Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Còn hạn chế trong thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch

Hoàng Quý - 14:23, 30/05/2022

Sáng 30/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội đã nghe Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành. Sau đó, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về vấn đề này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp

Chưa lập, phê duyệt xong hệ thống quy hoạch quốc gia

Luật Quy hoạch được thông qua năm 2017 đã giải quyết những vấn đề đặt ra và tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quy hoạch; thay đổi cách tiếp cận từ quan liêu, bao cấp sang kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; tính định hướng trong phát triển được thể hiện tốt hơn; các cấp, các ngành trưởng thành hơn trong công tác quy hoạch... Tuy nhiên, đây là một luật khó, liên quan nhiều vấn đề phức tạp, phạm vi rộng. Đến nay, sau 5 năm Luật có hiệu lực vẫn chưa lập, phê duyệt xong hệ thống quy hoạch quốc gia.

Trước những khó khăn, vướng mắc nảy sinh ngay từ khi triển khai, ngay sau khi kiện toàn, Quốc hội khóa XV đã chọn Luật Quy hoạch là chuyên đề giám sát đầu tiên với mục tiêu tìm hạn chế, nguyên nhân, rõ trách nhiệm, đề xuất phương án xử lý nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển bền vững.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, việc xây dựng và ban hành Luật Quy hoạch là sự nỗ lực, cố gắng lớn của Quốc hội, Chính phủ trong việc thể chế hóa Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 16/1/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Sau khi Luật Quy hoạch được thông qua, Quốc hội đã ban hành 7 luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 1 pháp lệnh; Chính phủ đã ban hành 43 nghị định, các bộ, ngành ban hành 96 thông tư hướng dẫn. Bên cạnh đó, để triển khai Luật Quy hoạch, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các văn bản có liên quan đến công tác quy hoạch; Thủ tướng Chính phủ cũng đã tổ chức 3 Hội nghị trực tuyến toàn quốc về quy hoạch.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, công tác lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch cơ bản đã hoàn thành; kinh phí lập quy hoạch đã được quan tâm bố trí.

Qua giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh; trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất cấp huyện.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo tại phiên họp
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo tại phiên họp

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác lập quy hoạch

Phát biểu điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các đại biểu thảo luận về các vấn đề cụ thể được nêu trong báo cáo và những vấn đề các đại biểu quan tâm, trong đó tập trung vào các vấn đề sau:

Thứ nhất, đánh giá của các đại biểu Quốc hội về việc tham mưu cho Quốc hội lựa chọn chuyên đề giám sát tối cao “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”; hiệu quả triển khai của Đoàn giám sát cũng như của các bộ, ngành, địa phương.

Thứ hai, những căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn cũng như sự cố gắng, nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành về việc ban hành Luật Quy hoạch và các luật liên quan; hiệu quả của việc ban hành Nghị quyết 751/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tháo gỡ khó khăn trong tổ chức, thực hiện Luật Quy hoạch.

Thứ ba, cho ý kiến về những hạn chế, bất cập xung quanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt và công bố quy hoạch của các cấp các ngành; về sự tồn tại song hành, áp dụng cả hai loại quy hoạch hiện nay; về nội hàm của quy hoạch tổng thế quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; về khái niệm tích hợp quy hoạch; về sự thay thế, bãi bỏ các quy hoạch ngành, quy hoạch sản phẩm trước đây bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; về phân kỳ đầu tư triển khai các dự án quy hoạch…

Thứ tư, cho ý kiến về những đề xuất của Đoàn giám sát, trong đó có việc cho phép Chính phủ và các cơ quan liên quan được thực hiện các nội dung Luật Quy hoạch và các luật hiện hành chưa quy định, hoặc đã quy định nhưng bất cập, vướng mắc thì được thực hiện khác với các Luật này để đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch cho đến khi Luật Quy hoạch được sửa đổi và có hiệu lực thi hành.

Quang cảnh phiên họp
Quang cảnh phiên họp

Thảo luận tại Hội trường, các đại biểu bày tỏ thống thất với các nội dung trong Báo cáo giám sát của Đoàn Giám sát của Quốc hội; cho rằng việc ra đời của Luật quy hoạch năm 2017 đã đặt ra nền tảng pháp lý quan trọng cho sự phát triển quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng quá trình triển khai thực hiện quy hoạch trong thời gian tới cần phải: Cân đối nguồn lực trong triển khai các dự án đầu tư; cần có quy định phân cấp cho địa phương được quyền quyết định bổ sung nguồn lực và danh mục dự án đầu tư mới mang tính cấp bách đó trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn mà không làm gia tăng bội chi ngân sách của địa phương; cần có quy hoạch chuyên ngành và kỹ thuật chuyên ngành về di sản văn hóa; cần ban hành chính sách phù hợp để bảo đảm hài hòa giữa yêu cầu phát triển và lợi ích chính đáng của ngưởi dân; cần xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật áp dụng cho quy hoạch theo Luật Quy hoạch; tăng cường trao đổi thông tin, cung cấp cơ sở dữ liệu trong quá trình lập quy hoạch…