Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Đồng bào Cơ Tu từng bước vươn lên thoát nghèo nhờ các mô hình kinh tế hiệu quả

MInh Thu - 06:52, 19/12/2023

Sau 20 năm thành lập huyện, từ một huyện miền núi nghèo thiếu điện, đường, trường, trạm, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đầu tư các chương trình, dự án, chính sách, đăc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) mà hiện nay đời sống của bà con DTTS ở Tây Giang đã ngày một đổi thay, cơ sở hạ tầng được phát triển đồng bộ.

Đồng bào Cơ tu múa Tâng tung da dá bên nhà Gươl thôn Pơ' Ning xã Lăng huyện Tây Giang
Đồng bào Cơ tu múa Tâng tung da dá bên nhà Gươl thôn Pơ' Ning xã Lăng huyện Tây Giang

Nằm ở biên giới của tỉnh Quảng Nam, huyện Tây Giang là nơi thường xuyên gánh chịu ảnh hưởng của thiên tai như sạt lở, lũ quét. Huyện Tây Giang là nơi sinh sống của 14 dân tộc trong đó dân tộc Cơ Tu chiếm phần đông với hơn 91% dân số. 8/10 xã của huyện Tây Giang có đường biên giới với nước bạn Lào.

Nâng cao cơ sở hạ tầng vùng biên

Địa hình nhiều núi cao, gò đồi nên cuộc sống đồng bào DTTS nơi đây chịu nhiều ảnh hưởng và nguy hiểm mỗi mùa mưa lũ đến. Việc quy hoạch, sắp xếp lại chỗ ở, hỗ trợ đất, nhà ở cho người dân là bước quan trọng để giúp ổn định, yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế. Chính quyền địa phương đã vận động bà con ở những nơi có nguy cơ sạt lở, lũ quét tới nơi ở mới an toàn, tránh được nguy cơ từ thiên tai thành lập các khu dân cư tập trung như thôn Pơr’ning, xã Lăng, thôn Voong và thôn Ariêu, xã Trhy.

Không chỉ giúp bà con ổn định về nhà cửa, chính quyền huyện Tây Giang còn chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng. Các tuyến đường liên thôn, liên xã được bê tông hóa, đường đến với các thôn bản vùng sâu vùng xa đã trở nên thuận tiện hơn. Nhờ cơ sở hạ tầng được đầu tư, việc giao thương, buôn bán của đồng bào DTTS cũng thuận lợi hơn.

Hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng và đường nội bộ được chú trọng chỉnh trang, nâng cấp, đặc biệt là việc tập trung quy hoạch sắp xếp lại dân cư dọc tuyến biên với giới nước bạn Lào để bà con vùng biên như Arooi – Ating, xã Gari, Cha’nốc – Atu, xã Ch’ơm không còn tình trạng thiếu đất ở, thiếu đất sản xuất, chú trọng đẩy mạnh xóa nhà tạm. Huyện cũng đầu tư xây dựng nhà máy nước sinh hoạt tại các địa điểm như trung tâm huyện, xã, cụm xã để đảm bảo nguồn nước cho bà con, nâng cấp lưới điện phục vụ bà con sản xuất, sinh hoạt.

Đồng bào người Cơ Tu chiếm hơn 91% dân số ở huyện Tây Giang
Đồng bào người Cơ Tu chiếm hơn 91% dân số ở huyện Tây Giang

Từng bước giúp người dân thoát nghèo

Do địa hình chủ yếu là rừng, đồi núi, trước kia cuộc sống của người DTTS ở huyện Tây Giang chủ yếu dựa vào rừng. Thời gian gần đây, đồng bào DTTS ở Tây Giang đã được sự hỗ trợ từ Chương trình MTQG 1719 để thay đổi mô hình sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Đời sống người dân Cơ Tu ở thôn A rớh, xã Lăng từng rất khó khăn, thiếu thốn lại cách xa trung tâm. Nhờ sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền cùng nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2021 – 2030, cuộc sống đồng bào DTTS đã từng bước được cải thiện, ấm no.

Từ mô hình trồng cây ba kích của già làng Bh’riu Pố, nhiều bà con Cơ Tu tại thôn A rớt và một số thôn lân cận đã học hỏi mô hình này để tăng thêm thu nhập. Được sự hỗ trợ cây giống, tiền chăm sóc cây và kỹ thuật chăm bón từ những mô hình sản xuất có hiệu quả trước đó, nhiều bà con người Cơ Tu đã chuyển đổi sang trồng ba kích kèm theo nhiều loại cây dược liệu khác và cây lâm nghiệp như keo, cao su… Hơn một nửa hộ dân ở xã Lăng đã có thu nhập ổn định, thoát khỏi hoàn cảnh nghèo khó.

Không chỉ trồng dược liệu, cây ăn quả, đồng bào DTTS ở Tây Giang còn triển khai các mô hình nuôi heo đen, gia súc, gia cầm và trồng thêm cây keo, quế để tăng thêm thu nhập.

Quanh năm lam lũ làm nương rẫy, nhưng gia đình chị Bhnướch Thị Blắc và gia đình chị A Vô Thị Bé, xã Baha Lêê vẫn không thể đủ ăn, cuộc sống vô cùng chật vật. Sau khi được hỗ trợ vay vốn để chăn nuôi, gia đình chị Blắc và chị Bé đã đầu tư con giống để chăn nuôi heo đen và gà. Đến nay, mỗi gia đình đã sở hữu hàng trăm con heo và gà, mỗi năm thu nhập gần 200 triệu đồng. Không chỉ thoát khỏi cảnh khó khăn, gia đình các chị đã có thể sắm sửa đồ dùng trong nhà, cơi nới, sửa sang thêm nhà cửa, con cái được học hành đầy đủ.

Kết cấu hạ tầng ở nhiều xã miền núi của Tây Giang được đầu tư phát triển đồng bộ.
Kết cấu hạ tầng ở nhiều xã miền núi của Tây Giang được đầu tư phát triển đồng bộ.


Ông Bhling Mia, Chủ tịch HĐND huyện Tây Giang chia sẻ: Là huyện miền núi với tỷ lệ người Cơ Tu chiếm đến 98% dân số nhưng đồng bào DTTS ở Tây Giang không có tệ nạn xã hội hay mất an toàn trật tự. Điều quan trọng nhất là chính quyền đã triển khai nhiều phương án để thay đổi cách làm, cách suy nghĩ của đồng bào dân tộc giúp người dân tự ý thức để thoát khỏi cái nghèo.

Đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của huyện Tây Giang đạt 26,582 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm giảm đáng kể xuống còn 58,36% trên tổng số hộ dân của huyện.

Năm 2023, huyện Tây Giang kỷ niệm 20 năm thành lập huyện. Từ một huyện thiếu thốn nhiều thứ như điện, đường, trường, trạm và cả trụ sở làm việc, đến nay đời sống đồng bào DTTS cơ bản đã được cải thiện, diện mạo huyện miền núi Tây Giang ngày một khởi sắc.


Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.