Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Khi người Cơ Ho làm sản phẩm OCOP

Thảo Linh - 09:24, 29/12/2023

Những sản phẩm OCOP được làm ra từ đôi bàn tay của người Cơ Ho ( huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) dưới dãy Bidoup – Núi Bà không còn mang tính tự cung, tự cấp, hoặc manh mún trong giao thương, mà được nhiều thị trường đón nhận và đánh giá cao. Những sản phẩm ấy đã mang lại thu nhập ổn định cho gia đình, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương, làm thay đổi tư duy trong phát triển kinh tế của người dân và tạo nguồn cảm hứng để nhiều người học tập, noi theo.

(BCĐ - TT vận động) Khi người Cơ Ho làm OCOP
Liêng Jrang K’Chăm kiểm tra chất lượng cà phê

Liêng Jrang K’Chăm và thương hiệu cà phê Yũ M’Nang

Phải hẹn nhiều lần, chúng tôi mới gặp được chị Liêng Jrang K’Chăm (33 tuổi, dân tộc Cơ Ho, ở thôn 4, xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương) – Chủ cơ sở chế biến cà phê mang thương hiệu Yũ M’Nang. Vui vẻ mời mọi người uống cà phê do mình làm ra, chị K’Chăm cho biết: “những ngày đầu lập nghiệp khó khăn lắm, mình phải tạo ra vùng nguyên liệu sạch, đảm bảo chất lượng; vừa thiếu nguồn vốn để đầu tư mua máy móc thiết bị rang sấy đóng gói, vừa phải tìm hiểu các phương thức pha chế cà phê, cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm”.

 Xác định trước tiên, để có sản phẩm tốt cần có vùng nguyên liệu ổn định, chị Liêng Jrang K’Chăm đã liên kết với 10 hộ dân là người đồng bào dân tộc Cơ Ho trong vùng tạo nên vùng nguyên liệu trên 12 ha cà phê. Vườn cà phê được chăm sóc theo hướng hữu cơ, sinh học. Chị Liêng Jrang K’Chăm đã hướng dẫn mọi người tận dụng nguồn phân chuồng, vỏ cà phê, những phụ phẩm nông nghiệp ủ làm phân bón cho cà phê. Cách chăm sóc này ngoài đảm bảo môi trường, lại tăng chất dinh dưỡng tạo tơi xốp cho đất, giảm sâu bệnh, nên cà phê phát triển tốt. Bình quân một ha cà phê đạt trên 3 tấn nhân, với giá thu mua trên 70 nghìn đồng/kg, đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Ngoài ra, K’Chăm còn tạo công ăn việc làm ổn định cho 7 lao động là người dân tộc Cơ Ho tại địa phương.

Với lợi thế điều kiện khí hậu, đất đai thích hợp, làm theo hướng hữu cơ, sinh học nên các giống cà phê Arabica và Catimor phát triển tốt, đạt chất lượng cao. Hơn nữa, khâu thu hoạch, lựa chọn, phơi, rang đến khi ra thành phẩm đều làm bằng phương pháp thủ công; nên cà phê mang thương hiệu Yũ M’Nang có hương vị độc đáo, thơm, ngon, phù hợp với thị hiếu của nhiều người, giá cả hợp lý nên được thị trường đón nhận, đánh giá cao và được UBND tỉnh Lâm Đồng chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Năm 2023, ngoài bán cà phê sơ chế, chị Liêng Jrang K’Chăm đã xuất ra thị trường gần 6 tấn cà phê thành phẩm, thông qua 5 sản phẩm với các dòng cà phê chính Arabica và Catimor vàng cho các thị trường thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai. 

Với những kết quả đạt được, Liêng Jrang K’Chăm là nguồn cảm hứng để nhiều người nơi đây, nhất là giới trẻ dân tộc Cơ Ho học hỏi và làm theo mô hình này. Điển hình như sản phẩm cà phê Blend thuộc thương hiệu cà phê Chư Mui của anh Liêng Jrang Ha Hoang (xã Lát, huyện Lạc Dương) đạt OCOP 3 sao.

