Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Cộng sinh với rừng

PV - 16:31, 17/09/2019

Nước ta đang tích cực thực hiện chủ trương “đóng cửa rừng”. Do đó, người dân không thể phụ thuộc vào các sinh kế cũ mà cần tạo ra các sinh kế mới, phù hợp với việc bảo vệ phát triển rừng. Những năm qua, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang đã phát huy rất tốt điều này.

Trồng rừng trước, nuôi gà sau

Là một huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang, Yên Thế có diện tích đất lâm nghiệp khá lớn (chủ yếu đồi núi thấp) với trên 13,2 nghìn km2 chiếm 44%, DTTS chiếm gần 20%. Những năm qua, cùng với việc khai thác trực tiếp nguồn lợi từ rừng, người dân Yên Thế còn tìm nhiều cách phát triển các ngành nghề để cộng sinh với rừng.

Anh Nguyễn Văn Tuấn, bản Đống Cao (xã Canh Nậu) chia sẻ, ngay từ năm 1995, gia đình anh đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng phủ xanh toàn bộ 2ha đất trống bằng keo lai, bạch đàn.

Những rừng cây này đã tạo ra môi trường mát mẻ, phù hợp thả gà đồi. Từ đó, kết hợp với trồng rừng anh đã chăn thả hàng nghìn con gà. Thu nhập mỗi năm từ chăn nuôi đạt 150-200 triệu đồng.

Trồng cây ăn quả và nuôi gà đem lại lợi ích kép cho người dân.' Trồng cây ăn quả và nuôi gà đem lại lợi ích kép cho người dân.'

Tương tự, anh Ngô Thế Long ở thôn Tân Hồng (xã Đồng Tâm) chia sẻ, gia đình anh có diện tích vườn đồi khá lớn. Trước đây, anh tập trung trồng các loại cây ăn quả như vải thiều, cam, bưởi… Từ năm 2004, anh nuôi 7.000 con gà, chủ yếu là giống gà mía lai trong vườn đồi của mình.

Anh Long cho biết, với không gian rộng, đàn gà của anh thường xuyên được vận động. Ngoài thức ăn chính, gà được bổ sung dinh dưỡng từ cỏ cây, côn trùng trong vườn, giúp khỏe mạnh, ít bị bệnh, chất lượng thịt thơm ngon. Sau khoảng 3,5 tháng, gà đạt trọng lượng trung bình 2,3-2,5kg/con thì anh Long cho xuất bán. Mỗi năm, gia đình thu nhập trên dưới 200 triệu đồng.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đông, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Thế cho biết, đàn gà của huyện duy trì 3,5 triệu con trở lên. Hằng năm, người dân xuất bán ra thị trường 12-14 triệu con gà thương phẩm, sản lượng thịt gà xuất chuồng đạt 20.000 tấn và 9,5 triệu quả trứng, giá trị đạt trên 1.400 tỷ đồng. Một trong những “bí quyết” làm nên thương hiệu gà đồi Yên Thế, là người dân biết tận dụng thế mạnh sẵn có ở địa phương là địa hình vườn đồi, không gian rộng. Việc kết hợp trồng rừng và chăn nuôi đã tạo ra lợi ích kép giúp cho kinh tế địa phương phát triển.

Phát triển ngành “công nghiệp” không khói

Trên địa bàn huyện Yên Thế, hiện có nhiều nơi độ che phủ rừng rất cao, phong cảnh đẹp là địa điểm lý tưởng phát triển du lịch. Điển hình như Khu du lịch sinh thái Thác Ngà nằm ở bản Xoan (xã Xuân Lương). Khu du lịch gồm một quần thể các thác nước: Thác Đèo Ngà, thác Đèo Đá, thác Rãnh Cộc với độ cao trung bình 15-30m nằm giữa cánh rừng đại ngàn với diện tích khoảng 400ha. Khí hậu ở đây rất mát mẻ, mùa hè nhiệt độ tại đây thường thấp hơn các vùng lân cận khoảng 3-5oC.

Thác Ngà còn như một khu bảo tồn thiên nhiên, bởi nơi đây có hàng trăm loài động, thực vật quý hiếm đang sinh sống. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có nhiều điểm du lịch hấp dẫn khác như, hồ Ngọc Hai, Bản Ven, núi Dành, núi Đót…

Với những lợi thế này, những năm qua người dân địa phương đã tận dụng để phát triển du lịch.

Khu vực bản Ven (xã Xuân Lương) là nơi quần cư của khoảng 150 hộ gia đình, trong đó có hơn 90% là người Cao Lan. Các hộ dân sinh sống ở đây, ngoài phát triển kinh tế rừng, nay đã được tập huấn phát triển du lịch. Theo đó, nhiều gia đình đã mở các dịch vụ homestay, mở nhà hàng, bán đồ lưu niệm…

“Trong giai đoạn hiện nay, để người dân có thể sống dựa vào rừng, phải phát triển đa dạng sinh kế. Bên cạnh, các ngành nghề truyền thống như trồng rừng, chế biến lâm sản, cần biết phát huy các nguồn lợi khác”, ông Vũ Trí Hải, Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Yên Thế chia sẻ.

Đối với vấn đề du lịch, ngay từ năm 2014, huyện đã có Đề án trình UBND tỉnh để xây dựng Đề án chung phát triển du lịch cộng đồng tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2014-2020. Theo đó, thời gian vừa qua, các cơ quan chuyên môn thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ đối với các khu du lịch sinh thái ở Yên Thế. Cụ thể như, hỗ trợ một số hạng mục cơ sở vật chất, lắp đặt biển chỉ dẫn; tập huấn kỹ năng lễ tân, thuyết minh, hướng dẫn viên; đồng thời tổ chức tour thử nghiệm du lịch cho khách nước ngoài và các công ty lữ hành... tại khu du lịch.

Hy vọng thời gian tới người dân Yên Thế tiếp tục phát huy các sinh kế mới để không chỉ sống dựa vào rừng, mà còn thực sự làm giàu từ rừng, đưa kinh tế địa phương phát triển bền vững.

THIÊN ĐỨC

Tin cùng chuyên mục
Quảng Trị: Vùng đồng bào DTTS và miền núi khởi sắc sau gần 4 năm triển khai Chương trình MTQG 1719

Quảng Trị: Vùng đồng bào DTTS và miền núi khởi sắc sau gần 4 năm triển khai Chương trình MTQG 1719

Sau gần 4 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), đời sống kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Quảng Trị đã có những bước phát triển mới. Nổi bật là cơ sở hạ tầng, nhất là các công trình dân sinh không ngừng được đầu tư, hoàn thiện; Nhiều mô hình sinh kế hình thành và đã phát huy hiệu quả..., góp phần cải thiện đáng kể đời sống của Nhân dân, đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu.