Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Công ty TNHH giống cây trồng vật nuôi Tân Thành: Cung cấp bò bệnh, cây giống kém chất lượng cho dân nghèo

PV - 15:39, 05/03/2019

Theo phản ánh của nhiều hộ dân vừa qua, họ phải nhận bò giống bị nhiễm bệnh và cây keo giống kém chất lượng từ các chương trình chính sách. Được biết, số cây con giống này đều được Công ty TNHH giống cây trồng vật nuôi Tân Thành (Công ty Tân Thành), địa chỉ huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị cung cấp.

Ép dân nghèo nhận bò lở mồm long móng

Ông Đinh Thanh Cường ở thôn Cây Dầu, xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình phản ánh: Cuối năm 2018, gia đình được hỗ trợ 1 con bò từ chính sách của Nhà nước. Theo đó, cán bộ đã hướng dẫn người dân nhận bò từ Công ty Tân Thành. Tuy nhiên, việc cung cấp bò của Công ty này rất lạ. Lần đầu, công ty đưa chúng tôi về trại bò ở huyện Bố Trạch nhưng không cho chọn bò. Tại đây, người dân phát hiện bò ở đây bị bệnh lở mồm long móng nên không nhận. Thế nhưng bỏ ngoài tai ý kiến của người dân, lần thứ hai, công ty này lại tiếp tục đưa các hộ trở lại trại bò cũ, nhưng cũng không cho chọn mà ép phải bốc thăm. “Tôi bốc thăm một con bò trị giá 11 triệu đồng. Họ chở lên cho gia đình được vài ngày thì phát bệnh, nay bò đã chết, còn lây qua 5 con trâu bò khác của gia đình khiến chúng tôi kiệt quệ”, ông Cường cho biết.

Công ty Tân Thành cấp bò bệnh khiến đàn gia súc toàn xã Xuân Hóa phát dịch bệnh và chết, người nghèo càng nghèo thêm. Công ty Tân Thành cấp bò bệnh khiến đàn gia súc toàn xã Xuân Hóa phát dịch bệnh và chết, người nghèo càng nghèo thêm.

Đáng buồn hơn, nhiều trâu, bò đang khỏe mạnh tại địa phương đã bị lây lan dịch bệnh. Như trường hợp gia đình ông Đinh Thanh Xinh ở thôn Quy Hợp có 11 con trâu, bò đang khỏe mạnh. Khi hàng xóm phải nhận bò dịch lở mồm long móng về, thì 11 con bò của gia đình ông đổ bệnh, khiến ông tốn hàng triệu đồng chạy chữa, hiện bò chưa khỏi.

Được biết, cuối năm 2018, Công ty Tân Thành cung cấp 130 con bò giống cho 130 hộ nghèo và cận nghèo xã Xuân Hóa. Nguồn vốn do UBND huyện cấp về xã, mỗi con có giá khoảng 11 triệu đồng, trong đó dự án hỗ trợ 7 triệu đồng, số còn lại người dân bỏ tiền đối ứng, UBND xã Xuân Hóa được giao làm chủ đầu tư.

Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND xã Xuân Hóa, số bò ở địa phương bị lở mồm long móng lây từ bò của Công ty Tân Thành đến 66 con, hiện đã có 6 con chết. Cùng đó, bệnh đã lan sang đàn lợn, khiến 85 con nhiễm bệnh, trong đó có 12 con đã chết.

Không riêng gì xã Xuân Hóa, số bò mà công ty này cung cấp cho xã Yên Hóa, thị trấn Quy Đạt cũng bị nhiễm bệnh lở mồm long móng. Tại xã Yên Hóa có 3 con bò bị nhiễm bệnh đã chết.

Theo ông Đoàn Ngọc Lâm, Bí thư Huyện ủy Minh Hóa, ngay sau khi có thông tin, trực tiếp Bí thư Huyện ủy đã trực tiếp đi kiểm tra và đã nghiêm khắc nhắc nhở địa phương vì việc để cán bộ địa bàn làm sai quy trình khi dịch bệnh xảy ra. Đáng ra, cán bộ thú y phải phối hợp ứng cứu, thì lại để dân tự tiêu hủy, tự cứu chữa dẫn đến tình trạng bò dịch bị lây lan, người nông dân bị thiệt thòi.