(BCĐ - TT vận động) Khi người Cơ Ho làm OCOP 2
Bà con người Cơ Ho ở Đưng K’Nớ đi giao mật ong rừng

Tổ hợp tác mật ong rừng Pơkao

Nghề ăn ong rừng đã có từ lâu đối bà con người Cơ Ho ở xã Đưng K'Nớ, huyện Lạc Dương. Thiên nhiên khí hậu ưu đãi, với những cánh rừng bạt ngàn của dãy Bidoup – Núi Bà là điều kiện thuận lợi cho các loài ong làm tổ, cho mật, giúp người dân có thêm nghề săn mật ong để mưu sinh. Thời gian đầu, mật ong lấy từ rừng về, bà con người Cơ Ho thường dùng để bồi bổ cho sức khỏe; nếu dư ra thì đem trao đổi bằng hình thức hàng đổi hàng cho bà con trong vùng, ít khi được bán ra thị trường. Chính vì thế, những giọt mật nguyên chất, tinh khiết, ngọt lịm mà núi rừng đã ban tặng cho người dân nơi đây chỉ bó hẹp trong buôn làng.

Nghề săn ong treo hay ong đất cũng khá công phu, khi cả nhóm người Cơ Ho đi rừng phát hiện một tổ ong, chỉ cần bộ đồ bảo hộ bịt kín khỏi bị ong chích, không cần dùng lửa xua đuổi ong, người thợ săn có thể tiếp cận tổ và lấy mật ong một cách gọn gàng. Thông thường, các tổ ong được đánh dấu vì đã có chủ nên người sau thấy cũng không được tùy tiện lấy mật. Hơn nữa, họ không bao giờ lấy hết mật của một tổ ong, mà sau khi thu hoạch thường để lại một ít mật đủ cho cả đàn ong sử dụng trong một khoảng thời gian nhất định. Chính vì thế, nhiều tổ ong được thu hoạch từ mùa này đến năm nọ.

Nhằm nâng cao giá trị của mật ong, hướng sản phẩm đạt OCOP; người Cơ Ho nơi đây được tập huấn cách khai thác, chế biến, bảo quản, tham gia hội chợ, kết nối thị trường tạo điều kiện để quảng bá thương hiệu mật ong rừng Pơkao đến người tiêu dùng. 

Anh Bon Niêng Ha Siêng – Tổ hợp tác mật ong rừng Pơkao cho biết: “Mùa lấy mật ong rừng kéo dài từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm. Chúng tôi có 24 thành viên được quán triệt tuyệt đối không sử dụng lửa khi khai thác mật ong, vì nó dễ xẩy ra cháy rừng. Hơn nữa, trong quá trình đi lấy mật phải có bảo hộ cẩn thận để đảm bảo an toàn cho thợ săn ong. Mật ong Pơkao có hai loại là mật ong treo ở trên cây cao màu vàng trong, và mật ong đất nằm trong hốc cây, hay hốc đá màu nâu sẫm. Năm 2023, tổ hợp tác chúng tôi bán ra thị trường khoảng 300 lít mật, với giá bình quân 900 nghìn đồng/lít. Chúng tôi đang hoàn thiện hồ sơ để sớm được cấp chứng nhận là sản phẩm OCOP, tôi tin rằng khi đó giá mật ong Pơkao sẽ cao hơn, không bị ép giá, tạo được nhiều công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho bà con người Cơ Ho mình”.

Ngoài các sản phẩm cà phê của Liêng Jrang K’Chăm, mật ong của các thợ săn ong ở Đưng K’Nớ còn có nhiều sản phẩm đặc trưng khác đã được công nhận sản phẩm OCOP như:  02 sản phẩm dâu tây sấy dẻo và dâu tây cuộn của chị Cil Anh Đào (Thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương); sản phẩm cà phê Blend thuộc thương hiệu cà phê Chư Mui của anh Liêng Jrang Ha Hoang (xã Lát, huyện Lạc Dương)... Trong mỗi sản phẩm OCOP ấy không đơn thuần chỉ làm thay đổi tư duy sản xuất theo quy chuẩn, chất lượng, an toàn; chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho chủ thể là cá nhân, hộ gia đình, hay giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương và tạo nguồn cảm hứng để nhiều người học tập, noi theo. Những sản phẩm ấy còn chứa đựng nhiều tình cảm gần gũi thân thương, niềm kiêu hãnh và lòng tự hào của những người con Cơ Ho dưới dãy Bidoup – Núi Bà hùng vĩ./.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.