Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc - Tôn giáo

Cú hích chiến lược làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Tạo động lực phát triển bền vững từ nền tảng bản sắc văn hóa - Bài 4

Hà Anh - 10:58, 23/04/2025

Một trong những dấu ấn nổi bật của Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi chính là cách tiếp cận không tách rời phát triển kinh tế với gìn giữ bản sắc văn hóa. Trong đó, các yếu tố như nghi lễ và lễ hội truyền thống, trang phục… vốn là linh hồn của cộng đồng, đang từng bước được phục hồi và bảo tồn một cách có hệ thống, bài bản và hiệu quả.

Dự án 6, đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số.
Dự án 6 đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số

Phục dựng, bảo tồn hiệu quả vốn văn hóa truyền thống

Việc triển khai các dự án thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, đặc biệt là Dự án 6, đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số. Nhiều địa phương đã tích cực thực hiện các hoạt động nghiên cứu, phục dựng lễ hội, sưu tầm và số hóa văn hóa truyền thống. Các nghi lễ cưới hỏi, lễ hội mừng lúa mới, lễ cấp sắc hay lễ hội nhảy lửa... được tái hiện không phải chỉ để biểu diễn, mà thực sự sống trong cộng đồng, gắn với sản xuất đời sống thường nhật.

Đây không chỉ là giải pháp tình thế nhằm “giữ lại những gì đang mất”, mà còn thể hiện một cách tiếp cận khoa học và bền vững trong chiến lược bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số (DTTS) trong bối cảnh hiện đại hóa và toàn cầu hóa. Bởi, trước hết, nhiều lễ hội truyền thống vốn là hạt nhân văn hóa của cộng đồng các DTTS đang từng đứng trước nguy cơ mai một hoặc biến dạng.

Nguyên nhân không chỉ đến từ sự lan rộng của đời sống thị thành hay dòng di cư lao động khiến lớp trẻ xa rời bản làng, mà còn từ sự xâm thực của văn hóa đại chúng khiến những giá trị truyền thống không còn được hiểu đúng hoặc thực hành đầy đủ. Những lễ hội như Lễ hội Gầu Tào của người Mông, Lễ hội Xên bản – Xên mường của người Thái, Lễ Tết nhảy của người Dao, Lễ mừng cơm mới của người Mạ..., từng có thời bị lãng quên hoặc tổ chức một cách hời hợt, nay đã được phục dựng nghiêm túc dựa trên nghiên cứu khoa học, ký ức tập thể và sự tham gia trực tiếp của người dân bản địa.

Sự phục dựng ấy không đơn thuần là tái hiện lại các nghi thức cũ để biểu diễn, mà là tái sinh không gian văn hóa, trong đó người dân vừa là chủ thể vừa là người thụ hưởng. Chính họ, chứ không ai khác, là người kể lại truyền thống, mặc lại trang phục xưa, tái hiện nghi lễ theo đúng lệ làng, truyền lại tiếng nói, làn điệu, những tập tục gắn liền với đời sống sinh hoạt. Điều này không chỉ khơi dậy niềm tự hào văn hóa trong cộng đồng mà còn giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về cội nguồn của mình, từ đó có ý thức tiếp nối.

Đơn cử, tại tỉnh Quảng Nam, Lễ Mừng lúa mới của đồng bào Ca Dong đã được phục dựng với sự tham gia đông đảo của người dân địa phương, nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các DTTS miền núi. Tại tỉnh Khánh Hòa, Lễ ăn mừng đầu lúa mới của đồng bào Raglai cũng được tổ chức trong khuôn khổ Dự án 6, góp phần quảng bá và giữ gìn nét văn hóa đặc sắc của dân tộc này. Ngoài ra, Lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn ở Hà Giang đã được tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa, du lịch đặc sắc, thu hút sự quan tâm của du khách và góp phần bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia... ​

Chương trình Mục tiêu quốc gia không chỉ cứu vãn các di sản đang mai một, mà đang từng bước thiết lập một hệ sinh thái văn hóa bền vững cho các dân tộc thiểu số
Chương trình MTQG không chỉ cứu vãn các di sản đang mai một, mà đang từng bước thiết lập một hệ sinh thái văn hóa bền vững cho các DTTS

Với cách tiếp cận đó, Chương trình MTQG không chỉ cứu vãn các di sản đang mai một, mà đang từng bước thiết lập một hệ sinh thái văn hóa bền vững cho các DTTS – nơi truyền thống không bị bảo tồn theo kiểu “đóng khung”, mà được sống lại, lan tỏa và thích ứng trong dòng chảy hiện đại.

