Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Đa dạng cách làm giúp đồng bào thoát nghèo ở vùng miền Tây Nam bộ

Huệ Khánh - 4 giờ trước

Vùng miền Tây Nam bộ là vựa lúa gạo trù phú lớn nhất cả nước. Đặc điểm sông nước trải rộng mang lại nguồn sinh kế đa dạng cho người dân nơi đây. Tuy nhiên, cũng bởi đặc điểm địa hình như vậy nên đời sống của người dân trong khu vực gặp nhiều khó khăn. Những năm qua, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo (Chương trình giảm nghèo), các tỉnh miền Tây Nam bộ đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động đa dạng nguồn lực để hỗ trợ các hộ dân thoát nghèo,.

Hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” và thực hiện có hiệu quả chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, cấp ủy, chính quyền tỉnh An Giang luôn chăm lo đời sống cho người nghèo. Ảnh: Bà Néang Si Na, ở ấp Phước An, xã Ô Lâm (Tri Tôn, An Giang) được sự quan tâm của các cấp chính quyền đã giúp đỡ bà cất được căn nhà đại đoàn kết để che nắng, che mưa.
Hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” và thực hiện có hiệu quả chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, cấp ủy, chính quyền tỉnh An Giang luôn chăm lo đời sống cho người nghèo. (Trong ảnh: Bà Néang Si Na, ở ấp Phước An, xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn, An Giang được chính quyền hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết kiên cố để ở)

Tập trung hoàn thiện hạ tầng, nâng cao dịch vụ xã hội

Tỉnh An Giang hiện còn khoảng 2% hộ nghèo, tập trung nhiều ở khu vực miền núi, điều kiện sản xuất khó khăn. Đến hết quý 3 năm nay, tỉnh An Giang đã giải ngân được gần 150 tỷ đồng vốn giảm nghèo của Chương trình. Bên cạnh các hạng mục, dự án an sinh xã hội, xóa nhà tạm, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tỉnh tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi. Cho đến nay, hầu hết các hộ nghèo ở vùng khó khăn đã được hưởng lợi từ cơ sở hạ tầng; xóa nhà tạm. Các địa phương trong tỉnh bắt đầu tập trung thực hiện các giải pháp phát triển sản xuất nâng cao đời sống cho người dân, nhất là các hộ nghèo.

Huyện Tri Tôn là một trong những huyện nghèo nhất tỉnh An Giang. Địa hình nhiều đồi núi, điều kiện canh tác khó khăn do bất lợi về hệ thống nước tưới. Thực hiện Chương trình, toàn huyện đã cơ bản hoàn thành giải ngân nguồn vốn được giao. Đặc biệt, huyện đã phân bổ thực hiện 67 công trình thuộc dự án hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; phân bổ vốn thực hiện 14 mô hình giảm nghèo với 277 hộ dân tham gia; thực hiện 7 dự án chuyển đổi sản xuất, từ trồng lúa sang chăn nuôi bò, dê, gà...; đào tạo nghề phi nông nghiệp; tập huấn về giáo dục nghề nghiệp, tư vấn và giới thiệu việc làm; thực hiện mục tiêu an cư, huyện hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà cho 1.958 hộ, đảm bảo yêu cầu về diện tích và cơ bản đảm bảo “03 cứng” (nền - móng cứng, khung - tường chứng, mái cứng).

Như gia đình bà Néang Si Na ở Phước An, xã Ô Lâm (Tri Tôn, An Giang) thuộc diện hộ nghèo trong xã, bản thân bà bị bệnh, không có khả năng sửa chữa ngôi nhà bị sập đã lâu. Ban Chỉ đạo vận động xây nhà ở cho hộ nghèo của xã Ô Lâm khảo sát thấy hoàn cảnh gia đình bà Néang Si Na quá khó khăn đã xem xét hỗ trợ bà xây dựng căn nhà mới khang trang. Bà Néang Si Na nhớ lai những ngày tháng vất vả phải đi ở đậu nhà cháu, bà xúc động chia sẻ: “Tôi cảm ơn sự quan tâm của các cấp chính quyền đã giúp đỡ gia đình tôi có được căn nhà đại đoàn kết, nếu không có sự quan tâm này không biết đến khi nào tôi có đủ điều kiện xây dựng lại căn nhà của mình”.

Đánh giá về việc triển khai hoàn thiện cơ sở hạ tầng, ông Trần Minh Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn cho biết, việc xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng liên kết vùng, cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bạn huyện phục vụ trực tiếp cho sản xuất, dân sinh, đáp ứng nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, Chương trình còn góp phần tạo việc làm, sinh kết bền vững, thu nhập tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Điểm sáng giảm nghèo

Nguồn vốn Chương trình đã mang đến cho vùng khó khăn U Minh (tỉnh Cà Mau) những hi vọng mới. Đây là địa hình rất phức tạp do nhiều kênh rạch chằng chịt; nhiều diện tích rừng, khu bảo tồn, bãi ngang ven biển... nên diện tích để canh tác rất ít. Điểm nhấn đầu tiên của U Minh là tập trung khắc phục những bất cập của hạ tầng giao thông. Đến nay toàn huyện đã xây dựng được gần 1.200km đường kiên cố và 450 cây cầu ngang qua kênh, rạch nối liền các trục lộ chính liên tỉnh, huyện. Đã có hơn 99% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia. Thu nhập bình quân đạt gần 60 triệu đồng/người/năm. Số hộ nghèo giảm còn khoảng 1.200 hộ (4,7% dân số toàn huyện).

