Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Đại biểu Quốc hội đề nghị đánh giá kỹ tác động của việc chuyển mặt hàng phân bón từ không chịu thuế sang đối tượng phải chịu thuế

Hoàng Quý - 19:28, 24/06/2024

Đây là một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm trong phiên thảo luận về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh)
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh)

Theo đó, chiều 24/6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bày tỏ băn khoăn về việc đưa phân bón về đối tượng chịu thuế suất 5%.

Tham gia góp ý kiến vào nội dung nêu tại điểm b, khoản 2, Điều 9 dự thảo Luật quy định mặt hàng “Phân bón” là đối tượng phải chịu thuế giá trị gia tăng với thuế suất 5% thay vì “mặt hàng phân bón không phải chịu thuế” như quy định hiện hành, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh) kiến nghị đến Quốc hội, Chính phủ:

Thứ nhất, cần có khảo sát, đánh giá kỹ và báo cáo đầy đủ hơn về tác động của việc chuyển mặt hàng phân bón, từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng phải chịu thuế với mức thuế suất là 5% ở cả hai góc độ. Một là, nhìn từ góc độ tác động đến sự phát triển của ngành sản xuất, kinh doanh phân bón, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hai là, tác động từ việc tăng giá của sản phẩm phân bón, ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân ra sao, hiệu quả cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp thế nào để Quốc hội xem xét, cân nhắc một cách thận trọng trước khi biểu quyết thông qua.

Thứ hai: Không tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón, nhưng bổ sung doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước vào khoản 1 Điều 5 của dự thảo Luật là đối tượng được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào.

Thứ ba: Để khuyến khích phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh, sạch, Luật cần phải phân loại “mặt hàng phân bón” ra thành 2 nhóm hàng hóa. Đó là "phân bón hóa học" và "phân bón hữu cơ", trong đó đặc biệt ưu tiên miễn thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón hữu cơ như nhiều quốc gia đang làm. Để từ đó định hướng và chuyển dần thói quen sử dụng phân bón hóa học sang sử dụng phân bón hữu cơ; đồng thời chuyển dần nền sản xuất nông nghiệp của Việt Nam sang nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp sạch theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Đại biểu Nguyễn Danh Tú (Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang)
Đại biểu Nguyễn Danh Tú (Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang)

Có cùng quan điểm với đại biểu Trần Quốc Tuấn, Đại biểu Nguyễn Danh Tú (Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang) đề nghị cần đánh giá kỹ đối với việc chuyển đổi phân bón sang đối tượng chịu thuế suất 5%. Đại biểu Nguyễn Danh Tú nhận thấy dự thảo Luật lần này đã chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế suất 5%. Theo cơ quan soạn thảo, các doanh nghiệp sản xuất phân bón không được kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa, dịch vụ phục vụ sản xuất phân bón mà phải tính vào chi phí sản phẩm khiến giá thành sản phẩm tăng, lợi nhuận giảm, bất lợi cho việc cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.

Đại biểu Nguyễn Danh Tú nhận thấy, việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho ngành sản xuất phân bón trong nước là vô cùng cần thiết và cần tiếp tục cân nhắc, nghiên cứu kỹ việc chuyển phân bón sang đối tượng chịu thuế suất 5%. Vì phân bón là một trong những hàng hóa đầu vào quan trọng của sản xuất nông nghiệp, là hàng hóa sử dụng thiết yếu, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh và đời sống người dân, đặc biệt là người nông dân sẽ chịu tác động lớn bởi quy định này.

Đại biểu Nguyễn Danh Tú đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục cân nhắc, đánh giá tác động kỹ lưỡng nhiều mặt, đánh giá tác động từ phía các doanh nghiệp sản xuất phân bón cũng như đánh giá tác động từ phía người nông dân trực tiếp sử dụng phân bón trong sản xuất nông nghiệp.

Đại biểu Khang Thị Mào (Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái)
Đại biểu Khang Thị Mào (Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái)

Trong khi đó, đại biểu Khang Thị Mào (Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái) lại đề nghị Chính phủ xem xét chưa áp dụng đề xuất trên. Đại biểu cho biết, qua nghiên cứu dự thảo Luật Thuế giá trị (sửa đổi) Chính phủ trình Quốc hội áp dụng mức thuế suất 5% đối với phân bón tại điểm b, khoản 2 Điều 9 với mục tiêu thúc đẩy sản xuất phân bón trong nước cạnh tranh với phân bón nhập khẩu. Theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành, phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, doanh nghiệp không được kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa dịch vụ bao gồm cả hoạt động đầu tư, mua sắm tài sản phục vụ cho hoạt động sản xuất phân bón mà phải tính vào chi phí sản phẩm khiến giá thành tăng, lợi nhuận giảm, bất lợi cho cạnh tranh với phân bón nhập khẩu; khó khăn về nguồn vốn liên doanh nghiệp không đủ chủ động trong đầu tư, mở rộng sản xuất

Do đó, đại biểu Khang Thị Mào đề nghị Chính phủ xem xét chưa áp dụng đề xuất trên, bởi bản chất thuế giá trị là thuế gián thu có tính trung lập, tính kinh tế cao thể hiện ở 2 khía cạnh: Thuế giá trị gia tăng không chịu ảnh hưởng bởi kết quả kinh doanh của người nộp thuế, do vậy thuế giá trị gia tăng không phải là yếu tố của chi phí sản xuất, đơn thuần là khoản thu được cộng thêm vào giá bán của người cung cấp dịch vụ; thuế giá trị gia tăng không bị ảnh hưởng bởi quá trình tổ chức và phân chia quá trình sản xuất kinh doanh.

Cùng với đó, theo quy định của Luật, giá của phân bón thuộc danh mục bình ổn giá, do đó cần bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, hài hào lợi ích giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ với người tiêu dùng.

Theo đại biểu Khang Thị Mào, qua việc nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cho thấy, khi muốn ưu đãi đối với lĩnh vực nào đó sẽ có 2 phương án: đưa vào diện không chịu thuế hoặc áp dụng thuế 0%. Trong tình hình thị trường phân bón thế giới và trong nước tiếp tục tăng, đại biểu Khang Thị Mào đề nghị hết sức cân nhắc việc áp dụng mức thuế suất 5% đối với phân bón.