Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

"Cung đường di sản văn hóa Dao"

Trọng Bảo - 02:14, 07/03/2024

Mới đây, Phòng Văn hóa Thông tin thị xã Sa Pa và xã Tả Phìn đã triển khai dự án “Cung đường di sản văn hóa Dao”. Theo đó, bước đầu đưa 16 hộ dân người Dao đỏ tham gia dự án. Hiện tại, dự án đã được khởi động và thí điểm thực hiện tại 5 hộ gia đình.

Người dân xã Tả Phìn vệ sinh làng bản phục vụ phát triển du lịch
Người dân xã Tả Phìn vệ sinh làng bản phục vụ phát triển du lịch

Bà Hoàng Thị Vượng, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin thị xã Sa Pa cho biết: Xã Tả Phìn là vùng đất mang đậm bản bản sắc văn hóa dân tộc Dao đỏ; ở đây có 7 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đó là: Lễ cấp sắc; Lễ hội Pút tồng; Chữ Nôm Dao; Lễ Khoi kìm - cúng rừng; Nghề chạm khắc bạc; Nghề làm trống và Nghệ thuật trang trí trên trang phục.

"Thời gian qua, những giá trị văn hóa đặc sắc này chưa được khai thác, phát huy hết giá trị. Với mục tiêu biến “Di sản thành tài sản”, khai thác những thế mạnh văn hóa truyền thống để thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng cộng đồng, Thị xã đã xây dựng và triển khai dự án “Cung đường di sản văn hóa Dao”, bà Vượng cho hay. 

Lâu nay, nghệ nhân Tẩn Vần Siệu ở thôn Sín Chải, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa được biết tới là người “nặng lòng” với chữ Nôm Dao. Để bảo tồn và phát triển chữ Nôm Dao, ông Siệu đã mở nhiều lớp dạy chữ của dân tộc mình.

"Với mong muốn gìn giữ nét văn hóa dân tộc, nhiều năm nay, tôi đã mở lớp dạy chữ Nôm Dao cho bà con trong thôn, trong xã ngay tại nhà mình. Qua đây, để thế hệ trẻ hiểu hơn về văn hóa nguồn cội và biết trân trọng những giá trị văn hóa của cha ông để lại; hiểu và cùng nhau gìn giữ, phát huy những giá trị tốt đẹp từ việc học trong những cuốn sách cổ. Việc gìn giữ giá trị của chữ Nôm Dao sẽ giúp nối tiếp những mạch nguồn di sản văn hóa dân tộc Dao đỏ trong cộng đồng người Dao", ông Siệu tâm sự.

Ở thôn Sả Séng, gia đình ông Chảo Quẩy Vạng, bao đời nay vẫn giữ được nghề truyền thống làm trống da bò theo phương thức của người Dao. Thực tế hiện nay, những người còn biết nghề làm trống như ông Vạng không còn nhiều. Việc bảo tồn, truyền dạy cho thế hệ sau biết và giữ nghề là đòi hỏi cấp thiết.

"Bây giờ nếu không bảo tồn và truyền dạy được cho con cháu nghề làm trống này, thì chỉ thời gian nữa thôi không biết còn có ai biết làm trống da bò theo cách riêng của người Dao không...”, ông Vạng chia sẻ.

Rất vui mừng và phấn khởi khi gia đình nghệ nhân Siệu và nghệ nhân Vạng được lựa chọn tham gia vào dự án “Cung đường di sản văn hóa Dao”. 

Nghề làm trống da bò của người Dao đỏ được đưa vào dự án để bảo tồn và phát triển
Nghề làm trống da bò của người Dao đỏ được đưa vào dự án để bảo tồn và phát triển

Để từng bước triển khai dự án này, thị xã Sa Pa sẽ đầu tư nguồn lực để nâng cao các giá trị văn hóa bản địa của cộng đồng người Dao đỏ sinh sống như: giới thiệu, bảo tồn về kiến trúc truyền thống nhà ở của người Dao đỏ, các cảnh quan thiên nhiên, các tập quán sinh hoạt, tín ngưỡng, các nghề truyền thống (làm trống, kỹ thuật thêu thổ cẩm, đan lát...), các bài thuốc bản địa, hoạt động sản suất nông nghiệp (nổi bật là trồng cây địa lan...) của người Dao đến du khách trong nước và quốc tế.

“Bước đầu thì cùng với chữ Nôm Dao, nghề làm trống da bò truyền thống, chúng tôi cũng lựa chọn các nghề để bảo tồn và phát triển như: Nghề lò rèn - chạm khắc bạc tại gia đình ông Phàn Chằn Quý; nghề thêu thổ cẩm tại gia đình bà Chảo Vần Nhàn. Cùng với đó, việc phát huy giá trị nghề truyền thống, bảo tồn bản sắc văn hóa, bảo tồn các công trình kiến trúc nhằm giữ nguyên các giá trị văn hóa của người dân tộc được dự án chú trọng”, bà Vượng nhấn mạnh.

Phụ nữ Dao đỏ với nghề thêu thổ cẩm
Phụ nữ Dao đỏ với nghề thêu thổ cẩm

Phát triển du lịch cộng đồng (homestay) đã và đang được nhiều địa phương trong cả nước triển khai với mục tiêu vừa bảo tồn, vừa khai thác nét văn hóa đặc sắc của từng dân tộc để phát triển du lịch, nâng cao thu nhập cho người dân bản địa. Trong đó, Lào Cai được biết tới, là địa phương có số hộ đồng bào DTTS kinh doanh du lịch homestay đông nhất với trên 1.000 hộ. 

Những năm qua, tại các xã vùng cao trong tỉnh, việc bảo tồn và phát triển nghề và làng nghề truyền thống được chú trọng. Nhiều làng nghề đã tạo thương hiệu uy tín trên thị trường. Trong đó, thị xã Sa Pa và huyện Bắc Hà là nơi hội tụ các làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch. Tại đây, các sản phẩm thêu - dệt thổ cẩm, hàng thủ công mỹ nghệ, rèn đúc, nấu rượu… được du khách biết đến. 

Với mục tiêu bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch, Lào Cai đã đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm thủ công truyền thống thông qua các vùng du lịch. Đặc biệt, nghề dệt thổ cẩm là một trong những sản phẩm chiếm ưu thế trên thị trường. Sa Pa với tiềm năng lợi thế phát triển du lịch, nghề thêu - dệt thổ cẩm phục vụ khách du lịch đang phát triển mạnh…

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Nghề làm gốm thủ công truyền thống của người Mnông được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể

Đắk Lắk: Nghề làm gốm thủ công truyền thống của người Mnông được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 3991/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với nghề làm gốm của người Mnông xã Yang Tao, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk.
Đọc nhiều