Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

“Gieo chữ trên rẻo cao” – trái ngọt của thầy giáo vùng cao

PV - 16:16, 27/10/2021

Những hình ảnh đẹp về sự cống hiến của giáo viên vùng cao chính là chất liệu, nguồn cảm hứng giúp cho Nhạc sỹ Tô Văn “thai nghén” và ra đời tác phẩm “Gieo chữ trên rẻo cao”.

Chân dung nhạc sỹ Tô Văn.
Chân dung nhạc sỹ Tô Văn.

“Trái ngọt” từ giao thoa cảm xúc

“Mang tuổi xuân em về với bản, gieo cái chữ Bác Hồ trên rẻo cao xa xôi. Tuổi xuân em đến với núi rừng, trang giáo án cuộc đời dệt nên bao ước mơ…” - đó là những câu hát đầu tiên trong bài “Gieo chữ trên rẻo cao” của Nhạc sỹ Tô Văn (SN 1983), Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lai Châu, giảng viên của Trung tâm Piano Lai Châu.

Mảnh đất xứ Thanh – nơi đã sinh ra Nhạc sỹ Tô Văn, nuôi dưỡng, bồi đắp tâm hồn người nghệ sỹ dù quanh năm nắng gió, bão bùng. Anh luôn cảm thấy biết ơn với những vùng đất cho mình được sống, lớn lên, trưởng thành và khẳng định sự nghiệp để có được thành công bước đầu như ngày hôm nay.

Sau khi rời quân ngũ, Nhạc sỹ Tô Văn chọn Lai Châu là nơi công tác và cống hiến. Chính mảnh đất vùng cao này đã cho anh những chất liệu để tạo nên tác phẩm "Gieo chữ trên rẻo cao". Bài hát nhận được giải Khuyến khích tại Cuộc thi “Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường" năm 2020.

“Khi biết tin tác phẩm của mình đạt giải trong cuộc thi “Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường” tôi cảm thấy bất ngờ và vô cùng xúc động. Tôi cũng là người trong cuộc và vẫn trên con đường tiếp tục đi gieo chữ trên mảnh đất Lai Châu. Qua bài hát, tôi muốn cho mọi người thấy được những cống hiến thầm lặng của nhà giáo. Đặc biệt là các thầy, cô vẫn đang âm thầm “cõng chữ” lên non, ngày đêm vất vả ở những bản làng vùng cao, xa xôi. Nghề giáo cần được xã hội tôn vinh, trân trọng hơn nữa”, nhạc sỹ Tô Văn chia sẻ.

Nhạc sỹ Tô Văn hiện đang là giảng viên của Trung tâm Piano Lai Châu.
Nhạc sỹ Tô Văn hiện đang là giảng viên của Trung tâm Piano Lai Châu.

Theo tác giả, nguồn cảm hứng để sáng tác bài hát một phần là chính anh cảm nhận về bản thân khi đang là giáo viên Trường THCS Đoàn Kết, TP. Lai Châu. Và hơn hết là hình ảnh những thế hệ nhà giáo đã không còn đếm được tuổi thanh xuân của mình khi lên với bản làng xa xôi để đi “gieo chữ”. Hàng ngày vượt núi, lội suối để đón đợi học sinh, Rồi những đêm đông giá lạnh, nỗi nhớ nhà, người thân.

Những vất vả, hy sinh thầm lặng của tuổi xuân đẹp nhất mà thầy cô đã gửi lại nơi bản làng với các lứa “học trò núi”, đi dép tổ ong, vai đeo túi bằng chỉ mộc mẹ khâu, tóc hoe hoe đỏ… là chất liệu mộc mạc tạo nên những ca từ của bài hát.

Nhạc sĩ Tô Văn chia sẻ: “Chính những hình ảnh rất đẹp, vĩ đại của thầy cô đã khiến tôi có rất nhiều cảm xúc để ấp ủ, viết nên tác phẩm với mong muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với các thầy, cô giáo vùng cao.

Quá trình hoàn thiện tác phẩm cũng là lúc nhận được thông tin của cuộc thi "Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường". Và chính sự giao thoa đó mà tác phẩm lại càng đi đến hoàn thiện nhanh hơn”.

Không chỉ sáng tác, nhạc sỹ Tô Văn còn dàn dựng nhiều tiết mục văn nghệ chào mừng các sự kiện lớn về giáo dục
Không chỉ sáng tác, nhạc sỹ Tô Văn còn dàn dựng nhiều tiết mục văn nghệ chào mừng các sự kiện lớn về giáo dục

Không chỉ khẳng định tài năng khi tâm huyết của nhạc sỹ đã cho “trái ngọt”, mà trên hết là bài hát đã đem đến cho người nghe một bức tranh giáo dục vùng cao. Ở đó không chỉ có khó khăn, vất vả mà còn có cái đẹp của tình người, sự hy sinh và cống hiến…

Thổi hồn Lai Châu vào giai điệu

Là giáo viên dạy âm nhạc, nhạc sỹ Tô Văn không chỉ làm tốt vai trò của một người “truyền cảm hứng” cho bao thế hệ học sinh, anh còn mở Trung tâm Piano Lai Châu đào tạo tài năng âm nhạc. Cùng với đó, tìm kiếm sân chơi tại các tỉnh, thành trong nước cho học sinh giao lưu, học hỏi, nâng cao hiểu biết về âm nhạc. Không quá khi gọi anh là người “thổi hồn” mảnh đất, con người Lai Châu vào giai điệu.

