Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Cử tri quan tâm đến chính sách tín dụng đối với đồng bào DTTS và miền núi

Hoàng Quý - 21:07, 23/05/2024

Chiều 23/5, trong phiên thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội cho biết cử tri đã dành nhiều sự quan tâm đến chính sách tín dụng đối với đồng bào DTTS và miền núi.

Đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng)
Đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng)

Thảo luận tại Hội trường, đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng) nêu rõ, từ Kỳ họp thứ 6 đến nay, cử tri cho rằng Chính phủ, Thủ tướng đã tích cực quan tâm giải quyết vấn đề còn tồn đọng, bất cập trong các kiến nghị của cử tri; đặc biệt thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Chính phủ đã quy định về cơ chế quản lý tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia với các nội dung chủ yếu như phân cấp, phân quyền cho địa phương, nhất là các cấp cơ sở nhằm nâng cao tính chủ động, linh hoạt của các cấp trong quản lý và tổ chức thực hiện, phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư tham gia tổ chức thực hiện và giám sát tổ chức thực hiện. Từ đó, các địa phương đã chủ động bám sát chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để chỉ đạo điều hành thực hiện các nhiệm vụ của 3 chương trình. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện phát sinh nhiều vướng mắc.

Đại biểu Nguyễn Tạo cho biết cử tri cũng cho rằng sự chồng lấn về quy hoạch là rào cản trong quá trình, tiến trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương, vùng và quốc gia. Thực hiện Quyết định số 866/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì đối với việc thăm dò, khai thác khoáng sản bauxite, sản xuất alumin, nhôm kim loại đồng bộ với phát triển hạ tầng giao thông, đảm bảo an ninh, quốc phòng, bảo vệ sinh thái vùng Tây Nguyên và phù hợp với Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, các công trình trọng điểm tại Tây Nguyên, đặc biệt là các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng chưa thể triển khai thực hiện do vướng về mặt pháp lý, chồng lấn về mặt quy hoạch vùng dự trữ mỏ khoáng sản, rất khó khăn cho địa phương trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất dự trữ khoáng sản để phát triển KT-XH.

Đại biểu nhấn mạnh, để xử lý chồng chéo giữa quy hoạch dự trữ mỏ và khai thác khoáng sản với các quy hoạch phát triển KT-XH của Việt Nam như: Quy hoạch phát triển KT-XH tổng thể quốc gia, Quy hoạch kế hoạch sử dụng đất quốc gia; quy hoạch vùng - liên vùng; quy hoạch vùng tỉnh… thì vấn đề quan trọng nhất là cần có sự phối hợp, tính toán toàn diện và sự chủ động trong quản lý và thực hiện quy hoạch để bảo đảm sự phát triển bền vững cho đất nước.

Đại biểu cũng cho biết, cử tri quan tâm đến việc hiện nay nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới đã chuyển từ xã thuộc khu vực 2, khu vực 3 thành khu vực 1, thì không còn thuộc danh mục các xã khó khăn dẫn đến không được hưởng các chính sách tín dụng cho các xã khó khăn. Theo Nghị định 28 ngày 26/4/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi dẫn đến một bộ phận người dân ở khu vực này không được hỗ trợ về vốn tín dụng chính sách.

Cử tri đề nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi chính sách đối với các hộ nghèo, cận nghèo tại các khu vực 3, khu vực 2, khu vực 1 thuộc vùng đồng bào DTTS để người dân tiếp tục được hưởng chính sách tín dụng ưu đãi. Từ đó góp phần để chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước mang lại hiệu quả, có tính bền vững trong thời gian tới.

Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Thị Hồng
Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Thị Hồng

Trả lời ý kiến của đại biểu về về chính sách tín dụng đối với đồng bào DTTS và miền núi, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, trên cơ sở nghị quyết số 88 năm 2019 và nghị quyết số 120 năm 2020 của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 1719 về Chương trình MTQG về phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong đó, đã quy định các đối tượng và chính sách ưu đãi.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 28 vào tháng 4/2022 về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình này. Qua quá trình thực hiện Chương trình MTQG về phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi đã phát sinh một số vướng mắc, hạn chế được đại biểu Quốc hội đã nêu. Cơ quan chủ trì đang báo cáo, đánh giá, tổng kết, tham mưu đề xuất Chính phủ sửa đổi Quyết định 1719. Sau khi Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo sửa đổi, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các bộ, ngành sửa đổi Nghị định 28 cho phù hợp.