Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Lâm Đồng hỗ trợ sinh kế, nâng cao chất lượng đời sống đồng bào DTTS

Minh Thu - 10:53, 22/10/2024

Xác định hỗ trợ sinh kế là giải pháp quan trọng giúp người dân giảm nghèo bền vững, trong thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng đã chủ động, tích cực đẩy mạnh công tác giảm nghèo. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng đời sống người dân, nhất là đồng bào DTTS.

Đường vào xã Gung Ré, huyện Di Linh.
Đường vào xã Gung Ré, huyện Di Linh

Đa dạng các mô hình sinh kế

Với 100% dân số là đồng bào DTTS, từ năm 2022, nhiều hộ dân thôn 4, xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên được hỗ trợ triển khai mô hình nuôi lợn đen để phát triển kinh tế. Mô hình phát huy hiệu quả, góp phần cải thiện thu nhập đời sống của người dân. Điển hình như gia đình ông Điểu Sriêng, ở thôn 4, chỉ sau 1 năm được hỗ trợ theo mô hình sinh kế nuôi lợn đen, gia đình ông đã thoát nghèo. 

Theo chia sẻ của ông Điểu Sriêng, năm 2022, gia đình ông được hỗ trợ lợn giống. Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, qua từng giai đoạn, đàn lợn sinh trưởng và phát triển tốt. Từ 10 con lợn giống được hỗ trợ ban đầu, gia đình ông đã xuất chuồng bán được 1 lứa và đang thực hiện tái đàn”.

Công tác triển khai, thực hiện mô hình hỗ trợ sinh kế cho người nghèo đã được sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở. Đặc biệt, là sự đồng thuận, hưởng ứng của các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Đây chính là công thức để bứt phá trong việc phát huy quyền làm chủ của Nhân dân gắn với công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn.

Ông Bon Yô SoanPhó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng

Ở tỉnh Lâm Đồng, huyện Lâm Hà cũng là một trong những địa phương làm tốt việc nhân rộng hiệu quả mô hình phát triển kinh tế. Cụ thể, huyện đã triển khai Đề án sinh kế hỗ trợ cho 185 hộ đồng bào DTTS, hộ nghèo thực hiện Mô hình Trồng dâu, nuôi tằm tại 7 xã, thị trấn có đồng bào DTTS tại địa phương.

Mô hình được triển khai thực hiện vào tháng 8/2022, 185 hộ được hỗ trợ trồng dâu, nuôi tằm đạt sản lượng kén từ trung bình trở lên. Từ nguồn vốn hỗ trợ sinh kế năm 2022 - 2023, đến nay đã có 41 hộ thoát nghèo, 26 hộ thoát cận nghèo, diện tích trồng dâu, nuôi tằm tăng 27,9ha so với diện tích đăng ký hỗ trợ trồng năm 2022”, ông Hoàng Sơn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Lâm Hà cho biết.

Theo ông Bon Yô Soan, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng, xác định việc hỗ trợ sinh kế phù hợp là giải pháp giúp người dân giảm nghèo bền vững, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức làm việc với các địa phương và các ngành liên quan về khảo sát, xây dựng kế hoạch Đề án hỗ trợ mô hình sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo...

Sức sống mới

Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Lâm Đồng đã xác định giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thực hiện nhiều giải pháp tổng hợp, tạo nên sức sống mới tại vùng đất này.

Đa dạng hóa sinh kế là một trọng những giải pháp quan trọng trong giảm ngèo ở Lâm Đồng.
Đa dạng hóa sinh kế là một trọng những giải pháp quan trọng trong giảm nghèo ở Lâm Đồng

Thành quả này có được là nhờ sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS; cùng với việc lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã đẩy mạnh triển khai thực hiện các chính sách, chương trình liên quan đến công cuộc giảm nghèo đa chiều bền vững, trong đó nổi bật là Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40).

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40, đến nay, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn Lâm Đồng đạt trên 5.987 tỷ đồng (tăng 3.819 tỷ đồng so với năm 2014), tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 10,1%; trong đó nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương 624 tỷ đồng (tăng gấp 11,8 lần so với năm 2014), chiếm tỷ trọng 10,42% trong tổng nguồn vốn.

 Người dân Lâm Đồng thay đổi nhận thức về cách sử dụng vốn ưu đãi của Nhà nước, áp dụng vào phát triển sản xuất, chăn nuôi, nâng cao đời sống.
Người dân Lâm Đồng thay đổi nhận thức về cách sử dụng vốn ưu đãi của Nhà nước, áp dụng vào phát triển sản xuất, chăn nuôi, nâng cao đời sống

Tại huyện Đam Rông, đồng bào DTTS đã mạnh dạn vay vốn để xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, nhờ đó thoát nghèo và có có hội vươn lên làm giàu. Điển hình, như gia đình chị Đinh Thị Hóa, ở xã Đạ R’Sal, với mô hình trồng dâu nuôi tằm; hay mô hình nuôi cá tầm của chị Nguyễn Phương Bắc ở xã Rô Men... đã xây được nhà, mua sắm được trang thiết bị để phục vụ sản xuất và đời sống.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận và nỗ lực vươn lên của Nhân dân, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm dần qua các năm. 10 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho 23.778 hộ thoát nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập cho 40.153 lao động, tạo điều kiện cho trên 12.201 lượt học sinh, sinh viên vay vốn trang trải chi phí học tập; xây dựng trên 207.378 công trình nước sạch, nhà vệ sinh hợp chuẩn, góp phần cải tạo môi trường sống; 1.831 hộ nghèo được hỗ trợ vốn để làm nhà mới vững chắc, khang trang. Người dân thay đổi nhận thức về cách thức sử dụng đồng vốn ưu đãi của Nhà nước, áp dụng vào phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, nâng cao cuộc sống.

Đến Lâm Đồng hôm nay, những cung đường thênh thang trải nhựa thẳng tắp nối các buôn làng đã thay thế cho những con đường đất đỏ, sình lầy bao quanh đồi cao, rừng rậm xưa kia. Đời sống đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa đã đổi thay rõ rệt. Số hộ nghèo toàn tỉnh đến cuối năm 2023 là 3.912 hộ, chiếm tỷ lệ 1,09% (trong đó hộ nghèo DTTS giảm còn 3,24%). 109/111 xã trên địa bàn tỉnh đã đạt chuẩn nông thôn mới.