Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Công an Cao Bằng: Quyết tâm đẩy lùi “tín dụng đen”

Minh Thu - 09:20, 21/07/2020

Theo thống kê, từ năm 2017 đến nay, lực lượng Công an tỉnh Cao Bằng đã phát hiện, khởi tố 11 vụ/trên 30 bị can liên quan đến “tín dụng đen”, số tiền các đối tượng thu lời bất chính lên tới hàng tỷ đồng. Hầu hết số vụ việc do lực lượng chức năng điều tra được từ hoạt động cho vay nặng lãi, đang làm gia tăng các vụ án về cưỡng đoạt tài sản, đánh bạc… gây mất trật tự, an toàn xã hội.

Đối tượng và tang vật hoạt động “tín dụng đen” bị Công an Cao Bằng triệt phá mới đây
Đối tượng và tang vật hoạt động “tín dụng đen” bị Công an Cao Bằng triệt phá mới đây


Điển hình như trường hợp chị Nông Thị V., ngụ thị trấn Bảo Lạc, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng). Năm 2017, chị V. vay của Trần Văn Hữu ở huyện Hà Quảng (Cao Bằng) 50 triệu đồng, với lãi suất 7,5 triệu đồng/tháng. Hai bên hẹn đến tháng 2/2018 sẽ trả cả gốc lẫn lãi, nhưng đến thời gian trên, chị V. mới trả Hữu được 10 triệu đồng. Sau 1 năm, lãi mẹ đẻ lãi con, số tiền phải trả lên đến 70 triệu đồng, chị V. không có khả năng trả. Hữu đã cùng một số đối tượng kéo đến nhà chị V. uy hiếp và lấy một số tài sản có giá trị như ti vi, tượng gỗ nu nghiến để trừ nợ. Sau khi nắm bắt thông tin, cơ quan Công an huyện Bảo Lạc đã điều tra, khám xét nơi ở của Hữu và các đối tượng liên quan, thu giữ 8 bảng ghi lô đề, 59 giấy vay nợ, 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... 

Đại tá Lương Văn Thiểm, Phó Giám đốc Công an tỉnh Cao Bằng cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh hình thức cho vay “tín dụng đen” phổ biến như: Vay tiền gộp, vay nóng; vay mua xổ số, vay chơi đề… Đặc biệt gần đây, một số đối tượng, cơ sở, hội nhóm đã thực hiện hành vi cho vay trực tuyến, vay Online thông qua các trang mạng, mạng xã hội, ứng dụng di động với cách tính lãi và lãi suất “cắt cổ”, trung bình từ 146 - 547,5%/năm. Cá biệt có vụ lãi suất được tính tới 1.095%/năm, cao gấp nhiều lần mức lãi suất tối đa 20%/năm do Bộ luật Dân sự quy định.

Các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” thường núp dưới vỏ bọc là các cơ sở kinh doanh, hội nhóm như: Các cơ sở cầm đồ, cơ sở kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê, công ty tài chính. Các cơ sở, cá nhân có biểu hiện huy động vốn với lãi suất rất cao, thường đưa ra các hình thức để thu hút vốn từ người dân như khuyến mãi, hoa hồng, huy động vốn để đầu tư, ủy thác đầu tư trái phiếu với lãi suất cao.

Hệ quả “tín dụng đen” về phía người đi vay là sự gia tăng chóng mặt của món nợ phải trả do “lãi mẹ đẻ lãi con”, nhiều gia đình bị phá sản, bị siết nợ, bị uy hiếp gây thương tích… là những nguyên nhân gây mất trật tự an toàn xã hội.

Theo Đại tá Lương Văn Thiểm, những năm qua, lực lượng Công an đóng vai trò chủ công trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoạt động “tín dụng đen”; lập chuyên án tấn công trấn áp tội phạm, triệt phá các tổ chức băng nhóm tội phạm, các đường dây lợi dụng “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê...; chú trọng công tác tập huấn nghiệp vụ, nâng cao kỹ năng của cán bộ, chiến sĩ trực tiếp đấu tranh với tội phạm “tín dụng đen”.

Tuy nhiên, để ngăn chặn và đẩy lùi “tín dụng đen”, các cấp chính quyền, lực lượng liên quan cần tăng cường tuyên truyền, cảnh báo để người dân biết về những hệ quả của “tín dụng đen”; nhận biết những thủ đoạn liên quan đến cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê. Nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, nhất là các quy định về giao dịch, vay mượn sử dụng vốn an toàn. Đồng thời, cần đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân bằng việc mở rộng các nguồn tín dụng ngân hàng cho vay tiêu dùng với lãi suất và thời hạn hợp lý.