Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Củng cố tiềm lực an ninh quốc gia vùng phên giậu: Nâng cao tiềm lực kinh tế (Bài 1)

Sỹ Hào - 15:20, 14/12/2023

LTS: Xây dựng, củng cố tiềm lực an ninh quốc gia luôn được xác định là vấn đề trọng yếu, đặc biệt ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, bởi đây là một trong những khu vực giữ vị trí chiến lược quan trọng của đất nước. Vì vậy, việc ban hành, thực thi hiệu quả các chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi trên tất cả các lĩnh vực có ý nghĩa quyết định, từ đó phát huy vai trò của đồng bào các dân tộc trong củng cố tiềm lực an ninh quốc gia ở vùng phên dậu.

Tiềm lực kinh tế, là yếu tố cấu thành rất quan trọng làm nên tiềm lực an ninh quốc gia. Những năm qua, Nhà nước đã ban hành, thực hiện hệ thống chính sách đầu tư, hỗ trợ toàn diện ở vùng đồng bào DTTS và miền núi nhằm xây dựng khả năng kinh tế ổn định cho đồng bào các DTTS, từ đó huy động chính nguồn lực của Nhân dân để củng cố tiềm lực an ninh quốc gia.

Diện mạo khang trang khu vực nông thôn miền núi. (Trong ảnh: Một góc thị trấn Mường Chà, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên )
Diện mạo khang trang khu vực nông thôn miền núi. (Trong ảnh: Một góc thị trấn Mường Chà, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên )

Nhà nước đầu tư

Từ sau Đại hội VI của Đảng, nhận thức về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc của nước ta đã có bước đột phá. Hai văn kiện được xem là mở đường cho sự đổi mới về công tác dân tộc là Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 27/11/1989 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội (KT – XH) miền núi; được Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) thể chế hóa tại Quyết định số 72-HĐBT, ngày 13/3/1990 về một số chủ trương, chính sách cụ thể phát triển KT - XH miền núi.

Kể từ đây, lĩnh vực công tác dân tộc liên tục được bổ sung những quyết sách mang tính đột phá để phát triển KT – XH vùng đồng bào DTTS và miền núi. Theo Báo cáo số 660/BC-UBTVQH13 ngày 19/5/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII, từ năm 1993 cho đến năm 2012, Chính phủ đã ban hành 17 chính sách về hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, 33 chính sách về hỗ trợ phát triển sản xuất, 14 chính sách về hỗ trợ phát triển sinh kế và 41 chính sách về hỗ trợ nâng cao các mặt đời sống cho vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Trong giai đoạn này, các chính sách triển khai ở vùng đồng bào DTTS và miền núi tập trung vào mục tiêu xóa đói, giảm nghèo. Tổng nguồn lực huy động cho mục tiêu giảm nghèo tính đến năm 2012 là 864.050 tỷ đồng (bao gồm cả vốn tín dụng người nghèo do Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện); đồng thời huy động được 10.699 tỷ đồng từ hỗ trợ của doanh nghiệp và hơn 6.683 tỷ đồng từ Quỹ “Vì người nghèo” các cấp.

Với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, đồng bào các DTTS đã có những bước phát triển đồng đều, nhất là ở các dân tộc có khó khăn đặc thù. (Trong ảnh: Một góc bản Nậm Nghẹ, xã Hua Bum, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu – nơi sinh sống của 49 hộ dân với 208 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mảng - Ảnh: T.T)
Với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, đồng bào các DTTS đã có những bước phát triển đồng đều, nhất là ở các dân tộc có khó khăn đặc thù. (Trong ảnh: Một góc bản Nậm Nghẹ, xã Hua Bum, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu – nơi sinh sống của 49 hộ dân với 208 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mảng - Ảnh: T.T)

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 05/2011/NĐ-CP về công tác dân tộc, chính sách dân tộc chuyển sang giai đoạn đầu tư, hỗ trợ theo chiều sâu, tiếp cận giảm nghèo đa chiều. Theo báo cáo của Uỷ ban Dân tộc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định số 05/NĐ-CP, giai đoạn 2011-2021, thực hiện các chính sách ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, ngân sách nhà nước, đã bố trí gần 247 nghìn tỷ đồng cùng với 68.736 tỷ đồng vốn hỗ trợ của các chương trình mục tiêu và khoảng 2,6 tỷ USD vốn ODA, khoảng 5,5 triệu USD vốn hỗ trợ phi chính phủ. 

