Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Có một thầy giáo đặc biệt ở A Ngo

Khánh Ngân - 15:55, 06/04/2022

Người Bru - Vân Kiều ở xã A Ngo, huyện Đa Krông (tỉnh Quảng Trị) đều biết đến thầy Hoàng Đình Lộc vì “chuyên môn vững, lòng yêu mến trẻ lớn lao”, và ''đặc biệt" nữa, là thầy giáo dạy và chăm trẻ mầm non...

Thầy giáo Hoàng Đình Lộc cùng các bé trường mầm non A Ngo trong giờ học “nhận biết đồ vật trong gia đình”
Thầy giáo Hoàng Đình Lộc cùng các bé trường mầm non A Ngo, trong giờ học “nhận biết đồ vật trong gia đình”

Yêu trẻ nên cắm bản “trồng người”

Năm 2019, thầy Hoàng Đình Lộc được phân công về trường mầm non xã A Ngo (huyện Đa Krông, tỉnh Quảng Trị) đứng lớp. Với Ban Giám hiệu, giáo viên và cả những phụ huynh người Bru- Vân Kiều ở A Ngo, việc thầy giáo dạy ở bậc học mần non là một điều đặc biệt, xưa nay chưa từng có.

Thầy Lộc sinh ra và lớn lên ở xã Tân Lập (Hướng Hóa, Quảng Trị), nơi có đông đồng bào Bru - Vân Kiều sinh sống. Ngay từ nhỏ Hoàng Đình Lộc đã chứng kiến việc trẻ em, đặc biệt là trẻ em DTTS thua thiệt từ cái ăn, cái mặc đến học con chữ so với trẻ em miền xuôi. Hiểu rồi thương trẻ em, cứ thế tình yêu trẻ lớn dần lên trong chàng trai Hoàng Đình Lộc.

Hết bậc trung học phổ thông, Hoàng Đình Lộc âm thầm làm hồ sơ dự thi vào ngành học giáo dục mầm non- Trường Đại học Sư phạm Huế. Trải qua quá trình miệt mài học tập tốt, năm 2017 Hoàng Đình Lộc đã tốt nghiệp ngành học mà mình yêu thích.

Thời gian ngắn ngủi bên hành lang lớp học, thầy giáo Hoàng Đình Lộc chia sẻ:"Mình lựa chọn làm thầy giáo mầm non đơn giản chỉ là vì mình yêu trẻ”. 

Thầy kể, sau khi tốt nghiệp, với thành tích tốt trong toàn khóa học, Hoàng Đình Lộc đã có một công việc ổn định tại thành phố phát triển bậc nhất miền Trung. Thế nhưng, Đà Nẵng dường như không thể ngăn anh về với quê hương, về với những đứa trẻ vùng cao Quảng Trị. Trong kỳ thi xét tuyển công chức, viên chức ngành mầm non ở quê nhà Quảng Trị, Hoàng Đình Lộc đã trúng tuyển và trở thành thầy giáo đặc biệt ở xã A Ngo.

Với các cô giáo, việc nuôi dạy trẻ đã khó khăn áp lực, thầy Lộc lại càng gian nan hơn nhiều. Công việc mỗi ngày của thầy Lộc diễn ra như bao đồng nghiệp nữ khác: Sáng đón trẻ, cho ăn, đến khoảng 8 giờ cho các cháu hoạt động thể dục, học ngoài trời, trò chơi dân gian.Trưa, vệ sinh cho cháu ăn, ngủ. Chiều cho các cháu ôn luyện, khám phá thiên nhiên, phát triển năng khiếu, nhận thức… Dù chưa lập gia đình nhưng việc chăm sóc các bé được thầy Lộc làm một cách thuần thục.

Các em học sinh mầm non ở A Ngo được các cô giáo giới thiệu về ý nghĩa của trang phục truyền thống của người Bru-Vân Kiều
Học sinh mầm non ở A Ngo được giới thiệu về ý nghĩa trang phục truyền thống của người Bru-Vân Kiều

“Làm thật tốt để vượt qua định kiến”

Xong công việc buổi sáng của một giáo viên mầm non là cho các bé ngủ trưa, thầy Lộc tiếp tục câu chuyện còn dang dở: “Hồi đầu mình cũng ngại lắm chứ, bởi định kiến thầy giáo mà học mầm non, dạy mầm non. Nhưng mình cố gắng làm thật tốt để vượt qua và theo nghề mình yêu”.

Để hòa nhập với các em, thầy Lộc thường xuyên tham gia văn nghệ, hát múa, giao tiếp với các bé. Bên cạnh đó, Ban Giám hiệu cũng tạo điều kiện, để thầy dự giờ các giáo viên có kinh nghiệm để học tập. Chỉ một thời gian ngắn, thầy Lộc nhập cuộc và trực tiếp đứng lớp. Đối với người Bru - Vân Kiều và nhiều người khác đó là điều đặc biệt, nhưng với người "mẹ hiền đặc biệt" này đó là điều hết sức bình thường.

Cô Nguyễn Thị Quy, Hiệu trưởng Trường Mầm non A Ngo chia sẻ: “Thầy Lộc là người có năng lực chuyên môn vững và có lòng yêu trẻ lớn lao. Thầy được đồng nghiệp đánh giá cao, phụ huynh và các bé yêu mến, tin tưởng. Ngoài ra, thầy cũng là giáo viên tích cực tham gia và có nhiều đóng góp cho các hoạt động, phong trào đoàn thể của nhà trường”.

Bên cạnh những năng khiếu của bản thân, thầy giáo trẻ này còn không ngừng trau dồi chuyên môn, các kỹ năng như hát, múa, vẽ, sử dụng thành thạo máy tính để thiết kế các trò chơi trên Power Point, cắt ghép nhạc, cắt ghép ảnh, video đưa vào giảng dạy... Nhờ đó, lớp học của thầy luôn thu hút đối với trẻ - cô Quy chia sẻ thêm

Dù gắn bó chưa lâu với nghề, nhưng cả 3 năm học liền tham gia giảng dạy, thầy Lộc được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Năm học 2021 - 2022 này, thầy Lộc được cử tham gia thi dạy giỏi cấp tỉnh và hiện đang chờ kết quả. Thầy Lộc đã nhận trọn vẹn niềm tin của Ban Giám hiệu nhà trường, phụ huynh và các cháu mầm non nơi miền biên giới A Ngo yêu mến.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.