Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Đại biểu Quốc hội chỉ ra nhiều hạn chế trong thực hiện các Chương trình MTQG

Hoàng Quý - 14:25, 30/10/2023

Trong phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia, các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bày tỏ vui mừng với những kết quả bước đầu đã đạt được. Cùng với đó, các đại biểu đã đưa ra nghị trường nhiều vấn đề còn khó khăn, vướng mắc và đề xuất hướng giải quyết để thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Đại biểu Châu Quỳnh Dao (Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang)
Đại biểu Châu Quỳnh Dao (Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang) phát biểu

Đại biểu Châu Quỳnh Dao (Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang): Phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em vùng DTTS chưa đạt chỉ tiêu đề ra

Phát biểu tại phiên họp, ĐB Châu Quỳnh Dao nêu rõ, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi là chương trình có ý nghĩa quan trọng với phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau, tạo sự đồng thuận lớn trong xã hội.

Qua nghiên cứu, ĐB bày tỏ vui mừng trước một số kết quả bước đầu đã đạt được. Cụ thể, tại Dự án 5, 7, 8 đã góp phần thực hiện quyền trẻ em và bảo đảm các biện pháp bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ, giúp trẻ em tiếp cận được các dịch vụ một cách tốt nhất. Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ băn khoăn ở Dự án 7 là dự án chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng, chống suy dinh dưỡng ở trẻ em có 2 chỉ tiêu vẫn chưa đạt được. Theo đó, chỉ tiêu về trẻ suy dinh dưỡng, trẻ dưới 5 tuổi ở thể nhẹ cân 15,8% trong khi kế hoạch mục tiêu giao phải dưới 15%; trẻ thấp còi là 25%, trong khi kế hoạch giao là dưới 15%...

Theo ĐB, năm 2020, Ngân hàng Thế giới đã xếp Việt Nam vào 1 trong 34 quốc gia phải đối mặt với gánh nặng suy dinh dưỡng ở trẻ em. Kể từ đó, Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực để cải thiện vấn đề này. Tuy nhiên, tình trạng cải thiện cũng chưa khả quan; Viện Dinh dưỡng quốc gia cũng từng nhận định tại vùng núi phía Bắc và nhiều vùng DTTS khác có hơn 70% trẻ em chưa được ăn đúng, ăn đủ. ĐB cho rằng, "cái no lo chưa tới, làm sao nghĩ đến đa dạng thực phẩm đúng, đủ chất"; vẫn còn nơi có tập quán chăm sóc trẻ lạc hậu;... Mặt khác, cơ chế, chính sách hiện nay vẫn còn bất cập.

Bên cạnh đó, từ năm 2021 - 2023, Dự án 7 chỉ giải ngân được 15,44%; trong khi đó, ngân sách địa phương chỉ giải ngân được 10,91%. Như vậy, đồng nghĩa với việc rất nhiều người dân chưa được thụ hưởng chính sách, việc cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em chưa bảo đảm được đi vào thực chất. Do đó, ĐB đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp trong báo cáo giám sát đề ra; đặc biệt chú trọng phân bổ hợp lý cho công tác truyền thông để nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của vấn đề dinh dưỡng trẻ em.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên)
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên) phát biểu

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên): Thoát nghèo phải bắt đầu từ ý chí vươn lên của người dân

Phát biểu tại phiên họp, ĐB phản ánh, việc giải ngân cho công tác giảm nghèo được thực hiện ồ ạt, tuy nhiên hiệu quả thì chưa bảo đảm, nguồn lực chưa chắc đến được đúng đối tượng, khó để đo đếm hiệu quả của việc triển khai nguồn lực. Tổng kết kinh nghiệm phát triển nông thôn tại Hàn Quốc, ĐB nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thay đổi nhận thức của các chủ thể tham gia là chính những người dân, cùng với đó là việc giao quyền tự chủ cho chính người dân trong việc quyết định cách thức triển khai của từng chương trình, dự án cụ thể tại địa phương.

Ngoài ra, ĐB cũng đề nghị cần đẩy mạnh truyền thông về giáo dục nghề nghiệp, việc giải ngân trong công tác truyền thông về các chương trình mục tiêu quốc gia cũng còn bất cập, cần khắc phục để tạo được sự đồng thuận cao trong Nhân dân về thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia này.

Đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái)
Đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái) phát biểu

Đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái): Khẩn trương rà soát, sửa đổi các chính sách, văn bản hướng dẫn dễ hiểu, dễ thực hiện.

ĐB Nguyễn Quốc Luận cho biết, việc ban hành văn bản chỉ đạo hướng dẫn theo báo cáo của Đoàn giám sát cho thấy, các văn bản chỉ đạo hướng dẫn tổ chức quản lý thực hiện các chương trình đến nay cơ bản đã được ban hành đầy đủ. Tuy nhiên, qua giám sát khảo sát cho thấy nhiều văn bản hướng dẫn còn chung chung, chưa rõ ràng khó hiểu khó thực hiện không phù hợp thực tế. Việc dẫn chiếu quá nhiều trong một văn bản dẫn đến khó khăn, lúng túng cho cán bộ và người dân đặc biệt là cán bộ cấp xã ở các địa phương miền núi vùng cao địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.