Biến di sản thành tài sản phục vụ phát triển cộng đồng

Bên cạnh việc phục dựng các lễ hội truyền thống, các mô hình du lịch cộng đồng tại các bản làng DTTS cũng được phát triển, không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho người dân mà còn là không gian sống động để gìn giữ phong tục, tiếng nói và lối sống bản địa. Việc kết hợp giữa bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch đã tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, góp phần nâng cao đời sống kinh tế và tinh thần cho cộng đồng DTTS.

Việc phát triển các mô hình du lịch cộng đồng tại bản làng người DTTS không đơn thuần là một hướng đi kinh tế, mà đã trở thành chiến lược hai trong một: vừa bảo tồn văn hóa, vừa phát triển sinh kế bền vững. Dưới tác động của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, các mô hình này ngày càng thể hiện rõ tính hiệu quả, khả thi và lan tỏa.

Ví dụ, tại bản Nà Tâu (tỉnh Điện Biên) – nơi sinh sống của đồng bào Thái – mô hình du lịch cộng đồng đã giúp người dân vừa tăng thu nhập nhờ đón khách quốc tế, vừa bảo tồn những làn điệu dân ca Thái cổ và nghề thêu truyền thống. Tương tự, bản Sin Suối Hồ (Phong Thổ, Lai Châu) – nơi cộng đồng người Mông chủ động làm du lịch – đã trở thành hình mẫu về sự hòa quyện giữa gìn giữ văn hóa và cải thiện sinh kế. Những sản phẩm thủ công như thổ cẩm, rượu ngô, mật ong rừng được giới thiệu và bán trực tiếp cho du khách, góp phần làm sống lại các nghề truyền thống vốn từng mai một.

Trái với mô hình du lịch truyền thống nơi khách chỉ “đến – xem – rồi đi”, du lịch cộng đồng tại vùng DTTS tạo ra trải nghiệm sống thực: du khách ở trong nhà sàn, cùng ăn món địa phương, mặc trang phục truyền thống, tham gia dệt vải, giã cốm, lên rẫy, xuống suối… Chính trong sự tương tác thường nhật ấy, phong tục, tiếng nói, tập quán và nhịp sống bản địa không bị gò bó vào “sân khấu hóa” mà thực sự được sống, được lan tỏa.

Mô hình du lịch cộng đồng không chỉ tạo ra thu nhập cho hộ đón khách, mà còn kéo cả cộng đồng cùng phát triển. Ảnh: HL
Mô hình du lịch cộng đồng không chỉ tạo ra thu nhập cho một số hộ trực tiếp làm du lịch mà còn thúc đẩy cả cộng đồng cùng phát triển. Ảnh: HL

Chính vì thế, mô hình du lịch cộng đồng không chỉ tạo ra thu nhập cho hộ đón khách, mà còn kéo cả cộng đồng cùng phát triển: người giữ lễ hội, người nấu ăn, người hướng dẫn du lịch, người làm đồ thủ công… Nhờ đó, văn hóa dân tộc không còn là “tài sản trừu tượng” mà trở thành nguồn lực sống, gắn kết thế hệ già – trẻ trong việc bảo tồn truyền thống.

Ví dụ như tại bản Đôn (xã Thành Lâm, Thanh Hóa), cộng đồng người Thái đã hợp tác với doanh nghiệp để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng. Người cao tuổi kể truyện dân gian, các cô gái trẻ biểu diễn múa sạp, học sinh tiểu học học tiếng Thái cổ, còn người lớn thì làm hướng dẫn viên. Không khí lễ hội sống động, đời sống vật chất cải thiện rõ rệt, và quan trọng hơn – niềm tự hào dân tộc được nuôi dưỡng trong chính đời sống hằng ngày…

Qua đó có thể khẳng định, thông qua việc bảo tồn, phục dựng và phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống, Chương trình MTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã từng bước biến di sản văn hóa thành tài sản phát triển, giúp cộng đồng DTTS không chỉ giữ được cội nguồn, mà còn chủ động tạo dựng tương lai trên chính nền tảng bản sắc của mình.

Tin cùng chuyên mục
Những điểm sáng trong thực hiện Chương trình MTQG 1719

Những điểm sáng trong thực hiện Chương trình MTQG 1719

Qua gần 4 năm triển khai thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: từ năm 2021 đến 2025 (Chương trình MTQG 1719) đã đi đến gần chặng cuối của giai đoạn 1. Ở nhiều địa phương, việc thực hiện Chương trình đã và đang tạo động lực cho vùng đồng bào DTTS vươn lên từ các Dự án, Tiểu Dự án bằng nhiều điểm sáng.