Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Công tác dân vận cần tiếp tục phát huy bài học “Dân vận khéo”

Phương Hạ (thực hiện) - 13:26, 03/02/2022

Năm 2021- năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng diễn ra trong bối cảnh hết sức khó khăn do đại dịch Covid -19. Nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, đất nước ta đã từng bước vượt qua khó khăn, đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong thành tích chung đó, công tác dân vận đã có những đóng góp quan trọng. Nhân dịp Xuân Nhâm Dần 2022, Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương về những kết quả công tác dân vận nói chung, dân vận ở vùng đồng bào DTTS và miền núi nói riêng.

Ông Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương.
Ông Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương.

Từ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, ông đánh giá thế nào về kết quả, bài học công tác dân vận năm 2021 vừa qua , thưa ông?

Ông Phạm Tất Thắng: Năm 2021, hệ thống chính trị cả nước tập trung cho nhiệm vụ trọng tâm phòng, chống dịch Covid-19. Đối phó với một đại dịch chưa từng có trong lịch sử, diễn biến phức tạp, tác động hết sức nặng nề tới mọi mặt đời sống xã hội, sự ủng hộ của người dân với các chủ trương, giải pháp chống dịch của Đảng, Chính phủ vô cùng quan trọng, thậm chí đó là một điều kiện quyết định thành công của công tác phòng, chống dịch. Thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, đẩy nhanh tốc độ bao phủ vắc xin, 5K, …, người dân không đồng thuận thì không thể thành công! Một số quốc gia mạnh về y tế, tài chính, nhưng nhiều người dân quay lưng với chiến dịch tiêm chủng đã khiến cuộc chiến chống dịch gặp nhiều khó khăn...

Nhìn nhận như vậy để thấy rõ hơn vai trò quan trọng của công tác vận động Nhân dân trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cả nước năm 2021. Trong những thời khắc cam go của cuộc chiến chống dịch Covid-19, hệ thống chính trị của chúng ta, nhất là đội ngũ làm dân vận, càng thấm thía sâu sắc lời dạy của Bác Hồ: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, cùng các bài học dân vận khác, nhất là bài học “vì dân”, thể hiện qua quan điểm nhất quán của Chính phủ trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19: “Bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân là trên hết, trước hết”.

Thực hiện tốt công tác dân vận ở cơ sở góp phần quan trọng tạo sự đồng thuận, giữ vững an ninh trật tự vùng DTTS.
Thực hiện tốt công tác dân vận ở cơ sở góp phần quan trọng tạo sự đồng thuận, giữ vững an ninh trật tự vùng DTTS.

Hệ thống Dân vận đã tích cực vận động các tầng lớp Nhân dân tự giác chấp hành, đồng hành cùng cấp ủy Đảng, chính quyền trong phòng, chống dịch Covid-19; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm chăm sóc sức khỏe, bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng. Cán bộ dân vận cùng cán bộ Mặt trận, tổ chức chính trị - xã hội các cấp, luôn bám sát cơ sở, địa bàn, nắm chắc tình hình tư tưởng, tâm trạng xã hội và các tầng lớp Nhân dân; động viên, sẻ chia; kịp thời tham mưu, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền quan tâm giúp đỡ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn; xây dựng, tổ chức nhiều mô hình cũng như các phong trào hoạt động tình nguyện, đồng hành cùng Chính phủ và hỗ trợ người dân một cách sáng tạo...

Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, các mô hình dân vận khéo như “Tổ an toàn Covid cộng đồng”, “Tổ tự quản của Nhân dân”, “Bảo vệ vùng xanh”, “Siêu thị 0 đồng”, các loại cây ATM miễn phí,… được tổ chức và hoạt động đã góp phần quan trọng trong phòng, chống dịch, thực hiện an sinh xã hội cho Nhân dân, nhất là nhóm người yếu thế cũng như hỗ trợ hiệu quả chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19; giữ vững thành quả chống dịch...

Công tác dân vận của cả hệ thống cũng góp phần động viên các tập thể, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ủng hộ, đóng góp, huy động tài lực, vật lực, nhu yếu phẩm, vật tư y tế cho Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19, công tác an sinh xã hội... trị giá tới trên 22.000 tỷ đồng. Những kết quả đó là minh chứng sinh động về phát huy vai trò của Nhân dân, Nhân dân là chủ thể trong phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh; đồng thời, cũng khẳng định đóng góp đáng ghi nhận của lực lượng cán bộ trong hệ thống Dân vận và làm công tác dân vận cả nước.

Phóng viên: Để nâng cao hiệu quả công tác dân vận, góp phần thúc đẩy sự phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), nhiều năm qua, Ban Dân vận Trung ương và Ban Cán sự Đảng Ủy ban Dân tộc đã triển khai Chương trình phối hợp công tác. Ông đánh giá thế nào về kết quả Chương trình này?

Ông Phạm Tất Thắng: Giai đoạn 2016-2020, Chương trình phối hợp giữa Ban Dân vận Trung ương và Ban Cán sự Đảng UBDT (Chương trình) đã nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ về chủ trương, giải pháp xây dựng và hoạch định chính sách dân tộc; là cơ sở để Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ ban hành nhiều chủ trương, chính sách mới về công tác dân tộc và công tác dân vận ở vùng đồng bào DTTS&MN. Đặc biệt, Chương trình đã góp phần nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo hai cơ quan và cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương về công tác dân vận, công tác dân tộc, nhất là vận động đồng bào DTTS&MN nâng cao ý thức và chủ động tham gia xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; bảo vệ khối đại đoàn kết toàn dân tộc gắn với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh Nhân dân vùng đồng bào DTTS, vùng biên giới...

