Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa: Tăng cường kiểm soát, bình ổn thị trường

PV - 16:57, 09/01/2023

Dịp Tết Nguyên đán nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của người dân tăng dần, đây cũng là thời điểm các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán, sản xuất hàng cấm, hàng giả diễn biến phức tạp. Vì vậy, để bình ổn thị trường hàng hóa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Thanh Hóa đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Ban chỉ đạo 389 tỉnh Thanh Hóa tổ chức họp triển khai nhiệm vụ
Ban chỉ đạo 389 tỉnh Thanh Hóa tổ chức họp triển khai nhiệm vụ

Theo lãnh đạo Cục QLTT Thanh Hóa, cuối năm cũng là dịp các đối tượng lợi dụng tâm lý nhu cầu tiêu dùng cao hơn có thể trà trộn, lét lút đưa hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc trong lưu thông và các hành vi kinh doanh trái phép khác. Bên cạnh đó, việc mua bán hàng hóa qua mạng phát triển mạnh, khả năng kiểm tra, kiểm soát rất khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh chân chính và người tiêu dùng, gây thất thu ngân sách Nhà nước, thậm chí gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự…

Theo chỉ đạo của Tổng cục QLTT, Cục QLTT tỉnh Thanh Hoá đã ban hành kế hoạch về Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2022; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 trên địa bàn tỉnh từ ngày 15/11/2022 đến ngày 15/2/2023.

Tăng cường kiểm tra hàng lậu, hàng giả trong những tháng cuối năm
Tăng cường kiểm tra hàng lậu, hàng giả trong những tháng cuối năm

Theo đó, lực lượng QLTT tỉnh Thanh Hóa sẽ kiểm tra việc chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân trong kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại trên thị trường; Kiểm tra cơ sở sản xuất đối với lĩnh vực, ngành hàng thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công thương; Kiểm tra việc chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân trong các lĩnh vực khác mà lực lượng QLTT được Chính phủ giao thẩm quyền kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính.

Sẽ tiến hành kiểm tra trên phạm vi toàn tỉnh, tại các kho bãi, điểm tập kết hàng hoá gần biên giới, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, kho chứa hàng đông lạnh, các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, làng nghề, các tuyến đường bộ, đường sắt, đường hàng không… nhất là các địa bàn trọng điểm tại các huyện biên giới đất liền, vùng biển; các đô thị, khu kinh tế Nghi Sơn, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, các khu vực thương mại tập trung, cụ thể:

Đối với tuyến biên giới đất liền, lực lượng QLTT tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung kiểm tra tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trung tâm vùng. Tuyến biển sẽ tập trung kiểm tra tại các Cảng Nghi Sơn, Cảng Lễ Môn, Cảng Hới, Cảng dịch vụ Dầu khí tổng hợp (PTSC); các cửa lạch ven biển; các phương tiện vận chuyển trên biển.

Ngoài việc kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm năm 2022; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

Thông qua công tác kiểm tra kiểm soát thị trường, gắn với công tác tuyên truyền nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật cho các tổ chức, các nhân và người tiêu dùng, Cục QLTT Thanh Hóa đã tuyên truyền, vận động, các cơ sở sản xuất, kinh doanh ký cam kết "Không sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và hàng hóa không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm"

Theo đó, năm 2022 Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa đã ký được 6.953 bản cam kết; trong đó có 572 bản cam kết của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, 10 bản cam kết của doanh nghiệp đầu mối phân phối xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu, 1821 bản cam kết của cơ sở kinh doanh vật tư y tế và thuốc tân dược và 25 doanh nghiệp sản xuất, bán buôn thuốc, vật tư y tế....

Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, trong thời gian tới, Cục QLTT Thanh Hóa tiếp tục phối hợp với Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, các cơ quan báo chí tuyên truyền phổ biến pháp luật, thông tin cảnh báo…nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, các doanh ngiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn nhận thức đúng, thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bình ổn giá, kê khai giá và niêm yết giá.

Theo báo cáo của Cục QLTT Thanh Hóa, trong năm 2022 Cục QLTT Thanh Hóa đã kiểm tra: 2242 vụ; tổng số vụ xử lý: 1898 vụ. Trong đó: Xử lý về hàng cấm, hàng nhập lậu: 294 vụ; xử lý về hàng giả và quyền SHTT 206 vụ; xử lý về lĩnh vực giá: 395 vụ; xử lý vi phạm về sinh an toàn thực phẩm: 769 vụ; xử lý vi phạm khác trong kinh doanh: 234 vụ.

Tổng số tiền thu là 6.436,6 triệu đồng. Trong đó: Tiền phạt vi phạm hành chính: 5.911,3 triệu đồng; tiền bán hàng tịch thu: 525,3 triệu đồng; trị giá hàng hóa tiêu hủy, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: 1.423,2 triệu đồng; trị giá hàng hóa chờ bán, chờ tiêu hủy: 1.902,3 triệu đồng.


Tin cùng chuyên mục
Tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tặng quà gia đình chính sách tại Điện Biên

Tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tặng quà gia đình chính sách tại Điện Biên

Trong không khí cả nước hân hoan kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024); Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), ngày 17/5, Cụm thi đua số 4 - Bộ Công an tổ chức chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tặng quà gia đình chính sách tại Điện Biên.