Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Hiệu quả từ Chương trình MTQG 1719 ở Bình Thuận

Minh Thu - 07:40, 29/12/2023

Thời gian qua, nhờ đẩy mạnh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719), bộ mặt ở vùng đồng bào DTTS của tỉnh Bình Thuận đã có nhiều thay đổi đáng kể. Nhờ những đổi thay về cơ sở hạ tầng, hỗ trợ nguồn vốn, nhà ở, nước sạch… bà con yên tâm canh tác, sản xuất, phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê hương.

Cây thanh long được đưa vào canh tác đã góp phần nâng cao đời sống đồng bào DTTS ở tỉnh Bình Thuận.
Cây thanh long được đưa vào canh tác đã góp phần nâng cao đời sống đồng bào DTTS ở tỉnh Bình Thuận.

Như ở xã Hàm Cần, một xã thuần đồng bào DTTS của huyện Hàm Thuận Nam, trong đó chủ yếu là người Raglai (chiếm hơn 85%), những năm trước, dịch bệnh Covid-19 và tình hình thời tiết không thuận lợi đã khiến đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn, nông sản mất mùa, mất giá. Nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn vẫn chưa được kiên cố hóa, gây khó khăn trong việc đi lại, giao thương hàng hóa của người dân

Ông Nguyễn Văn Sông, Chủ tịch UBND xã Hàm Cần cho biết: Từ nguồn lực của Chương trình MTQG 1719, chính quyền địa phương đã chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn bằng việc xây dựng các tuyến đường liên thôn, liên xã. Đồng thời, quan tâm nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con với nhiều mô hình sản xuất gắn liền với tạo công ăn việc làm cho người dân. Cấp ủy Đang, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh vận động người dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập. Bên cạnh việc canh tác truyền thống như lúa nước, mì, bắp lai, mè… thời gian gần đây bà con trong xã đã trồng thêm nhiều cây ăn quả như xoài, điều, thanh long và cây cao su. Sản lượng chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn xã cũng đã lên tới 11.000 con đem đến nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

Cùng ở huyện Hàm Thuận Nam, nguồn lực đầu tư từ Chương trình MTQG 1719 như khoác lên mình xã Mỹ Thạnh một chiếc áo mới. Địa phương đã có nhiều đổi thay về cơ sở hạ tầng. Những con đường nhựa, bê tông phẳng lỳ trải tận vào trung tâm xã, người dân không phải lội suối mà được đi trên những cây cầu bê tông vững chãi. Đồng thời, được tiếp cận với những dịch vụ cơ bản như giáo dục, y tế, việc làm, nhà ở, nước sinh hoạt… Đời sống của đồng bào DTTS cũng từng ngày được cải thiện, có những bước chuyển đáng kể.

Đời sống của đồng bào DTTS ở xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam đã có nhiều chuyển biến đáng kể.
Đời sống của đồng bào DTTS ở xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam đã có nhiều chuyển biến đáng kể.

Cùng với việc chú trọng các dự án về chế độ giáo dục, y tế nhằm đạt hiệu quả cao nhất để phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào DTTS, huyện Hàm Thuận Nam đã nỗ lực vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng địa bàn, dân tộc; hướng dẫn, chuyển giao các ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông, lâm nhằm tăng năng suất lao động đồng thời hướng tới việc sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị.

Thực hiện các dự án thuộc Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2021 - 2030, huyện Hàm Thuận Nam đã đẩy mạnh tuyên truyền đến các cấp các ngành vùng đồng bào DTTS về ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình. Từ đó, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chương trình đã đề ra trong giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo. Có thể nói, Chương trình MTQG 1719 đã góp phần làm thay đổi cơ bản diện mạo vùng nông thôn miền núi trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam, một số xã vùng đồng bào DTTS đã đạt chỉ tiêu nông thôn mới trong những năm gần đây.

Còn ở Hàm Tân, một huyện giáp biển của tỉnh Bình Thuận với 7,56% là đồng bào DTTS. Với khí hậu nắng nóng quanh năm, khô hạn, hiện tượng xâm nhập mặn có nhiều diễn biến phức tạp. Bởi thế, người dân thường xuyên thiếu nước sinh hoạt, nước sản xuất. Thực hiện Chương trình MTQG 1719, tỉnh Bình Thuận nói chung và huyện Hàm Tân nói riêng đã tập trung đầu tư các công trình thủy lợi, hồ chứa nước, hệ thống kênh, mương, đập… nhằm đảm bảo cung ứng đủ lượng nước sinh hoạt và sản xuất cho bà con. Với nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719, huyện Hàm Tân và các địa phương lân cận đã xây dựng được nhiều công trình cấp nước; trong đó, quan trọng nhất là công trình mở rộng tuyến ống nước huyện Hàm Tân.

Không chỉ đảm bảo cung ứng nước sạch cho bà con DTTS, huyện Hàm Tân còn thực hiện tốt các chính sách phát triển kinh tế cho những vùng khó khăn như thôn Tân Quang, một thôn tập trung đông đồng bào DTTS nghèo của xã Sông Phan.

Từ nguồn lực của Chương trình MTQG 1719, các nhà máy cung cấp nước sạch được đầu tư, xây dựng, góp phần giải bài toán thiếu nước ở Hàm Tân.
Từ nguồn lực của Chương trình MTQG 1719, các nhà máy cung cấp nước sạch được đầu tư, xây dựng, góp phần giải bài toán thiếu nước ở Hàm Tân.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Phượng, từng là gia đình DTTS thuộc hộ nghèo của thôn Tân Quang, xã Sông Phan, huyện Hàm Tân chia sẻ: Trước đây, đời sống của gia đình chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên khí hậu khắc nghiệt kèm theo việc lựa chọn cây trồng chưa phù hợp với thổ nhưỡng nên thu nhập không ổn định. Nay nhờ được hỗ trợ và tư vấn lựa chọn thanh long để canh tác, gia đình chị đã mua phân bón, trụ lưới cho vườn thanh long. Nhờ chuyển đổi hiệu quả loại cây trồng này, đời sống gia đình chị Phượng đã khấm khá hơn trước, nhà cửa được sửa sang, con cái được chăm lo học hành.

Cùng với gia đình chị Phượng, nhiều hộ DTTS khó khăn khác trong xã Sông Phan, huyện Hàm Tâm cũng đã chuyển đổi mô hình sản xuất kết hợp chăn nuôi thêm gia súc, gia cầm, trồng nông sản với số lượng lớn… để ổn định cuộc sống.

Với sự quan tâm, vào cuộc có hiệu quả của chính quyền địa phương, sự chung tay, đồng thuận và nỗ lực của người dân, những vùng đất khô cằn của Hàm Tân đã được cung ứng đầy đủ nước sinh hoạt, sản xuất, người dân không còn phải lo cảnh thiếu nước. Từ đó người dân thêm yên tâm phát triển các mô hình sản xuất, phát triển kinh tế nhờ sự hỗ trợ vốn, kiến thức từ các cấp các ngành. Cùng với đó, kết cấu hạ tầng cũng được chú trọng đầu tư, nâng cấp, đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Hàm Tân không phải bỏ đất đi nơi khác, tập trung phát triển kinh tế để thoát nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.





Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.