Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Covid-19 làm bùng nổ nhà kính công nghệ cao tại Trung Quốc

Duy Ly (biên dịch theo Reuter) - 15:02, 22/06/2021

Trung Quốc – đất nước có ngành nông nghiệp phát triển hưng thịnh, nhưng hai năm qua cũng lao đao ít nhiều trong khâu logistic (khâu trung gian vận chuyển hàng hoá) do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Nông sản được trồng ra chưa đến tay người tiêu dùng đã bị hư hỏng do gián đoạn trong quá trình vận chuyển. Vì vậy mà mô hình nhà kính công nghệ cao (vốn đã tồn tại từ lâu) bùng nổ như một lẽ tất yếu giúp giải quyết vấn đề này.

Nông dân thu hoạch dưa chuột tại nhà kính Hengda ở Thượng Hải
Nông dân thu hoạch dưa chuột tại nhà kính Hengda ở Thượng Hải

Hình thành một xu hướng mới

Những ngày này, tại đảo Sùng Minh ngay phía bên ngoài thành phố đông dân Thượng Hải, nông dân đang tiến hành thu hoạch và đóng gói cà chua, dưa chuột tại nhà kính do Công ty Food Ventures của Hà Lan vận hành. Đây là một trong số hàng chục nhà kính mọc lên ở ngoại ô các siêu đô thị của Trung Quốc, sử dụng công nghệ cao để quản lý nhiệt độ, ánh sáng và hệ thống tưới tiêu.

Dirk Aleven, Giám đốc Food Ventures cho biết: “Hiện nay, Trung Quốc đang phát triển và hướng  tới nguồn cung ứng bền vững và chuyên nghiệp. Đó là, nông sản sẽ được trồng ngay tại chính nơi tiêu thụ, thay vì phải vận chuyển hàng ngàn cây số, từ nơi sản xuất đi đến các điểm tiêu thụ trên cả nước, kể cả những vùng biên giới xa xôi như trước”.

Việc trồng rau trong nhà kính đã được ứng dụng trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, sự gián đoạn cung ứng thực phẩm bởi dịch bệnh Covid-19 trong hai năm qua, đã thúc đẩy mô hình này phát triển nhanh chóng.

Diện tích được sử dụng cho nhà kính bằng kính đã tăng 28% vào năm 2020, cao hơn mức tăng 5,9% ghi nhận vào năm 2019; đồng thời, tăng trưởng 6% so với các khu vực sử dụng nhà kính bằng nhựa với giá thành rẻ hơn.

Nhà kính nhựa cũng giúp che chắn cho cây trồng, nhưng được đánh giá là kém hiệu quả hơn. Nhà kính bằng kính có thể tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, bán trực tiếp cho các nhà bán lẻ, giảm sự phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng truyền thống.

Ông Dirk Aleven, Giám đốc Food Ventures nhấn mạnh: “Sức khoẻ tốt chính là biện pháp bảo vệ đầu tiên chống lại vi rút, vì vậy mọi người dành sự quan tâm lớn đến những gì họ ăn. Vì vậy, chúng tôi hướng đến cắt giảm khâu trung gian và bản địa hoá nó càng nhiều càng tốt”.

Nông dân đóng gói nông sản theo quy chuẩn để giao đến các siêu thị
Nông dân đóng gói nông sản theo quy chuẩn để giao đến các siêu thị

Bỏ qua khâu trung gian

Trước đây, sản xuất nông sản của Trung Quốc tập trung ở một số khu vực nhất định, và cần có mạng lưới hậu cần phức tạp, giúp đưa các sản phẩm tiếp cận thị trường các thành phố lớn.

Tính “dễ bị tổn thương” của hệ thống đó, thể hiện rõ trong hai năm qua. Dịch Covid-19 bùng phát tại một chợ hải sản ở Vũ Hán, đã gây ra sự cố trong lưu thông hàng hóa, dẫn đến tình trạng thiếu lương thực và cây trồng bị hư hỏng nhiều.

Còn theo xu hướng mới, các sản phẩm sẽ được bán trực tiếp cho các sàn thương mại điện tử và siêu thị, bỏ qua nhiều trung gian và chợ đầu mối vốn là đặc điểm truyền thống của chuỗi cung ứng rau nước này.

Theo thông tin từ Công ty Carrefour China - Công ty có 80% cổ phần thuộc sở hữu của hệ thống bán lẻ Suning Trung Quốc cho thấy, sự hợp tác của công ty này với các nhà kính xung quanh thành phố, đã giúp họ phát triển ổn định trong hai năm đại dịch hoành hành.

Còn theo Lim Xin Yi, Giám đốc điều hành của Pinduoduo – một trong những nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc cho biết: “Chúng tôi nhận thấy một xu hướng không thể đảo ngược kể từ khi xuất hiện đại dịch. Người tiêu dùng mua hàng nông sản trực tuyến nhiều hơn và chi tiêu nhiều hơn cho các thương hiệu nông nghiệp mà họ tin tưởng”.

Mở rộng mô hình và những thách thức

Một tài liệu gần đây của Chính phủ cho thấy nhiều khả năng mô hình này sẽ tăng trưởng hơn nữa ở các thành phố trọng điểm, trong đó có Bắc Kinh. Thành phố này đặt mục tiêu tăng gấp đôi diện tích đất nông nghiệp công nghệ cao lên hơn 300 ha vào năm 2025, và nhiều khả năng sẽ tăng trưởng hơn nữa ở các thành phố trọng điểm.

Sự tăng trưởng đó sẽ giúp củng cố thêm vị thế của Trung Quốc với tư cách là nhà sản xuất nông sản hàng đầu. Hiện nay, nước này đang chiếm hơn 75% sản lượng toàn cầu về dưa chuột, đậu xanh, rau bina và măng tây.

Xu Dan, Giám đốc điều hành của công ty nhà kính Beijing HortiPolaris tại Bắc Kinh cho biết: làn sóng covid-19 thứ hai tấn công Bắc Kinh vào tháng 6 năm ngoái, đã khiến cho thị trường bán buôn bị thiệt hại, nhưng lại giúp cho công ty của ông tăng 300% lượng đặt hàng.

Ông cho biết thêm, mặc dù đạt được hiệu quả cao, song vẫn tồn tại nhiều thách thức, trong đó thách thức lớn nhất là con người, thiếu những người có kiến ​​thức quản lý nhà kính để đảm bảo quá trình sản xuất nông sản chất lượng. Đồng thời, hiện nay, phần lớn nông dân đang già đi và cách thức sản xuất của họ cũng lạc hậu, việc thay thế số lượng nông dân lớn như vậy thực sự rất khó khăn...