Vì vậy, ĐB đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành khẩn trương rà soát, sửa đổi bổ sung các chính sách các văn bản chỉ đạo hướng dẫn theo hướng chi tiết rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ áp dụng trong thực tiễn. Giải thích từ ngữ đầy đủ, hạn chế tối đa việc dẫn chiếu quá nhiều các văn bản trong cùng một nội dung. Đối với cấp xã nên ban hành dưới dạng Sổ tay hướng dẫn thực hiện; đồng thời bổ sung quy định cụ thể rõ ràng việc phối hợp lồng ghép giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia và giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia với các chương trình dự án khác để thuận lợi cho quá trình giải ngân các nguồn vốn, hạn chế việc chồng chéo trùng lắp vào địa bàn đối tượng nguồn vốn gây thất thoát lãng phí làm giảm hiệu quả của các chương trình.

ĐB Nguyễn Quốc Luận cũng đề nghị chính phủ xem xét giao chung vốn sự nghiệp thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia hàng năm trên cơ sở nguyên tắc, tiêu chí định mức phân bổ vốn đã được ban hành, không thực hiện giao theo lĩnh vực, theo dự án, tiểu dự án thành phần như hiện nay, để tạo sự chủ động linh hoạt cho các địa phương xem xét kinh phí thực hiện cho cấp huyện. Có cơ chế đặc thù ưu đãi trong tổ chức thực hiện các chương trình cho các tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn theo hướng được tỷ lệ hỗ trợ cao hơn để các địa phương này có thêm nguồn lực trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và các chính sách an sinh xã hội đối với đồng bào các DTTS.

Cùng với đó, ĐB đề nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn ngân sách trung ương năm 2023 của 3 chương trình chưa được giải ngân hết chuyển sang tiếp tục thực hiện đến hết ngày 31/12/2024. Về phương thức quản lý thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, ĐB đề nghị nghiên cứu áp dụng cơ chế quản lý theo kết quả đầu ra để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng vốn theo dõi đánh giá được tiến độ thực hiện so với các mục tiêu đã đề ra, kịp thời phát hiện được các khiếm khuyết và có các biện pháp cải tiến điều chỉnh kịp thời trong thực thi các cơ chế chính sách của các chương trình…

Đại biểu Phạm Thị Kiều (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông)
Đại biểu Phạm Thị Kiều (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) phát biểu ý kiến

Đại biểu Phạm Thị Kiều (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông): Nên quy định thống nhất một cơ chế quản lý, sử dụng chung, lồng ghép nguồn vốn chính sách Nhà nước

Phát biểu tại phiên thảo luận, ĐB cho biết để tổ chức thực hiện hiệu quả, tạo sự đồng bộ, thuận lợi, tránh sự chồng chéo trong quá trình tổ chức thực hiện, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành trung ương nên quy định thống nhất một cơ chế quản lý, sử dụng chung, lồng ghép nguồn vốn chính sách Nhà nước để thực hiện cho 3 Chương trình MTQG. Vì mỗi chương trình ban hành một cơ chế quy định riêng, dễ gây  khó khăn cho các địa phương trong quá trình áp dụng thực hiện, đồng thời dễ gây bất đồng, chồng chéo trong quá trình tổ chức thực hiện.

Về nguồn vốn đầu tư phát triển ngân sách trung ương, ĐB Phạm Thị Kiều để nghị cho phép kéo dài thời hạn giải ngân vốn của giai đoạn 2021 - 2025 kể cả nguồn vốn kéo dài năm 2022 sang năm 2023 đến hết giai đoạn 2025.

Bên cạnh đó, ĐB đề nghị Quốc hội, Chính phủ quy định cho phép UBND tỉnh thống nhất với Thường trực HĐND tỉnh điều chỉnh và báo cáo HĐND tỉnh tại kỳ họp để bảo đảm tính kịp thời.

Cho rằng thực tế hiện nay việc triển khai thực hiện cả 3 Chương trình MTQG bước sang năm thứ 3 nhưng còn nhiều dự án, tiểu dự án thuộc các Chương trình, nhất là Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi vẫn chưa thể thực hiện được, do vướng mắc trong quá trình ban hành các văn bản hướng dẫn, ĐB Phạm Thị Kiều đề nghị các bộ, ngành có liên quan sớm tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành cơ chế hướng dẫn để địa phương triển khai thực hiện theo đúng quy định.

Cùng với đó, ĐB Phạm Thị Kiều đề nghị nghiên cứu thành lập một mô hình Văn phòng điều phối chung trực thuộc UBND cấp tỉnh để thực hiện hiệu quả 3 Chương trình, trong đó cần xác định vị trí pháp lý rõ ràng biên chế của Văn phòng được sử dụng tại các cơ quan, đơn vị mà hiện đang tham mưu thực hiện 3 Chương trình và không làm phát sinh biên chế các tỉnh, đồng thời bố trí nguồn kinh phí để văn phòng hoạt động hiệu quả.