Nói vậy bởi anh là nhà giáo nhưng lại có khả năng cả về ca, thơ và nhạc, có thể đem những chất liệu mộc mạc của vùng quê Tây Bắc nói chung, quê hương Lai Châu nói riêng vào nhạc một cách nên thơ, trữ tình.

Mỗi câu chuyện nhạc sỹ Tô Văn nói về âm nhạc luôn thú vị, giống như anh truyền cả đam mê cho người đối diện. Đam mê đó còn lan tỏa nhiều hơn là bởi anh luôn hoạt động nghệ thuật nghiêm túc và sâu sắc trong mỗi câu chữ, mỗi giai điệu do mình viết ra. Với anh, từng ấy những hiểu biết về vùng quê mới vẫn chưa bao giờ là đủ để hồn quê Lai Châu đẹp hơn.

Gắn bó với Lai Châu đã hơn chục năm, mảnh đất đậm bản sắc dân tộc đã phần nào thẩm thấu cho một tâm hồn nghệ sỹ đầy tinh tế như anh. Nào là thắng cố, men rừng, rượu ngô, khói cơm lam, nào lu cở, thổ cẩm, ngựa hí trong mây, tiếng khèn, mắt say, ngà ngà nhịp thở… Những chất liệu đó đã được nhạc sỹ Tô Văn đưa vào nhạc một cách nhịp nhàng mà nên thơ trong “Chợ phiên vùng cao”.

Tiếp đến là những ca khúc “Gieo chữ trên rẻo cao”, “Về Lai Châu ta đi chợ phiên” mà khi lời hát được cất lên, những người từng gắn bó với "miền sơn cước" đều ngỡ như mình đã từng chứng kiến, cảm nhận hay thấy bóng dáng mình trong đó.

Mảnh đất và con người Lai Châu đã cho nhạc sỹ Tô Văn những chất liệu đẹp để sáng tác
Mảnh đất và con người Lai Châu đã cho nhạc sỹ Tô Văn những chất liệu đẹp để sáng tác

Nhạc sỹ Tô Văn còn phổ nhạc cho nhiều bài thơ về đề tài vùng cao do những người đã từng công tác, cống hiến dựng xây Lai Châu viết lời. Trong đó phải kể đến một số tác phẩm nổi bật như: “Huyền thoại một miền quê” – lời thơ Lương Chiến Công hay “Bình yên nơi biên cương” – lời thơ của Thiếu tướng công an Nhân dân Bùi Xuân Phong... Dù là sáng tác trọn bài hay “đưa thơ vào nhạc”, trong mỗi tác phẩm âm nhạc của anh đều có ca từ chắt lọc, ngắn gọn, giản dị mà sâu lắng.

Phong phú về thể loại nhưng thành công nhất với anh thuộc về các ca khúc mang đậm chất dân gian, đặc biệt là âm hưởng dân ca của dân tộc Lự, Mông, Thái… Giai điệu vì thế rất dễ đi vào lòng người.

Nhạc sỹ Tô Văn tâm sự: "Ngay sau khi “ra lò” tác phẩm mới, tôi đã nghĩ ngay đến giọng hát nào có thể “thăng hoa” ca khúc đó. Tôi lựa chọn kỹ càng, gửi gắm những đứa con tinh thần của mình đến những giọng ca thành danh để thể hiện các ca khúc mới".

Cách làm đó đã trả lời cho câu hỏi tại sao ngay lần đầu tiên ra mắt, nhiều tác phẩm của anh đều lọt vào “tầm ngắm” của nhiều tổ chức chuyên sâu về âm nhạc để lựa chọn và ghi nhận, vinh danh.

Nhận xét về nhạc sỹ Tô Văn, bà Phùng Thị Hải Yến – Phó Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Lai Châu cho biết: “Đây là nhạc sỹ trẻ đầy triển vọng của Chi hội Nhạc sỹ tỉnh. Anh cũng là nhạc sỹ giàu chất liệu về vùng đất, kỹ thuật hòa âm phối phí mang đậm chất vùng cao nên dễ được chọn biểu diễn tại nhiều hoạt động âm nhạc”.

Bên cạnh đó, là “chiến sỹ” trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, nhạc sỹ Tô Văn đã viết các ca khúc “Ngủ một chút đi anh”, “Những bông hoa nở giữa mùa dịch” vừa để khích lệ, động viên tinh thần đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm chống dịch. Đồng thời, thể hiện tấm lòng, niềm tin của một công dân vào cách thức chống dịch đúng đắn.

Chính bởi sự lan tỏa mạnh mẽ, sự kết tinh vẻ đẹp mảnh đất, con người vùng cao mà những tác phẩm của nhạc sỹ Tô Văn trong những năm qua, liên tục được nhận nhiều giải thưởng, giấy khen do các cấp trao tặng. Đó là ghi nhận cho những đóng góp của người thầy giáo vùng cao trong sự nghiệp giáo dục và nền âm nhạc.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.