Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Đặc sắc Lễ cúng mừng sức khỏe của người Ê-đê

PV - 14:27, 15/07/2019

Cúng mừng sức khỏe là một nghi lễ quan trọng trong đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc Ê-đê. Đây là nghi lễ thể hiện sự tôn kính, hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ; đồng thời cầu mong các đấng thần linh, ông bà tổ tiên chở che, phù hộ cho con cháu được khỏe mạnh, thành đạt. Đến nay, nghi lễ này vẫn được cộng đồng người Ê-đê ở một số nơi tổ chức và xem đó như một nghi lễ không thể thiếu trong cuộc sống.

Thầy cúng làm lễ cúng sức khỏe cho Y Drung Ayun. Thầy cúng làm lễ cúng sức khỏe cho Y Drung Ayun.

Mới đây, gia đình ông Y Du Niê ở buôn Khal, xã Cư Pơng, huyện Krông Buk (Đăk Lăk) tổ chức phục dựng nghi lễ truyền thống cúng mừng sức khỏe cho em vợ Y Du tên là Y Drung Ayun (chủ nhân buổi lễ). Trong ngôi nhà sàn truyền thống, rượu cần, cây nêu và các lễ vật đã chuẩn bị đầy đủ, người thân họ hàng của gia chủ và bà con trong buôn có mặt đông đủ.

Ông Y Du Niê cho biết: Trong vòng đời, mỗi người sẽ được cúng sức khỏe 3 lần. Lễ cúng lần một là 1 con heo đực, 3 ché rượu và vòng đồng 3 khắc. Lần hai là 2 con heo thiến, 5 ché rượu và vòng đồng 5 khắc. Và lần cuối cùng là 3 con heo thiến (hoặc 1 con trâu), 7 ché rượu và vòng đồng 7 khắc. Lễ cúng mừng sức khỏe thường được tiến hành trong thời gian rảnh rỗi, nông nhàn và của cải trong gia đình đã chuẩn bị đầy đủ.

Trước khi thực hiện cúng sức khỏe, chủ nhà chuẩn bị rất nhiều lễ vật, thanh niên phụ giúp người già chuẩn bị cây nêu, buộc rượu, treo chiêng; đàn ông tuổi trung niên làm thịt heo, chuẩn bị lễ vật, còn chị em phụ nữ giã gạo, hái rau rừng chuẩn bị các món ăn truyền thống. Khi lễ vật đã chuẩn bị đủ, thầy cúng mời người được cúng ngồi xuống chiếc chiếu hoa bên ché rượu và bắt đầu cúng.

Lễ cúng được thực hiện theo thứ tự các bước, cúng cho người đã khuất, cúng cho ông bà tổ tiên và cuối cùng là cúng cho chủ nhân buổi lễ. Tay thầy cúng đặt lên ché rượu, miệng đọc bài khấn “xin các vị thần Núi, thần Sông, thần Rừng phù hộ cho nó (người được cúng) sức khỏe, che chở, bảo vệ nó không gặp tai ương, che chở nó lúc ốm đau”. Lời thầy cúng vừa dứt cũng là lúc đội cồng chiêng hòa tấu rộn rã mời các vị thần về dự lễ. Người Ê-đê cho rằng không khí trang trọng này chính là lúc con người và thần linh gặp gỡ.

Sau đó, thầy cúng nắm tay, miệng đọc lời khấn cầu sức khỏe rồi đeo vòng và trao cần rượu cho chủ lễ. Sau khi cúng, thầy cúng mời các thành viên trong gia đình lên chúc mừng nhân vật chính của buổi lễ. Theo phong tục mẫu hệ của người Ê-đê, phụ nữ là người đi trước, nữ nữ chủ nhà rồi mới đến nam chủ nhà, cô dì mới đến chú… Những người trong buôn lần lượt đến chúc mừng cầm theo chiếc vòng đồng và món quà nhỏ để tặng cho người được cúng sức khỏe.

Sau phần lễ, tiếng chiêng vang lên thay cho lời cảm ơn của gia chủ tới họ hàng và bà con buôn làng đến chung vui. Chủ lễ uống rượu cần rồi mời bố mẹ đẻ, sau đó chủ nhà, người thân trong gia đình và bà con trong buôn lần lượt ra uống cùng chung vui với chủ lễ bên ché rượu cần. Trong không khí vui tươi ấy, mọi người quây quần quanh các ché rượu cần, cùng ăn bữa cơm mừng cho gia chủ.

Ông Y Djunh Kbuôr, Trưởng buôn Khal cho biết: Ngày nay, lễ cúng mừng sức khỏe không còn được tổ chức thường xuyên như trước, tùy vào điều kiện hoàn cảnh kinh tế mà tổ chức lễ cúng mừng sức khỏe cho con cháu trong gia đình mình. Tuy nhiên, dù linh đình hay đơn giản thì từ sâu trong tâm thức của người dân đồng bào dân tộc Ê-đê là muốn tỏ lòng thành kính tới các đấng thần linh và mong muốn các thần linh che chở phù hộ cho con, cháu, buôn làng.

LÊ HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.