Tuyên bố chính thức được đưa ra tại Glasgow cho biết, điều quan trọng là phải hạn chế sự nóng lên toàn cầu do canh tác, phá rừng và các thay đổi sử dụng đất khác chiếm khoảng 1/4 lượng khí thải làm nóng hành tinh.
Vào ngày 6/11, các cuộc đàm phán COP26 sẽ tập trung vào cách để tranh thủ thiên nhiên để giữ cho mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu lên 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, tham vọng khó khăn nhất của Thỏa thuận khí hậu Paris năm 2015. Nhiệt độ bề mặt trung bình đã tăng lên khoảng 1,2 độ C.
Bộ trưởng Môi trường Vương quốc Anh George Eustice cho biết: “Để giữ cho mức tăng ở 1,5 độ, chúng ta cần hành động từ mọi thành phần trong xã hội, bao gồm cả sự chuyển đổi khẩn cấp trong cách chúng ta quản lý hệ sinh thái và phát triển, sản xuất và tiêu thụ thực phẩm trên quy mô toàn cầu".
Ông nói thêm: “Chúng ta cần đặt con người, thiên nhiên và khí hậu làm trọng tâm trong hệ thống thực phẩm của mình".
Tuyên bố cho biết, 45 chính phủ sẽ “cam kết hành động và đầu tư khẩn cấp để bảo vệ thiên nhiên và chuyển sang các phương thức canh tác bền vững hơn”.
Những quốc gia ủng hộ bao gồm các nền kinh tế lớn do Mỹ, Nhật Bản và Đức dẫn đầu và các quốc gia đang phát triển như Ấn Độ, Indonesia, Maroc, Việt Nam, Philippines, Gabon, Ethiopia, Ghana và Uruguay.
Tuyên bố không đưa ra tổng số tiền tài trợ, nhưng cho biết các biện pháp sẽ bao gồm "tận dụng hơn 4 tỷ USD đầu tư mới của khu vực công vào đổi mới nông nghiệp, bao gồm phát triển các loại cây trồng thích ứng với khí hậu và các giải pháp tái tạo để cải thiện sức khỏe của đất".
Trong số các biện pháp, Anh cho biết sẽ tăng 500 triệu bảng Anh để bảo vệ hơn 5 triệu ha - tương đương với hơn 3,5 triệu sân bóng đá - của các khu rừng mưa nhiệt đới và tạo ra hàng nghìn việc làm xanh trên khắp châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latinh.
Phát thải khí nhà kính từ việc sử dụng đất bao gồm khí carbon dioxide thải ra do đốt rừng để dọn đất làm nông nghiệp, đến khí methane từ bò và các vật nuôi khác khi chúng tiêu hóa thức ăn.
Tuyên bố về thiên nhiên do Vương quốc Anh dẫn đầu lưu ý rằng, việc giải phóng mặt bằng để sản xuất thực phẩm như “thịt bò, đậu nành, dầu cọ và ca cao là nguyên nhân chính dẫn đến nạn phá rừng”.
Tuyên bố cho biết, 28 quốc gia là những người tiêu thụ lớn những mặt hàng đó đã tham gia Lộ trình Thương mại lâm nghiệp, nông nghiệp và hàng hóa (FACT) được đưa ra vào tháng 2 năm nay./.