Từ nguồn vốn của Chương trình, huyện U Minh phân công các cơ quan, ban ngành trong huyện tham gia giúp đỡ các xóm, ấp khó khăn, có tỷ lệ hộ nghèo cao. Đề ra các chính sách nhằm tạo điều kiện cho hộ nghèo được tiếp cận với các dịch vụ an sinh xã hội; xây dựng mô hình khu dân cư, xóm, ấp không còn hộ nghèo; không có gia đình hội viên Hội phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn viên thanh niên là hộ nghèo.

 Huyện cũng triển khai, nhân rộng các mô hình sản xuất, mô hình giảm nghèo hiệu quả; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, từng bước xóa bỏ tư duy trông chờ, ỷ lại; giảm bớt các thủ tục hành chính, bảo đảm tính minh bạch, dân chủ trong bình xét; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.

Cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Cà Mau ngày càng được cải thiện. Các tuyến đường liên vùng, liên huyện tạo điều kiện mạnh mẽ cho phát triển thương mại, dịch vụ, giao thương. Ảnh: Đầu tư hạ tầng ở huyện U Minh, Cà Mau.
Cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Cà Mau ngày càng được cải thiện. Các tuyến đường liên vùng, liên huyện tạo điều kiện mạnh mẽ cho phát triển thương mại, dịch vụ, giao thương. Ảnh: Đầu tư hạ tầng ở huyện U Minh, Cà Mau.

Nhiều hộ dân được tạo điều kiện cho thuê đất, mua đất trồng rừng sản xuất từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua các dự án giảm nghèo. Bà con được tham gia vào các dự án, tự mình đề ra phương án sản xuất, kinh doanh. Cán bộ phụ trách dự án không cầm tay chỉ việc mà chỉ hướng dẫn phương pháp cũng như cách thức để người dân được vay vốn ưu đãi. Ngoài ra, cũng từ các dự án của Chương trình, người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo và tư vấn việc làm.

Đánh giá về hiệu quả của Chương trình, ông Nguyễn Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND huyện U Minh cho biết: Để người dân tự chọn phương án phù hợp là cách làm hay để phát huy hiệu quả tốt nhất của các dự án giảm nghèo, hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm. Tất nhiên, cán bộ dự án phải thường xuyên kiểm tra và định hướng để bà con lựa chọn phương án phù hợp. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục chỉ đạo cán bộ dự án, các xã thực hiện tốt các mô hình, dự án sinh kế đã tổ chức thực hiện trên địa bàn. Đặc biệt chú trọng tính bền vững và khả năng nhân rộng ra cộng đồng.

Chung tay cùng hộ nghèo

Thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững, tỉnh Đồng Tháp đã triển khai nhiều cuộc vận động, phong trào thi đua xóa đói, giảm nghèo với nhiều mô hình hay, sáng tạo và từng bước được nhân rộng ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh. Thành công của các mô hình mang lại hiệu quả và giá trị nhất định trong công tác giảm nghèo cũng như bảo đảm đời sống xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, tạo chuyển biến trong nhận thức và khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo.

Các cấp ủy đảng trong tỉnh luôn xác định mục tiêu giúp người dân thoát nghèo là việc làm tiên quyết nên ban hành nhiều nghị quyết, văn bản chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành của tỉnh cùng “xắn tay áo” để cùng bà con thoát nghèo. Chỉ đạo quyết liệt từ Tỉnh ủy, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị liên quan thường xuyên tổ chức kiểm tra, nắm bắt và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như tham mưu, đề xuất các giải pháp trong quá trình thực hiện. Một số cơ quan, đơn vị nhận “đỡ đầu” cho hộ nghèo như Hội phụ nữ tỉnh giúp hội viên thông qua các “tổ hùn vốn”; “mỗi chi hội giúp ít nhất 1 hộ hội viên”; “Phong trào phụ nữ vượt khó khởi nghiệp”.

Với suy nghĩ giúp đỡ nhau từ những điều nhỏ nhất khi khó khăn cũng mang lại ý nghĩa, giá trị lớn, lãnh đạo và hội viên Hội phụ nữ thành phố Hồng Ngự triển khai nhiều mô hình: Tổ heo đất tiết kiệm; Tổ heo đất tình thương; Kết nối yêu thương; Vườn ươm an sinh hỗ trợ phụ nữ nghèo; Hũ gạo tình thương... Số tiền, gạo thu được từ các hoạt động này được sử dụng để hỗ trợ hội viên nghèo, khó khăn.

 Từ năm 2021, từ nguồn quỹ này, Hội phụ nữ thành phố Hồng Ngự đã giúp đỡ cho hơn 500 lượt hộ nghèo; nhiều hội viên còn tạo điều kiện huy động vốn hoặc giúp đỡ hội viên nghèo tiếp cận nguồn vốn để phát triển sản xuất. Việc làm của các chị đã trực tiếp giúp cho 125 hộ hội viên nghèo thoát nghèo.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo thực sự đã mang lại sự hưởng ứng rộng khắp và rõ nét trong đời sống xã hội của nhiều địa phương. Thời gian tới, hi vọng rằng nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả từ các tỉnh được nhân rộng và phát triển bền vững, trở thành một trong những biện pháp giảm nghèo hiệu quả trên cả nước./.

Tin cùng chuyên mục
Na Hang (Tuyên Quang): Già làng, trưởng bản "giải bài toán" về tảo hôn

Na Hang (Tuyên Quang): Già làng, trưởng bản "giải bài toán" về tảo hôn

Ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống luôn là bài toán khó của nhiều địa phương có tỷ lệ đồng bào DTTS cao. Tại huyện Na Hang (Tuyên Quang) với sự góp sức tích cực, trách nhiệm của đội ngũ già làng, trưởng bản là Người có uy tín, thực trạng này đang từng bước được đẩy lùi...