Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Công nghiệp chế biến không theo kịp sản lượng nông sản: Điểm nghẽn từ chính sách thu hút đầu tư

Thúy Hồng - 19:19, 26/11/2020

Trong những năm vừa qua, Việt Nam đang được xem là một trong những quốc gia xuất khẩu rau củ quả hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, do lĩnh vực chế biến rau quả và một số các mặt hàng nông sản khác còn hạn chế, chưa đáp ứng kịp với sản lượng sản xuất... dẫn đến chuỗi giá trị gia tăng đối với các mặt hàng này còn thấp.

Muốn thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản, cần phải có những chính sách thu hút phù hợp
Muốn thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản, cần phải có những chính sách thu hút phù hợp

Ngành chế biến chưa theo kịp sản lượng nông sản

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT), từ năm 2015-2019, ngành rau quả chế biến đã có bước phát triển mạnh so 5 năm trước, khi tốc độ tăng trưởng hàng năm bình quân 8-10%. Nhờ công nghiệp chế biến rau quả tăng, mà các mặt hàng xuất khẩu tăng bình quân 20-30%/năm trong 3 năm vừa qua. 

Hiện nay cả nước có trên 1 triệu ha cây ăn quả, với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu liên tục và rất đều đặn tập trung ở một số địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và một số tỉnh phía Bắc như Sơn La … Kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt hơn 3,74 tỷ USD, chiếm 9,3% tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản. 

Tuy nhiên, "điểm nghẽn" hiện nay trong phát triển ngành rau quả, là lĩnh vực chế biến, dù  3 năm gần đây, trên địa bàn cả nước các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến bảo quản trái cây tăng mạnh, gấp 3 lần so với trước đó, với 7.500 cơ sở chế biến bảo quản trái cây, rau củ và khoảng 156 nhà máy chế biến có dây chuyền, công nghệ hiện đại.

Nhưng trên thực tế, ngành chế biến chỉ mới đáp ứng sơ chế 8 - 10% sản lượng rau quả sản xuất ra hàng năm. Đến nay, hơn 85% rau quả xuất khẩu chưa qua chế biến; việc tiêu thụ vẫn ở dạng tươi hoặc sơ chế bảo quản là chủ yếu, tổn thất sau thu hoạch còn quá cao khoảng trên 20%.

Theo ông Lê Quang Tú, Trưởng phòng Chế biến và Bảo quản sau thu hoạch (Bộ NN&PTNT), so với yêu cầu phát triển và hội nhập trong điều kiện cạnh tranh mới, thì ngành chế biến rau quả vẫn đang đối mặt với nhiều tồn tại, hạn chế. Sản lượng rau quả sản xuất ra hàng năm, đóng góp vào giá trị gia tăng của rau quả hàng hoá còn thấp, chưa tạo được chuyển biến mạnh mẽ đối với việc thay đổi cơ cấu cây trồng.

Tháo gỡ nút thắt để doanh nghiệp đầu tư vào chế biến

Trong giai đoạn 2021-2030, nước ta đã đặt ra mục tiêu, phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 8-10 tỷ USD; trong đó rau quả chế biến đạt 30% trở lên; giảm tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch mỗi năm từ 1-1,5%; trên 70% cơ sở chế biến, bảo quản rau quả xuất khẩu đạt trình độ và năng lực công nghệ sản xuất tiên tiến; công suất chế biến rau quả đạt 2 triệu tấn sản phẩm/năm. Đến năm 2030, nông nghiệp Việt Nam đứng trong số 15 nước phát triển nhất thế giới, trong đó ngành chế biến nông sản đứng trong tốp 10 nước hàng đầu thế giới,và là một trong 5 quốc gia xuất khẩu rau quả hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, lĩnh vực chế biến rau quả chưa đáp ứng sản lượng sản xuất nông nghiệp hiện nay, và vẫn đang là nút thắt trong chuỗi giá trị ngành nông nghiệp.

PGS.TS Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho biết: Thời gian qua, nước ta mới chỉ tập trung cho các doanh nghiệp lớn khai thác chế biến nông nghiệp, chưa có cơ chế dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã quy hoạch khu vực chế biến ở gần khu vực trồng nguyên liệu.

Trong khi đó, các doanh nghiệp đầu tư vào ngành chế biến nông sản cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các thông tin về quy hoạch phát triển nông nghiệp của các địa phương; cũng như các công nghệ chế biến nông sản hiện đại và nguồn vốn ưu đãi.

Theo ông Ưng Thế Lãm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã lâm nông Minh Bạch, để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào ngành chế biến nông sản, Nhà nước và ngành nông nghiệp cần có cơ chế  cụ thể; đồng thời giữ vai trò kết nối người nông dân, doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp xuất khẩu thành một chuỗi liên tục. 

Bên cạnh đó, cần có chính sách giúp doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn lực, nguồn vốn ưu đãi đầu tư vào chế biến nông sản, đặc biệt là đối với khu vực vùng DTTS và miền núi; tiếp cận với việc chính sách về quy hoạch đất đai để xây dựng các nhà xưởng gần với vùng nguyên liệu. Đồng thời, cần rà soát, quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp theo vùng, theo quy mô liên kết vùng trên cơ sở cung - cầu … Có như vậy, mới có thể thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào ngành chế biến nông sản, góp phần nâng cao giá trị và củng cố thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới.

Ông Nguyễn Văn Thứ, Giám đốc Công ty GC Food:

Cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích cho doanh nghiệp đầu tư vào ngành chế biến nông sản

Công nghiệp chế biến đã tạo ra nhiều sản phẩm mới, chất lượng và an toàn cho người sử dụng, đặc biệt là thời hạn sử dụng lâu nên không bị ảnh hưởng nhiều khi chuỗi logistics bị đứt gãy. Do vậy, nhà nước thu hút đầu tư vào lĩnh vực này là hết sức đúng đắn.

Nhiều doanh nghiệp đang có chiều hướng đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản, nhưng khó khăn hiện nay của doanh nghiệp là chưa tiếp cận được các thông tin quy hoạch về đất đai để xây dựng các nhà xưởng tại các địa phương, chưa tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, nguồn nguyên liệu và công nghệ chế biến rau quả hiện đại…

Tin cùng chuyên mục
Khát vọng vươn lên của đồng bào DTTS ở huyện biên giới Sa Thầy

Khát vọng vươn lên của đồng bào DTTS ở huyện biên giới Sa Thầy

Cái nghèo khó đang dần lùi xa, cuộc sống mới sung túc hơn đang dần hiện hữu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) huyện biên giới Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Điều đó, minh chứng khát vọng vươn lên của đồng bào DTTS và việc triển khai các chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho vùng đồng bào DTTS đang phát huy hiệu quả.