Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Cơ quan công tác dân tộc ở cơ sở: Gặp khó khăn vì thiếu đội ngũ cán bộ

Thúy Hồng - 10:44, 19/10/2021

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, bên cạnh những kết quả đã đạt được trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy cũng đã xuất hiện những khó khăn, bất cập, nhất là đối với cơ quan công tác dân tộc ở cấp cơ sở.

Cán bộ Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn kiểm tra các dự án đầu tư tại cơ sở
Cán bộ Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn kiểm tra các dự án đầu tư tại cơ sở

Tại một số địa phương, cơ quan công tác dân tộc cấp cơ sở đã được sáp nhập với một số phòng ban chuyên môn khác. Sau quá trình sáp nhập, đã phát sinh nhiều khó khăn, bất cập trong việc triển khai thực hiện chính sách dân tộc ở cấp cơ sở.

Thiếu đội ngũ cán bộ dân tộc sau sáp nhập

Bắc Kạn là một trong những tỉnh miền núi có tỷ lệ đồng bào DTTS cao, chiếm hơn 88% dân số toàn tỉnh. Thực hiện sắp xếp lại bộ máy hành chính cấp huyện, hiện nay tất cả 7/7 Phòng Dân tộc trên địa bàn tỉnh đã được sáp nhập vào một số phòng ban ở cấp huyện, số lượng cán bộ làm công tác dân tộc được tinh giảm, tác động đến việc thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc trên địa bàn.

Cụ thể như tại huyện Na Rì, thực hiện Đề án số 03-ĐA/TU và Nghị quyết số 18-NQ/TW , đầu năm 2018, Phòng Dân tộc đã sáp nhập vào Văn phòng HĐND huyện. Bà Lê Thị Lan, Phó Chánh Văn phòng HĐND (Phụ trách công tác dân tộc của Văn phòng) huyện Na Rì, cho biết: Sau khi Phòng sáp nhập, nhân sự công tác dân tộc bị cắt giảm, cán bộ làm công tác dân tộc phải kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ khác. Bên cạnh đó, do đặc thù của huyện miền núi địa hình rộng, dân số chủ yếu là đồng bào DTTS, cán bộ chuyên trách về mảng dân tộc ít nên công tác khảo sát nắm tình hình về thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc tại các xã vùng sâu gặp nhiều khó khăn.

Theo bà Lan, khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, sẽ có nhiều chương trình, dự án thành phần được triển khai. Tuy nhiên, huyện Na Rì không còn Phòng Dân tộc để làm đầu mối triển khai các dự án thành phần tại địa phương thì rất khó hoàn thành nhiệm vụ.

Còn tại Lạng Sơn, sau khi sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn lại bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII thì Phòng Dân tộc của địa phương này cũng đã được sáp nhập vào Phòng Lao động và Thương binh xã hội, gây rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc tại cơ sở.

Để thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2021-2030, Ban Dân tộc tỉnh Lạng Sơn cũng đã có những đề xuất, kiến nghị với UBND tỉnh Lạng Sơn xem xét thành lập lại các Phòng Dân tộc cấp huyện để bảo đảm các điều kiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan công tác dân tộc, thực hiện tốt Chương trình MTQG.

Ông Lâm Văn Viên, Phó Ban Dân tộc tỉnh Lạng Sơn cho biết: Theo kết quả rà soát của Ban Dân tộc, hiện nay các huyện trên địa bàn Lạng Sơn đều đáp ứng đủ các tiêu chí thành lập Phòng Dân tộc theo Nghị định số 108/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ: Có ít nhất 5.000 người DTTS đang cần Nhà nước tập trung giúp đỡ, hỗ trợ phát triển; Có đồng bào DTTS sinh sống ở địa bàn xung yếu về an ninh, quốc phòng; địa bàn xen canh, xen cư; biên giới có đông đồng bào DTTS nước ta và nước láng giềng thường xuyên qua lại.

 Đường vào thôn Bắc Hoa, xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang được làm từ nguồn vốn Chương trình 135)
Đường vào thôn Bắc Hoa, xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang được làm từ nguồn vốn Chương trình 135)

Cần sắp xếp lại cơ quan công tác dân khi đủ tiêu chí

Theo báo cáo số 370 ngày 13/8/2020 của Chính phủ, cả nước có 278 Phòng Dân tộc đã sáp nhập với các đơn vị hành chính khác.

Việc sáp nhập phòng Dân tộc của các huyện vào các phòng ban chuyên môn, đặc biệt đối với các địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống, số lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc còn rất ít (khoảng 2 cán bộ) đã ảnh hưởng đến hiệu quả triển khai, giám sát, thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc ở cơ sở.

Đặc biệt trong giai đoạn này, khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, không thể thiếu đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc cấp cơ sở.

Ông Cầm Văn Thanh, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Ủy ban Dân tộc cho biết: Theo quy định, việc sắp xếp tổ chức lại bộ máy tổ chức hành chính cấp cơ sở thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh, huyện. Tuy nhiên, sau khi tổ chức sắp xếp lại bộ máy hành chính, nhiều địa phương gặp khó khăn, bất cập trong triển khai, thực hiện nhiệm vụ về công tác dân tộc. Các đơn vị có thể kiến nghị đề xuất phù hợp với nhiệm vụ cụ thể. Các địa phương cần căn cứ theo tiêu chí Nghị định 108 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc Trung ương.

Ủy ban Dân tộc với chức năng nhiệm vụ là cơ quan quản lý Nhà nước về công tác dân tộc ở cấp trung ương cũng sẽ kiến nghị về công tác tổ chức đội ngũ cán bộ phụ trách về lĩnh vực dân tộc ở cơ sở để thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc, đặc biệt là thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Tin cùng chuyên mục
Vùng đồng bào DTTS và miền núi: Thành quả giảm nghèo đa chiều từ chính sách toàn diện

Vùng đồng bào DTTS và miền núi: Thành quả giảm nghèo đa chiều từ chính sách toàn diện

Từ nhiều năm qua, công tác giảm nghèo của Việt Nam được các quốc gia và tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh gia cao; trong đó, kết quả giảm nghèo đa chiều đặc biệt ấn tượng ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Thành quả giảm nghèo ở địa bàn này xuất phát từ hệ thống chính sách đầu tư, hỗ trợ toàn diện, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực.