Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Cuộc thi Tài năng âm nhạc Việt mùa 2 năm 2022: Cần trả lại đúng nghĩa tục “kéo vợ” của người Mông

Văn Hoa - 18:40, 31/08/2022

Tiết mục “Cướp vợ người H’Mông” đã giúp thí sinh Nguyễn Minh Đức đoạt giải Quán quân dòng nhạc Trẻ tại Cuộc thi Tài năng âm nhạc Việt mùa 2 năm 2022. Tiếc rằng, bên cạnh sự trẻ trung, sôi động, ca khúc “Cướp vợ người H’Mông” đã có nhiều ý kiến trái chiều trong cộng đồng dân tộc Mông, đây là những “hạt sạn” không đáng có ở một cuộc thi âm nhạc uy tín. Cộng đồng người Mông mong muốn, Cuộc thi Tài năng âm nhạc Việt mùa 2 năm 2022 cần trả lại đúng nghĩa tục “kéo vợ” của người Mông.

Phần thể hiện ca khúc “Cướp vợ người H’Mông” của thí sinh Nguyễn Minh Đức tại Cuộc thi Tài năng âm nhạc Việt mùa 2 năm 2022.
Phần thể hiện ca khúc “Cướp vợ người H’Mông” của thí sinh Nguyễn Minh Đức tại Cuộc thi Tài năng âm nhạc Việt mùa 2 năm 2022.

Vì sao vẫn “cướp vợ”?

Ngay sau khi Cuộc thi Tài năng âm nhạc Việt mùa 2 năm 2022 kết thúc, đặc biệt sau khi các trang mạng xã hội chia sẻ thông tin bài hát “Cướp vợ người H’Mông” đạt giải Quán quân Tài năng âm nhạc Việt, nhiều độc giả, đặc biệt là cộng đồng người Mông tỏ rõ sự thất vọng, bức xúc.

Trong trang Fanpage “Tin tức Mộc Châu”, nhiều ý kiến tỏ ra khá bức xúc. Tài khoản Facebook “Ak Họ Sồng” bày tỏ: Dân tộc Mông có nhiều bản sắc đẹp! Đó là nguồn cảm hứng bất tận cho các nghệ sĩ, nhạc sĩ sáng tác ra những tác phẩm hay và được công chúng đón nhận. Bên cạnh đó, cũng có một số thành phần não ngắn, học đòi ... dùng từ sai lệch có ý miệt thị, chia rẽ dân tộc”.

Tài khoản Facebook “Phạm Minh” bức xúc: “Xong nhiều người sẽ nhận định dân tộc Mông có thêm tục cướp vợ. Lại thêm 1 đặc sản để lên khám phá”,…

Có thể thấy rằng, những ý kiến của cộng đồng dân tộc Mông, là hoàn toàn có cơ sở. Bởi người Mông có tục “kéo vợ” chứ không phải tục “cướp vợ”. Vấn đề này đã được nói đi, nói lại rất nhiều lần trên các phương tiện truyền thông. Vậy tại sao thí sinh vẫn thể hiện ca khúc có tên “Cướp vợ người H’Mông” trong một cuộc thi uy tín? Do thí sinh không biết hay cố tình phớt lờ?

Tiếc rằng, Cuộc thi được phát sóng trực tiếp trên Kênh VTC16 trực thuộc Kênh truyền hình VTC, Đài Tiếng nói Việt Nam VOV và các phương tiện truyền thông khác, vô hình chung đã khiến khán giả hiểu sai lệch về bản sắc văn hóa người Mông. Vậy, khâu kiểm duyệt của Ban tổ chức cuộc thi có vấn đề, hay do sự thiếu hiểu biết về văn hóa của dân tộc Mông của tác giả bài hát, thí sinh và hơn hết là của Ban tổ chức?

Cần hiểu đúng về tục “kéo vợ”, “kéo dâu”

Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền (Ủy ban Dân tộc) Đinh Xuân Thắng cho biết, tục “kéo dâu” của một số dân tộc có nhiều tên gọi khác nhau, do người Việt gọi, như cướp vợ, kéo dâu, bắt dâu… từ lâu đã trở thành một nét đẹp văn hóa trong phong tục của một số dân tộc như Mông, Thái, Dao.

Theo phong tục truyền thống của một số dân tộc như Mông, Thái, Dao, tục “kéo dâu” là khi đôi trai gái yêu nhau, đủ tuổi kết hôn, không vi phạm điều cấm của pháp luật, được cha mẹ, cộng đồng chấp thuận. Khi đó, đôi trai gái hẹn nhau ở một địa điểm nào đó, rồi đưa nhau về nhà trai, sáng hôm sau, chú rể quay lại nhà gái, thông báo với nhà gái đã bắt cô gái về làm vợ ngày hôm qua.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền Đinh Xuân Thắng, không nên dùng từ “cướp”, “bắt” mà nên dùng từ “kéo dâu”, “kéo vợ” nó sẽ hay hơn, phù hợp hơn. Đặc biệt, trong các chương trình mang tính truyền thông, quảng bá liên quan đến văn hóa của 53 DTTS Việt Nam, thì cần có sự tư vấn của các nhà chuyên môn, các nhà văn hóa trước khi đưa lên sân khấu.