“Huyện sẽ cho kiểm tra làm rõ sự việc và kiểm điểm nghiêm túc vì sao để nguồn bò bị bệnh lọt vào huyện cấp cho hộ nghèo. Sai đến đâu xử lý đến đấy, không thể để người nghèo hứng chịu như thế này”, ông Lâm nói.

Được biết, năm 2017, Công ty Tân Thành cũng đã từng trao bò bệnh cho xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa khiến người dân một phen chống dịch vất vả, thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Cấp giống cây không đúng chủng loại

Cũng tại địa phương này, người dân thông tin thêm, ngoài việc cấp bò nhiễm bệnh. Công ty Tân Thành còn cung cấp hơn 15.000 cây keo lai không đúng chủng loại quy hoạch.

Cụ thể, mùa trồng rừng năm 2018-2019, UBND huyện Minh Hóa hỗ trợ người dân của xã 30.100 cây keo lai cấy mô. Công ty Tân Thành nhận cung ứng với giá mỗi cây 2.600 đồng, trong đó huyện hỗ trợ 2.000 đồng mỗi cây, số còn lại người dân đối ứng. Tuy nhiên, Công ty Tân Thành đã tráo nguồn giống keo lai từ cấy mô sang giâm hom khiến người dân không đồng tình.

Theo một cán bộ nông nghiệp địa phương, giống keo lai cấy mô có đặc thù sinh trưởng tốt, chống chọi với thời tiết khắc nghiệt, vượt được bão lớn. Trong khi đó, giống keo giâm hom chỉ có giá 500-600 đồng mỗi cây, không chịu được thời tiết khắc nghiệt, dễ ngã đổ do mưa bão.

Nhiều người dân tại địa phương bức xúc cho biết, giống keo cấy mô 2.600 đồng tính sơ sơ mỗi cây, còn keo giâm hom chỉ chừng 500-600 đồng thì đơn vị này đã lấy chênh lệch 2.000 đồng. Dư luận cho rằng, trong số cây đã cấp có hơn 15.000 cây keo giống giâm hom.

Trước phản ứng mạnh mẽ của người dân, ông Đinh Thanh Xuân, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Hóa cho biết: “Chúng tôi kiên quyết không thu nhận giống keo không đúng quy hoạch của huyện hỗ trợ”.

Được biết, năm 2016, Công ty này cũng đã bán hơn 300 triệu đồng tiền giống đậu phộng (lạc) dởm khiến dân xã Trung Hóa, huyện Minh Hóa điêu đứng. Cơ quan chức năng yêu cầu Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thu hồi số tiền trên nhưng hiện nay Công ty Tân Thành vẫn không hoàn trả.

Điều lạ là trong suốt thời gian qua, Công ty Tân Thành đã cung ứng nhiều nguồn hàng kém chất lượng nhưng vẫn được chính quyền địa phương ở huyện Minh Hóa tín nhiệm. Đây là “uẩn khúc” lớn mà chính quyền huyện Minh Hóa, cũng như tỉnh Quảng Bình cần sớm trả lời dư luận.

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ tiếp tục theo dõi thông tin và phản ánh tới bạn đọc trong các số báo tiếp theo.

Q.TRÂM-N.QUYỀN

Tin cùng chuyên mục
Đăk Hà (Kon Tum): Chính quyền đem đất công cho dân mượn và giao đất không qua đấu giá

Đăk Hà (Kon Tum): Chính quyền đem đất công cho dân mượn và giao đất không qua đấu giá

Thời gian qua, nhiều vụ việc sai phạm về lĩnh vực đất đai trên địa bàn huyện Đăk Hà (Kon Tum) đã được các cơ quan chức năng chỉ ra và hiện vẫn chưa khắc phục xong. Một trong nhiều vụ việc nổi cộm là vào tháng 1/2022, Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà đã ký văn bản đồng ý cho hộ gia đình ông Hà Quang Tứ mượn tạm 372m2 đất ở đô thị ngay giao lộ Hùng Vương – Hoàng Thị Loan (khu vực đất đắc địa bật nhất ở thị trấn Đăk Hà) để xây dựng nhà kho kinh doanh vật liệu xây dựng; đến tháng 12/2022 thì UBND huyện Đăk Hà đã có 02 Quyết định giao đất có thu tiền sử dụng đất cho hộ gia đình ông Hà Quang Tứ nhưng không qua đấu giá. Liệu những việc làm này có đúng với quy định của pháp luật, đó là vấn đề mà dư luận trên địa bàn huyện Đăk Hà đang đặt ra hiện nay?