Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Môi trường sống

Công chiếu phim tài liệu về bảo tồn động vật, thiên nhiên hoang dã

Nguyệt Anh - 14:50, 19/09/2022

Từ 19 giờ tối ngày 21/9, hai bộ phim tài liệu về đề tài bảo vệ thiên nhiên hoang dã có tên "Bình Yên, về nào!" và "Hành trình tới Xuân Liên" sẽ được công chiếu rộng rãi tới khán giả.

2 bộ phim là sản phẩm của dự án "Sản xuất phim tài liệu sinh thái" năm 2021-2022
2 bộ phim là sản phẩm của dự án "Sản xuất phim tài liệu sinh thái" năm 2021-2022

Hai phim là sản phẩm của dự án "Sản xuất phim tài liệu sinh thái" năm 2021-2022, do Viện Goethe tại Việt Nam phối hợp với Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và phát triển (CCD), Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã nước Việt (Four Paws Việt) thực hiện.

Cụ thể, hai phim sẽ được công chiếu trực tiếp tại Phòng đa năng, Viện Goethe Hà Nội (56-60 Nguyễn Thái Học) và trực tuyến qua nền tảng Zoom. Khán giả quan tâm cần đăng ký theo hướng dẫn trên trang fanpage Viện Goethe Hà Nội.

 “Bình Yên, về nào!” tái hiện sinh động cuộc sống của những cá thể gấu và người chăm sóc gấu tại Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình (thuộc tổ chức Four Paws Việt). Đó là những thước phim phản ánh chân thực nỗi đau của những chú gấu từng là nạn nhân của nạn nuôi nhốt gấu lấy mật, hành trình phục hồi của chúng tại cơ sở bảo tồn và tâm tư của những người chăm sóc chúng. Nhà làm phim thông qua những hình ảnh mang tính gợi mở và nhiều cảm xúc mong muốn khơi gợi cho người xem sự đồng cảm với động vật và thế giới tự nhiên.

Một cá thể gấu bị nuôi nhốt trái phép được chuyển giao cho Cơ sở Bảo tồn gấu tại Ninh Bình. (Ảnh minh họa: Minh Đức/TTXVN)
Một cá thể gấu bị nuôi nhốt trái phép được chuyển giao cho Cơ sở Bảo tồn gấu tại Ninh Bình. (Ảnh minh họa: Minh Đức/TTXVN)

Còn "Hành trình tới Xuân Liên" hứa hẹn kể về những nỗ lực hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, kết nối con người với thiên nhiên ở Xuân Liên, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Tại đây, bộ phim cho thấy giá trị đa dạng sinh học cao có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với cuộc sống và bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc Thái phía Tây tỉnh Thanh Hóa.

Kèm sau hai buổi chiếu phim gồm có buổi thảo luận của khán giả với các nhà làm phim, chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn hoang dã, hoạt động vì phúc lợi động vật. Diễn giả gồm Tiến sỹ Sinh học Nguyễn Mạnh Hà (CCD) với nhiều kinh nghiệm chống tội phạm về động vật hoang dã trong khu vực, bà Ngô Mai Hương-Giám đốc Four Paws Việt và Cơ sở Bảo tồn gấu Ninh Bình (BSNB).

Ban Tổ chức chương trình (gồm các nhà làm phim) từng nhận định tại Việt Nam, thể loại phim tài liệu không được đánh giá cao hơn và "săn đón" nhiều như nước ngoài. Trên cơ sở đó, dự án được coi là một là cơ hội tốt giúp khắc phục tình trạng này đồng thời góp phần nâng tầm cho các nhà làm phim tài liệu Việt Nam thông qua việc quảng bá các bộ phim ra cộng đồng quốc tế.

Tin cùng chuyên mục