MC Việt Cường và Vân Trang đã có những lời dẫn không chính xác về phong tục "kéo vợ"
MC Việt Cường và Vân Trang đã có những lời dẫn không chính xác về phong tục "kéo vợ"

Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, cho rằng tục "kéo vợ" là phong tục tích cực chống lại việc thách cưới cao. Người con gái cũng chủ động tham gia kéo vợ. Ngày nay, tục này vẫn còn, phụ nữ cũng tự hào được "kéo" vì họ đẹp, chăm làm mới có người "kéo". Đôi nam nữ yêu nhau mới "kéo". Tuy nhiên gần đây, ở một số nơi, một số người lợi dụng để " cướp" chứ không còn " kéo " nữa. Nếu nhìn cô gái bị cướp mặt tươi tỉnh nở nụ cười là kéo. Còn cô ta khóc, tóc bù xù, chống lại tốp người kia thì là hiện tượng "cướp vợ".

Tiến sĩ Trần Hữu Sơn cho rằng: "Cần trả lại đúng nghĩa của phong tục này với cách gọi đúng tên của hành động này là "kéo vợ", "kéo dâu" chứ không phải "cướp vợ", "bắt vợ"".

Tiếc rằng, trong Chương trình, MC Việt Cường và Vân Trang đã có những lời dẫn không chính xác về phong tục tốt đẹp này. MC Việt Cường giới thiệu: “Khi người ta nói đến tục cướp vợ của người H’Mông, thì đây là nét đẹp văn hóa trong 54 dân tộc Việt Nam...”. Còn MC Vân Trang thì nói: “Theo đúng phong tục văn hóa Việt Nam, thì có lẽ tục cướp vợ sẽ là những nơi mà chúng ta để cho đôi trai gái đến với nhau mà không cần phải có quá nhiều sính lễ, hay có quá nhiều những rào cản”.

Nói thêm về vấn đề này, ông Vừ Bá Thông (dân tộc Mông) hiện công tác tại Vụ Pháp chế, Ủy ban Dân tộc cũng bày tỏ, “cướp vợ” không bao giờ gọi là nét đẹp văn hóa của người Mông và cũng không ai dùng từ "cướp". Đã “cướp” thì hạnh phúc ở đâu ra…

“Khi người ta "kéo" cô gái về đến nhà vẫn phải tiến hành các nghi lễ cưới như bình thường, không phải kéo xong về đến nhà cứ thế là vợ chồng", ông Vừ Bá Thông giải thích thêm.

Tồn tại những “hạt sạn” không đáng có ở một cuộc thi âm nhạc uy tín. Trong ảnh: Trao giải Cuộc thi Tài năng âm nhạc Việt mùa 2
Tồn tại những “hạt sạn” không đáng có ở một cuộc thi âm nhạc uy tín. (Trong ảnh: Trao giải Cuộc thi Tài năng âm nhạc Việt mùa 2)

Có thể thấy, việc biểu diễn ca khúc “Cướp vợ người H’Mông” tại một cuộc thi âm nhạc uy tín cho thấy, sự thiếu hiểu biết về văn hóa người Mông của chính tác giả bài hát, của thí sinh và hơn hết là Ban Tổ chức Cuộc thi.

Trong những năm qua, những hạt sạn như vậy không phải là ít thấy, nhưng vẫn phạm sai lầm. Vấn đề được đặt ra tại các cuộc thi hiện nay, nhất là các chương trình được phát sóng trên sóng truyền hình có liên quan đến văn hóa các dân tộc, là cần có sự tham gia tư vấn của những người có chuyên môn, những nhà nghiên cứu văn hóa trước khi đưa lên sân khấu, tránh tình trạng để khán giả hiểu sai lệch về văn hóa của các dân tộc.

Tin cùng chuyên mục
Du lịch nội địa - Bao giờ mới chuyên nghiệp?

Du lịch nội địa - Bao giờ mới chuyên nghiệp?

Lạm thu phí tham quan di tích, danh lam thắng cảnh; khâu tổ chức phân luồng kém dẫn đến tình trạng nhốn nháo, lộn xộn, tắc nghẽn trên đường lên tham quan di tích; cáp treo quá tải nhưng nhà ga vẫn tiếp tục bán vé để mặc du khách xếp hàng đợi cả vài tiếng đồng hồ… Đây là thực trạng đã và đang diễn ra nhiều năm nay tại không ít điểm tham quan di tích, danh lam thắng cảnh ở Việt Nam khiến du khách không khỏi bức xúc, thất vọng.