Cán bộ Công an tỉnh Lai Châu tuyên truyền, vận động Người có uy tín tham gia phòng chống ma túy tại các xóm bản.
Cán bộ Công an tỉnh Lai Châu tuyên truyền, vận động Người có uy tín tham gia phòng chống ma túy tại các xóm bản.

Chương trình cũng thúc đẩy đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Ban Dân vận, Ban Dân tộc, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội với các ban, ngành, địa phương và lực lượng vũ trang trong công tác tuyên truyền, vận động và tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ở vùng đồng bào DTTS&MN…

Những tác động của Chương trình là tích cực và rõ nét, góp phần vào công tác xóa đói, giảm nghèo, xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội; bảo vệ, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc; bảo vệ vững chắc biên giới, chủ quyền, lãnh thổ; phản bác thông tin sai trái, đấu tranh với luận điệu xuyên tạc, vu khống và sự lôi kéo của các thế lực xấu, phần tử tiêu cực… Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của vùng đồng bào DTTS&MN 5 năm gần đây đạt mức khá cao, bình quân trên 7%/năm. Đời sống của đồng bào các DTTS&MN ngày càng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh; toàn vùng đồng bào DTTS&MN giảm 2 - 3%/năm, các xã đặc biệt khó khăn giảm 3 - 4%/năm, các huyện nghèo giảm 5 - 6%/năm. Hạ tầng thiết yếu ở thôn, xã được đầu tư, hỗ trợ nâng cấp, hoàn thiện theo chuẩn nông thôn mới. Hộ nghèo, hộ bị thiệt hại bởi thiên tai, hạn hán, đại dịch Covid-19, hộ thiếu đói giáp hạt được hỗ trợ, giúp đỡ phát triển sản xuất, từng bước ổn định đời sống...

Đối với nhiệm vụ phòng, chống đại dịch Covid-19, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, đồng bào các dân tộc ở các địa bàn biên giới, miền núi đã tích cực, chủ động hỗ trợ các lực lượng chức năng, bộ đội Biên phòng phát hiện, ngăn chặn, truy bắt các đối tượng nhập cảnh trái phép, ngăn chặn nguồn lây, tạo điều kiện cho tuyến sau chống dịch đạt kết quả... Cách làm và kết quả đó cho thấy ý nghĩa bài học “Dân vận khéo” sâu sắc và quan trọng như thế nào.

Năm 2022, công tác dân vận trong vùng DTTS&MN cần tập trung cho những vấn đề, nhiệm vụ trọng tâm nào, thưa ông?

Ông Phạm Tất Thắng: Chúng ta đã kiểm soát được đợt bùng phát dịch thứ tư; tuy nhiên, không được phép mất cảnh giác với một đại dịch chưa có tiền lệ, diễn biến phức tạp, liên tục xuất hiện các biến chủng mới. Bên cạnh các nhiệm vụ quan trọng khác trong vùng đồng bào DTTS&MN như xây dựng, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững; bảo vệ, phát huy giá trị và bản sắc văn hóa các dân tộc; chống, đẩy lùi hủ tục; chống luận điệu sai trái và thủ đoạn kích động, chia rẽ các dân tộc; tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân..., phòng, chống dịch Covid-19 vẫn là nhiệm vụ trọng tâm.

Công tác dân vận góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi.
Công tác dân vận góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi.

Để làm tốt những nhiệm vụ này, cần tiếp tục tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS&MN hiểu, ủng hộ và tự giác thực hiện giải pháp phòng, chống dịch của Chính phủ. Nói cách khác, năm 2022, công tác dân vận trong vùng đồng bào các DTTS&MN phải tập trung cho nhiệm vụ trọng tâm, là góp phần động viên người dân trên địa bàn cùng Nhân dân cả nước chiến thắng đại dịch, thực hiện thành công “mục tiêu kép” như chỉ đạo của Chính phủ.

Thứ hai, để nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong tình hình mới, cấp ủy Đảng các địa phương cần tiếp tục chú trọng đổi mới công tác tuyên truyền, vận động phù hợp với đặc điểm tâm lý, văn hóa, điều kiện của đồng bào vùng DTTS, theo phương châm “bám dân - bám bản, dễ hiểu - dễ làm”. Bác Hồ đã dạy: Người làm dân vận “cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh”. Nghĩa là phải lấy thuyết phục, vận động làm đầu, tuyệt đối không áp đặt. Làm dân vận trong vùng đồng bào DTTS&MN thì phương châm trên càng phải được quán triệt, đề cao và vận dụng sáng tạo.

Thứ ba, tiếp tục phát huy vai trò công tác dân vận, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới; Giảm nghèo bền vững và Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030. Cần tiếp tục lan tỏa và nâng cao hiệu quả phong trào “Dân vận khéo”; đề cao và phát huy vai trò của bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ và Người có uy tín, coi đó là những nhân tố làm dân vận nòng cốt, hiệu quả nhất ở cơ sở, địa bàn, phục vụ cho nhiệm vụ chống dịch cũng như xây dựng, phát triển kinh tế; bảo vệ biên cương, lãnh thổ; giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc...

Năm nay, do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, có rất nhiều trẻ em bị mồ côi, mất người thân; rất nhiều người lao động mất việc làm; sản xuất, kinh doanh cũng gặp nhiều khó khăn, nhiều mặt hàng nông sản khó tiêu thụ..., khiến đời sống của nhiều gia đình gặp nhiều khó khăn. Do vậy, rất cần các tổ chức, cộng đồng xã hội tiếp tục chung tay quan tâm chăm lo cho trẻ em mồ côi, chăm lo cho người nghèo, người gặp khó khăn để mọi người dân đều có Tết ấm áp, theo tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau” của Đảng và Nhà nước ta.

Trân trọng cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn Báo Dân tộc và Phát triển dịp đầu Xuân.