Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Độc đáo những làn điệu dân ca dân tộc Mông

Giang Lam - 23:45, 04/05/2020

Người Mông ở Tuyên Quang có một kho tàng dân ca phong phú. Những làn điệu dân ca đã làm cho cuộc sống của cộng đồng người Mông càng thêm phong phú, tươi đẹp. Trong quá trình hát, bên cạnh những bài dân ca có sẵn thì người hát đôi lúc cũng tự ứng biến lời theo dòng cảm xúc để bộc lộ đúng tâm trạng. Đó chính là sự độc đáo, linh hoạt trong dân ca Mông.

Đội Văn nghệ thôn Ngòi Sen, xã Yên Lâm (Hàm Yên) hát dân ca Mông.
Đội Văn nghệ thôn Ngòi Sen, xã Yên Lâm (Hàm Yên) hát dân ca Mông.

Dân ca của dân tộc Mông là những bài hát do đồng bào tự sáng tác và được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Dân ca có nhiều loại, hiện nay còn lưu giữ được một số loại hình dân ca như trong sinh hoạt có: Hát ru, hát vui chơi của trẻ em; hát giãi bài tâm trạng có hát giao duyên, hát than thân...; Hát mang tính nghi lễ có: Hát lên nhà mới, hát trong đám cưới, hát tiễn đưa linh hồn…

Ngay từ lúc mới sinh ra, trẻ em người Mông đã được đắm mình trong cái nôi văn hoá với những làn điệu dân ca về chủ đề cuộc sống, xây dựng bản làng. Những bài hát dân ca không chỉ thể hiện bằng lời, mà còn có thể giãi bày thông qua những nhạc cụ như: Sáo, khèn, kèn lá, đàn môi.

Chị Đào Thị Sái, thôn Ngòi Sen, xã Yên Lâm (Hàm Yên) là cây văn nghệ của xã. Chị chia sẻ: “Tôi không còn nhớ mình đã bắt đầu hát từ khi nào. Nhưng tôi vẫn nhớ lại hình ảnh bố mẹ, cô chú của tôi hát khi họ đang thu hoạch và làm những công việc nhà. Và rồi cứ như vậy, tôi đã học thuộc được những giai điệu dân ca đó”.

Đối với những chàng trai, cô gái Mông, dân ca là phương tiện để bày tỏ tình yêu chân thành, nhưng hết sức mãnh liệt. Các làn điệu hát đối đáp của trai gái đặc sắc hơn với hàng trăm bài. Khi người này đang hát, người kia phải tập trung nghe và suy ngẫm, khi người này hát xong, người kia lập tức nghĩ ra một bài đối lại theo nội dung của người kia đã hát… Ví dụ: Nam: “người ta có đôi có lứa, ăn cơm tối xong ngồi trò chuyện vui cười, anh không có đôi có lứa, ăn tối vừa buông đũa chỉ có cây sáo làm bạn thâu đêm….” Nữ đáp: “Người ta có đôi có lứa, ăn cơm tối xong ngồi đùa nhảy múa, em không có đôi có lứa, ăn cơm tối xong phải làm bạn với trăng…”.

Còn đối với hát tự tình, giãi bày tâm trạng, là loại hình không dành riêng cho thanh niên mà bất cứ ai cũng có thể hát được. Hát tự tình, không chỉ hát về tình yêu đôi lứa mà còn hát về cuộc đời, thân phận con người, hát về người chết và nhiều bài khác liên quan đến cuộc sống, lao động sản xuất.

Hát tự tình có thể hát ở bất cứ nơi đâu, bất kể thời gian, không gian nào, có thể hát trong các dịp chợ phiên, những lúc làm nương, mừng nhà mới, mừng đám cưới hay vui chơi hội Xuân… Trong hội hè, lễ tết, gặp nhau sau chén rượu xuân thì cùng hát: “Ăn Tết xong không muốn ở chơi nữa, không muốn ăn nữa, muốn đi làm nương thế này, đưa vợ đi làm nương cùng. Mình phải đi làm nương thì mới có ăn, mình phải làm thế này thì mới được ăn...”.

Các bài dân ca của người Mông như món ăn tinh thần luôn song hành và không bao giờ thiếu vắng trong sinh hoạt đời sống hằng ngày của đồng bào. Nó như dòng sữa ngọt ngào nuôi dưỡng tâm hồn bao thế hệ người Mông và níu kéo bao bước chân du khách thập phương đến với nơi này! 


Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.