Hành trình đến với thủ khoa đầu vào Trường Đại học Vinh, 29,75 điểm là không hề dễ dàng. Càng trắc trở hơn với cô nữ sinh Lương Thị Hoài Thu ở xã nghèo, bản khó của mảnh đất Quỳ Châu xa ngái.
Ngày Thu rời bản Khun, xã Châu Hội ra trung tâm huyện học trường nội trú, thì cũng là ngày đôi vai gầy của mẹ, cha nơi bản làng thêm nặng gánh vì cơm - áo hằng ngày và những lo toan cho con được đi học bằng bạn bằng bè.
Cuộc sống phụ thuộc vào nông nghiệp, nên gia đình Hoài Thu không dư giả gì. Quanh năm bám nương, bám rẫy nhưng chỉ đủ ăn, thành ra, đói nghèo, cứ bám mãi với gia đình. Anh Lương Văn Sơn – cha của Hoài Thu trải lòng: Tôi thì đau yếu quanh năm. Mọi chi tiêu gia đình và lo cho con ăn học đều phụ thuộc vào một tay vợ tôi, thành ra, gia cảnh đã nghèo càng thêm vất vả. Nhưng tôi nghĩ, chỉ có học, học tốt mới có cơ hội thay đổi cuộc đời nên vợ chồng tôi bàn nhau làm lụng, tích cóp nuôi con ăn học. Đời mình đã khổ vì thiếu học, không thể để đời con mình cứ tiếp tục như vậy.
Đó không chỉ là động lực, mà còn là niềm tin để con đường học hành của Hoài Thu dễ dàng hơn chúng bạn trang lứa trong bản. “Dẫu có phải cực khổ thế nào, vợ chồng chúng tôi cũng gắng lo cho cháu học hành đủ đầy”, cha của Hoài Thu kể.
Thấu hiểu nỗi khổ, vất vả của cha mẹ; chứng kiến nhiều bạn bè trang lứa không được học hành… Hoài Thu càng bấm chí. Ba năm dưới mái trường PTDTNT THPT số 2 Nghệ An, Thu đã tự bản thân vạch ra cho một kế hoạch, mục tiêu cụ thể. Tinh thần tự học, tự tìm hiểu để nâng cao kiến thức được Thu áp dụng một cách nghiêm khắc với chính bản thân mình.
Thu tâm sự: Sau giờ học, em đã dành nhiều thời gian để đọc sách, lên mạng tra thông tin. Chỗ nào không hiểu, em hỏi ngay thầy cô để “lấp chỗ hổng” kiến thức ngay. Cũng may, ba năm học THPT của em là những thầy cô nhiệt huyết, trách nhiệm, luôn động viên và truyền lửa đam mê cho em.
Nói về cô học trò người Thái Lương Thị Hoài Thu, cô Trương Thị Thanh Thủy - Phó hiệu trưởng Trường PTDTNT THPT số 2 Nghệ An tấm tắc: Hoàn cảnh của Thu rất khó khăn, nhà nghèo, bố đau yếu quanh năm. Nhưng 3 năm bậc THPT, bạn ấy là một học sinh giàu nghị lực, học tốt các môn, nhất là môn khoa học xã hội.
Với 29,75 điểm, Hoài Thu hoàn toàn có thể lựa chọn cho mình một ngôi trường danh tiếng ở Hà Nội? – Tôi đặt vấn đề thì Thu cười: Đúng là như vậy. Khi biết em theo học Khoa giáo dục tiểu học tại Trường Đại học Vinh, nhiều người cũng ngạc nhiên và không khỏi thắc mắc vì sao lại không chọn học ở Hà Nội. Nhưng Trường Đại học Vinh là dự định, là ước mơ từ lâu của em. Bởi gia đình em còn khó khăn, vất vả nên học ở Vinh cũng sẽ tiết kiệm được phần nào chi phí cho cha mẹ. Hơn nữa, quãng đường gần, em có thể về thăm cha mẹ thường xuyên hơn.
Nhưng môi trường học tập ở Hà Nội sẽ rộng cánh cửa với tương lai hơn chứ? – Tôi tiếp tục hỏi, và Thu đã chững chạc trả lời: Em nghĩ môi trường học tập ở Hà Nội tốt thật, nhưng mà dù môi trường như thế nào, thì quan trọng nhất, yếu tố quyết định nhất vẫn là sự nhìn nhận, cố gắng, nỗ lực của bản thân. Học ở Trường Đại học Vinh, em nỗ lực, cố gắng cao thì kết quả cũng sẽ xứng đáng.
Thu cũng chia sẻ rằng, có tên trong danh sách Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên tiêu biểu, xuất sắc lần thứ XI, được tổ chức vào ngày 28/12/2024 tại Hà Nội, là niềm hạnh phúc, động lực lớn để bản thân nỗ lực, cố gắng hơn trong học tập và con đường tương lai của em...
Chia sẻ về dự định sau khi tốt nghiệp đại học, Thu nói, em mong muốn sớm hoàn thành việc học, trở về bản làng ở huyện Quỳ Châu quê em để cống hiến sức trẻ cho giáo dục quê hương...