Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Cùng sĩ tử “vượt vũ môn”

Cát Tường - 19:13, 05/07/2021

Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) năm 2021 đang đến gần. Để chuẩn bị cho Kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, chất lượng, ngành giáo dục và đào tạo Yên Bái đã và đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết, cùng các sĩ tử vượt qua Kỳ thi.

Lãnh đạo TP. Yên Bái tặng khẩu trang cho điểm thi Trường THPT Nguyễn Huệ. Ảnh: BYB
Lãnh đạo TP. Yên Bái tặng khẩu trang cho điểm thi Trường THPT Nguyễn Huệ. Ảnh: BYB

Kỳ thi năm nay, toàn tỉnh Yên Bái tổ chức 1 Hội đồng thi do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chủ trì với 26 điểm thi, 361 phòng thi, 1.000 cán bộ coi thi. Các điểm thi đều chuẩn bị phòng thi dự phòng cho thí sinh có biểu hiện bị ho, sốt; dự phòng bất thường do thiên tai, bão lũ.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, có những thời điểm các sĩ tử phải tạm dừng học không đến trường. Các trường đã linh hoạt, chuyển từ hình thức dạy trực tiếp sang dạy học trực tuyến; có 100% học sinh lớp 12 được tham gia học, ôn tập trực tuyến, đảm bảo học sinh có đủ kiến thức theo chương trình học để tham gia Kỳ thi với kết quả tốt nhất.

Đến nay, các trường đã tổ chức thi thử cho học sinh. Đặc biệt, những điểm mới trong quy chế thi đã được các trường quán triệt tới các thầy cô giáo, nhân viên, học sinh và các bậc phụ huynh học sinh đúng theo quy định của Bộ GD&ĐT; tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho tất cả các thành viên tham gia công tác thi; xây dựng các phương án, chuẩn bị các điều kiện về chuyên môn nghiệp vụ, cơ sở vật chất cần thiết đảm bảo cho việc tổ chức kỳ thi diễn ra an toàn và hiệu quả.

Đặc biệt, để đảm bảo an toàn sức khỏe cho đội ngũ tham gia công tác thi, mới đây, ngành GD&ĐT tỉnh Yên Bái đã phối hợp với ngành y tế và các cơ quan chức năng đã tiến hành tiêm phòng vắc xin ngừa Covid-19 cho cán bộ giáo viên, trong đó ưu tiên cán bộ, giáo viên sẽ tham gia làm thi tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021.

Hiện nay, đã có 1.989 cán bộ giáo viên được tiêm phòng vắc xin ngừa Covid-19. Đây là một trong những biện pháp quyết liệt mà tỉnh Yên Bái đưa ra nhằm đảm bảo an toàn cho Kỳ thi.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT ở Yên Bái có 8.110 thí sinh dự thi; trong đó có 95,6% thí sinh đang học lớp 12; 4,4% thí sinh tự do. Số thí sinh chỉ thi tốt nghiệp là 48,8%; 4% thí sinh chỉ thi để đăng ký xét tuyển sinh, 47,2% thí sinh vừa thi tốt nghiệp vừa lấy kết quả xét tuyển sinh.

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Vương Văn Bằng: Năm nay Kỳ thi diễn ra trong bối cảnh dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp. Bên cạnh công tác chuẩn bị tốt điều kiện tổ chức kỳ thi theo đúng quy chế, công tác phòng, chống dịch được Sở GD&ĐT đặc biệt quan tâm. 

Sở đã có những phương án chủ động ứng phó trong điều kiện dịch Covd-19 như: Bố trí phòng thi dự phòng, phòng cách ly tạm thời tại điểm thi; bố trí phòng thi đảm bảo khoảng cách an toàn; thực hiện phun khử khuẩn phòng thi; tất cả thí sinh đến điểm thi phải đo thân nhiệt, sát khuẩn tay, đeo khẩu trang và thực hiện nghiêm thông điệp 5k trong phòng, chống dịch; tại mỗi điểm thi đều có bộ phận trực y tế.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo Kỳ thi đã phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Sở Y tế, Công an tỉnh xây dựng kịch bản, chuẩn bị các phương án sẵn sàng ứng phó kịp thời khi có tình huống thiên tai xảy ra; đảm bảo an ninh trật tự; an toàn giao thông trong thời gian diễn ra Kỳ thi...

Khi chia sẻ về công tác chuẩn bị các điều kiện cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT trên địa bàn huyện Văn Yên, bà Lã Thị Liền, Phó chủ tịch UBND huyện chia sẻ: cùng với các địa phương trong tỉnh, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị kỳ thi trên địa bàn huyện đã cơ bản hoàn tất; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác thi và các phương án đảm bảo Kỳ thi diễn ra an toàn, chất lượng đã được triển khai đồng bộ.

Với mục tiêu không để thí sinh phải bỏ thi vì khó khăn về điều kiện kinh tế và đi lại; ngoài đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ Kỳ thi, ngành GD&ĐT đã phối hợp với các địa phương rà soát các thí sinh có hoàn cảnh khó khăn để có chính sách giúp đỡ kịp thời; bố trí chỗ ăn, nghỉ cho thí sinh.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.