Tiêu rừng Amót là một đặc sản đặc biệt quý của đồng bào Cơ Tu
Tại sự kiện này có sự xuất hiện của 4 nghệ nhân ẩm thực hàng đầu Việt Nam gồm: Phan Tôn Gia Hiền, Lê Nguyễn Hoàn Long, Lê Văn Khánh, Doãn Văn Tuấn.
Nghệ nhân Phan Tôn Gia Hiền quảng diễn món nem công chả phượng. Master Chef Lê Văn Khánh, Tổng bếp trưởng Trung tâm Hội nghị Quốc gia, trình diễn chế biến món ăn Kình ngư hóa rồng với một phần món ăn là nguyên liệu từ các loại rau rừng, trái cây của người đồng bào Cơ Tu ở huyện Tây Giang.
Trong khi đó, Master Chef Lê Nguyễn Hoàn Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội Siêu đầu bếp thế giới Việt Nam, trình diễn chế biến món bò sốt tiêu theo triết lý “Đông - Tây hội ngộ” bằng việc kết hợp bò Wegu (Úc) với sốt hạt tiêu rừng Tây Giang.
Vị đầu bếp chia sẻ: “Việc kết hợp vị bò Úc với hạt tiêu rừng Tây Giang là điều khá thú vị. Hai hương vị tây và ta tưởng chừng như khác biệt nhưng khi kết hợp với nhau lại tạo nên hương vị vô cùng lạ và hòa quyện đến không ngờ”.
Nhà nghiên cứu Văn hóa ẩm thực Việt Nam Lê Tân nhận định, mỗi món ăn được chế biến từ các nguyên liệu và thực phẩm của nước ta sẽ mang đến những câu chuyện văn hóa thú vị đằng sau mỗi món ăn ngon, cũng như cách chế biến, quảng diễn của các đầu bếp để nhằm tôn vinh, giới thiệu vẻ đẹp văn hóa và ẩm thực của Việt Nam đến bạn bè trong nước và quốc tế.
Cũng theo ông Tân, ở nước ta, mỗi vùng miền đều có một đặc sản với hương vị vô cùng đặc biệt, không nơi nào giống nơi nào. Nguyên liệu từ vườn rẫy, núi rừng, các món ăn dân dã được các đầu bếp chế biến, đặt lên bàn ẩm thực sang trọng là điều vô cùng đáng quý và sẽ tạo nên sự khác biệt trong các món ăn.
Giúp đồng bào Cơ Tu cải tạo thu nhập, nâng cao đời sống
Được biết, sự kiện Đêm văn hóa ẩm thực Cội nguồn Việt – Nghệ nhân di sản Việt là sự kiện nối tiếp sau việc ký kết Chương trình hỗ trợ phát triển và tiêu thụ nông sản giữa Công ty cổ phần Khu du lịch Bắc Mỹ An, Hội Khách sạn Đà Nẵng, Hiệp hội văn hóa ẩm thực Đà Nẵng và Hội Nông dân xã Tr’hy, huyện Tây Giang về việc bao tiêu nông sản, hoa màu của người dân địa phương, bảo đảm đầu ra, hướng đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững, gắn với hoạt động xây dựng cộng đồng địa phương.
Theo ông Nguyễn Đức Quỳnh, Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng, việc Hội bắt tay với nông dân Cơ Tu ở vùng cao Tây Giang được kỳ vọng sẽ trở thành mô hình hợp tác để đưa hàng hóa vùng cao về thành phố Đà Nẵng.
Hội khách sạn Đà Nẵng sẽ giới thiệu đến các hội viên là các khách sạn 4 đến 5 sao, các chuỗi cung ứng thực phẩm chất lượng cao trên địa bàn thành phố Đà Nẵng về nguồn nông sản của nông dân xã Tr’Hy và làm cầu nối để hỗ trợ tiêu thụ, mở rộng thị trường.
Đồng thời, Hội sẽ góp phần giới thiệu, quảng bá nguồn nông sản này đến với các đối tác trong và ngoài nước.
Ông Lê Hoàng Linh, Bí thư xã Tr’Hy (huyện Tây Giang) thông tin, địa phương có nhiều đặc sản, dược liệu được bà con trồng quanh năm. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên có một đầu mối thu mua nông sản để đưa vào sử dụng tại khách sạn, resort 5 sao.
Ông hy vọng, trong tương lai, Hội Khách sạn Đà Nẵng, Hiệp hội văn hóa ẩm thực Đà Nẵng, sẽ mở rộng hơn nữa các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản để bà con ngày càng mở rộng diện tích, sản xuất số lượng lớn nông sản sạch cung cấp cho các doanh nghiệp, giúp đồng bào Cơ Tu cải tạo thu nhập.
Các cây đặc sản của đồng bào người Cơ Tu có cơ hội vào resort, khách sạn 5 sao. Trong thời gian tới, địa phương sẽ tập trung trồng các loại cây phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Hai bên cũng có hoạt động hợp tác về đào tạo, giám sát đảm bảo chất lượng đầu vào, đầu ra, từ khâu chọn cây trồng cho đến phân bón, quy trình canh tác, chăm sóc, cải tạo đất, nguồn nước để đảm bảo chất lượng.
Việc các doanh nghiệp hợp tác tạo điều kiện cho việc phát triển, tiêu thụ nông nghiệp sẽ xây dựng được nguồn năng lực sạch, ổn định, đảm bảo an toàn thực phẩm. Đây cũng là cơ hội để người dân tại địa phương cải tạo thu nhập, nâng cao đời sống, tạo cơ hội mở rộng quy mô trồng trọt, chăn nuôi…