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết nghị bố trí thêm 5.399 tỷ đồng từ nguồn tăng thu và tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2014 để thực hiện chính sách an sinh xã hội trên địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Các chính sách đầu tư phát triển bền vững và sử dụng nguồn lực vùng đồng bào DTTS và miền núi tính đến năm 2021 đã mang lại hiệu quả thiết thực. Cơ sở hạ tầng từng bước được tăng cường, hoàn thiện, đặc biệt là các công trình điện, đường, trường học, trạm y tế, nhà văn hoá… ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển KT - XH ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Bộ mặt NTM ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. (Trong ảnh: Một góc bản Hang, xã Phú Lệ, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa - Ảnh: Q.T)
Bộ mặt NTM ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. (Trong ảnh: Một góc bản Hang, xã Phú Lệ, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa - Ảnh: Q.T)

Nhân dân đóng góp

Với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, diện mạo nông thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi đã thay đổi rõ rệt. Tính đến hết năm 2021, toàn vùng đã có 98,4% xã có đường ô tô đến trung tâm, trên 98% hộ DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia, 100% xã có trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đáp ứng nhu cầu học tập của người dân tộc thiểu số; 99,3% xã có trạm y tế, trong đó khoảng 70% xã có bác sĩ chăm sóc sức khoẻ Nhân dân; trên 90% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình, kết nối thông tin liên lạc hiện đại; 100% xã có điện thoại cố định và di động, cung cấp các dịch vụ viễn thông và internet…

Cơ sở hạ tầng được đầu tư tạo thuận lợi thúc đẩy phát triển sản xuất. Với các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất được triển khai liên tục, thu nhập của đồng bào các dân tộc được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo người DTTS giảm sâu. 

Theo kết quả rà soát của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong năm 2022, áp dụng chuẩn nghèo đa chiều theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ, hộ nghèo toàn quốc giảm khoảng 1,5%, còn hộ nghèo thuộc đồng bào DTTS giảm trên 3%, số hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm khoảng 5%.

Đời sống kinh tế được nâng lên, đồng bào DTTS có điều kiện để tham gia các phong trào thi đua, nhất là tích cực đóng góp cùng địa phương xây dựng nông thôn mới (NTM). Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, trong 10 năm (2011 – 2020), vùng đồng bào DTTS và miền núi đã huy động được khoảng 988.846 tỷ đồng đầu tư cho Chương trình MTQG xây dựng NTM. Trong đó, cộng đồng và người dân đóng góp được 70.599 tỷ đồng; bên cạnh đóng góp tiền thì đồng bào các dân tộc đã hiến đất, đóng góp vật liệu xây dựng và ngày công lao động... để xây dựng NTM.

Đời sống kinh tế được nâng lên, đồng bào DTTS có điều kiện để tham gia các phong trào thi đua, nhất là tích cực đóng góp cùng địa phương xây dựng NTM. (Người dân bản Tả Chải, xã Sùng Phài, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu tích cực tham gia làm đường giao thông nông thôn )
Đời sống kinh tế được nâng lên, đồng bào DTTS có điều kiện để tham gia các phong trào thi đua, nhất là tích cực đóng góp cùng địa phương xây dựng NTM. (Người dân bản Tả Chải, xã Sùng Phài, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu tích cực tham gia làm đường giao thông nông thôn )

Với sự chung sức đó, công tác giảm nghèo, xây dựng NTM ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn đã đạt được những kết quả tích cực. Đến hết năm 2020, đã có 08/64 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; có 15/108 xã (13,9%) thuộc 04 Đề án xây dựng NTM đặc thù (Điện Biên, Lào Cai, Bắc Kạn, Nghệ An) đã đạt chuẩn NTM; 130/1.111 xã thuộc 85 huyện nghèo được công nhận đạt chuẩn NTM;.... Đến hết tháng 9/2023, đã có 100 xã khu vực III vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt chuẩn NTM.

Cùng với nỗ lực của đồng bào các dân tộc, những khởi sắc của vùng đồng bào DTTS và miền núi hiện nay là minh chứng cho hiệu quả của hệ thống chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước được triển khai liên tục trong hàng chục năm qua. Kết cấu hạ tầng ngày càng được hoàn thiện, từ đó thúc đẩy phát triển KT – XH, nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào các dân tộc. Tiềm lực kinh tế được tăng cường đã củng cố thêm niềm tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước, gia cố thêm khối đại đoàn kết toàn dân, từ đó góp phần xây dựng, bồi đắp tiềm lực an ninh quốc gia.

Giai đoạn 2021 - 2025, cùng với nhiều chương trình, dự án khác, vùng đồng bào DTTS và miền núi triển khai Chương trình MTQG phát triển KT – XH vùng đồng bào DTTS và miền núi theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg. Với 10 dự án thành phần, dự kiến tổng vốn thực hiện là 137.664,959 tỷ đồng, Chương trình MTQG 1719 tiếp tục là giải pháp để gia tăng tiềm lực kinh tế cho vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.