu.. Bên cạnh những ngôi nhà trình tường là những ngôi nhà mái ngói, mái tôn kiên cố, khang trang, trong đó có những ngôi đẹp, hiện đại như nhà của Đặng Phong Toàn, Bàn Văn Pao, Triệu Thị Lù, Đặng Phú Quang. Họ là những chàng trai, cô gái người Dao sinh ra từ mảnh đất này và đang làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Mấy năm trước, Quang đi làm công ty ở Bắc Giang. Có tiền, anh cùng vợ về quê hương phát triển cam sành, cây thương hiệu của đất Hàm Yên. Đất dốc và núi đá là điều kiện lý tưởng cho cam sành phát triển. Hiện tại, vợ chồng anh sở hữu cả một triền đồi cam xanh mướt, hứa hẹn những mùa trái ngọt.

Còn Bàn Văn Pao, Chẩn Văn Khu, Đặng Phong Toàn cũng đang mạnh dạn xây dựng các trang trại trồng mía, cam, chè và cây lâm nghiệp với quy mô vừa. Mỗi hộ đã có vườn cam trên bốn trăm gốc, bắt đầu cho thu hoạch.

Có thể nói, từ khi bà con người Dao về đây, Cổng Đá đã bước sang một trang mới. Thôn đã có điện, đường, trường học khang trang. Trẻ con đến trường được đi trên con đường bê tông. Người ốm đau được chăm sóc sức khỏe và chữa bệnh kịp thời. Đói no bà con cùng sẻ chia, đoàn kết. Ai khó khăn được Nhà nước hỗ trợ, người Dao ở Cổng Đá vượt lên bằng những khát khao của chính mình. 

Trưởng thôn Bàn Văn Liêm dẫn chúng tôi tới thăm nhà chị Lý Thị Nính, sinh năm 1961, y tá thôn bản. Ngôi nhà mới khang trang của chị nằm dưới chân núi, giữa một “ngã ba kinh tế” của xã Thái Sơn. Chị Nính dáng người mảnh mai, gương mặt nhân ái, dễ gần. Chị rất nhiệt tình với công việc, gần gũi với đồng bào, dù mưa hay nắng, chị luôn có mặt khi có ai ốm đau, ai bệnh tật. Chỉ Nính bảo, Cổng Đá có 9 người đi làm ngoài tỉnh, dịp về địa phương đều phải kiểm tra y tế. Sức khỏe của mọi người dân trong thôn được chị chăm sóc chu đáo..

Tôi phóng tầm mắt, cả một vùng đồi gò nhấp nhô như bát úp, xen kẽ là ao hồ và con suối nhỏ, đất đai phù hợp nên cây chè và nhiều loại cây ăn trái rất tốt. Màu xanh no mắt. Tôi nói với Trưởng thôn Liêm, mai này, khi cuộc sống phát triển hơn, đây sẽ là khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp. Liêm cười, đó cũng là ước mơ của thôn. Thái Sơn đang tiến về đích nông thôn mới. Bà con Cổng Đá cũng phải gắng sức mình làm đẹp, giàu cho bản làng.

Rời ngôi nhà trình tường của anh Đặng Văn Xuân, một trong 6 ngôi nhà theo kiến trúc cổ, độc đáo của đồng bào vùng cao. Nắng sau mưa hắt lên tường đất một màu vàng cổ tích, huyền thoại đầy mê hoặc. Nắng soi lung linh trên những giọt mưa sót lại dưới mái tranh. Trẻ con, ngày cuối tuần rủ nhau nô đùa ríu rít.

Nắm chặt bàn tay chàng trai người Dao, thấy lòng mình ấm lại. Chia tay Cổng Đá, tôi trở về mang theo tâm tình và nghị lực của những người trẻ dám "đi xuyên qua" núi đá để xây dựng cuộc sống ấm no.

Tin cùng chuyên mục
Vượt qua đau thương hướng tới “làng hạnh phúc”

Vượt qua đau thương hướng tới “làng hạnh phúc”

Với sự hỗ trợ của Trung ương, địa phương và toàn xã hội; khu tái định cư Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên (Lào Cai) đang dần hồi sinh sau thiên tai, vượt qua đau thương hướng tới “làng hạnh phúc”.