Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Cuộc sống mới của đồng bào Mông ở Vụ Bổn

Lê Hường - 09:44, 29/06/2020

Hơn 10 năm di cư lập làng trên khu đất bằng phẳng, phì nhiêu và nhờ sự trợ giúp kịp thời của các cấp chính quyền, đồng bào Mông ở thôn 12, xã Vụ Bổn, huyện Krông Păk (Đăk Lăk) nhanh chóng vượt qua khó khăn, sớm có cuộc sống ổn định.

Một góc xã Vụ Bổn.
Một góc xã Vụ Bổn.

Xã Vụ Bổn thành lập năm 1996, với cơ sở ban đầu dường như không có gì, hộ nghèo chiếm đa số, đói ăn, thiếu thốn đủ bề. Toàn xã có 28 thôn, buôn, với 13 DTTS sinh sống, chiếm gần 40% dân số. Đồng bào Mông sống tập trung tại thôn 12, cách trung tâm xã Vụ Bổn khoảng 7km.

Thôn 12 hiện có 520 hộ với hơn 2.000 nhân khẩu, trong đó đồng bào Mông là 293 hộ, hơn 1.000 nhân khẩu. Toàn thôn hiện có khoảng 150ha lúa nước hai vụ; 80ha ngô, 70ha sắn cao sản…

Chúng tôi đến làng Mông giữa buổi ban trưa, đám trẻ con đang tắm mát dưới bồn chứa nước tập trung ngơ ngác nhìn đoàn khách lạ. Thời gian gần đây, làng Mông được biết đến nhiều trên mạng xã hội qua câu chuyện 4 đứa trẻ con ông Mùa A Rủa ăn cơm nguội với ve sầu. Sau khi câu chuyện được đưa lên mạng, làng Mông nhộn nhịp người ra vào hơn. Riêng nhà ông Mùa A Rủa dường như khách thường xuyên hơn.

Căn nhà gỗ gia đình ông Rủa đang ở cũng khá rộng rãi, được chia các phòng riêng bằng những chiếc rèm. 5 bao lúa, 2 bao gạo xếp gọn ở góc nhà, bếp phía sau nhà vẫn có túi cá khô treo trên vách. Ông Rủa bảo: “Ngày thường vợ chồng tôi đi làm từ sáng đến chiều mới về, nên sáng ra vợ tôi nấu sẵn nồi cơm cho con để chúng ăn trưa. Ve sầu mỗi năm chỉ có 1 mùa, xưa nay đồng bào mình vẫn thường lấy về làm thức ăn”.

Nhớ lại ngày rời quê đi lập nghiệp, ông Giàng A Giang, Phó Trưởng thôn 12 kể: Hơn 10 năm trước, khoảng 150 hộ người Mông từ các tỉnh Lào Cai, Sơn La, Hà Giang di cư vào xã Vụ Bổn lập nghiệp, hình thành nên “làng Mông”, thuộc thôn 12 bây giờ. Ngày đó nơi đây là vùng đồi hoang vu, đất đai cằn cỗi. Đường sá hầu hết là lối mòn nhỏ hẹp, nhà mái tranh vách nứa tạm bợ… Tập quán canh tác của đồng bào lạc hậu, lại chưa quen khí hậu, thổ nhưỡng, mùa vụ nên năng suất cây trồng thấp, đời sống kinh tế luôn trong cảnh thiếu trước hụt sau… Thông qua các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, hằng năm, hộ đồng bào DTTS, hộ nghèo được cấp phân bón, giống cây trồng, vật nuôi. Cán bộ khuyến nông và các hội, đoàn thể của xã tận tình hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật… Người dân cũng chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả, từ đó mà đời sống vật chất ngày càng khá hơn.

Đặc biệt, thói quen chăn nuôi gia súc thả rông cũng được thay đổi, chuyển sang chăn nuôi nhốt, vừa phòng, chống dịch bệnh lại góp phần bảo vệ môi trường. Những năm gần đây, còn xuất hiện nhiều điển hình kinh tế hộ gia đình, với thu nhập hằng năm 200 triệu đồng/năm, như gia đình ông Giàng Seo Khóa, Sùng Khánh Mình…

Ông Khóa chia sẻ: “Nhờ có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của chính quyền địa phương mà cuộc sống của người Mông ngày càng khá hơn. Gia đình tôi không còn lo cảnh đói nghèo như trước nữa, yên tâm làm ăn để tích lũy vốn, nuôi con cái ăn học”.

Ông Lê Viết Nhượng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Vụ Bổn cho biết: Những năm qua, xã được Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng nhiều nhất huyện, với tổng vốn lên đến hàng trăm tỷ đồng. Nhờ đó mà nay cơ sở hạ tầng khang trang, đường sá đi lại thuận tiện, điện về từng nhà, nước về đến thôn. Toàn xã có 8 trường học, 12 phân hiệu, trong đó có 4 trường đạt chuẩn quốc gia, cơ sở đều khang trang. Số hộ nghèo giảm nhiều, toàn xã hiện còn 643 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 16,02%. Thu nhập bình quân đầu người tăng lên 23 triệu đồng/người/năm. Riêng thôn 12, luôn được chính quyền các cấp và địa phương quan tâm, tỉnh đã có chủ trương thực hiện dự án tái định cư, đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ để triển khai thực tiễn.